Sếp Viettel tại Tanzania bị bắt vì những cáo buộc gì?

Google News

Bị cáo buộc phá hoại kinh tế Tanzania, sếp Viettel tại nước này sẽ bị xét xử theo Đạo luật kiểm soát tội phạm kinh tế và có tổ chức và do tòa án cấp cao xem xét.

Theo The East African, Giám đốc điều hành của Viettel tại Tanzania Lê Văn Đại cùng với giám đốc điều hành của Zanzibar Telecom, ông Sherif El-Barary, bị buộc tội phá hoại kinh tế Tanzania.
Vụ việc do tòa án cấp cao xét xử
Ông Lê Văn Đại bị giam giữ cùng với lãnh đạo Zantel và 4 người khác, bao gồm 2 người Trung Quốc - Lei Cao và Huang Yu Meng của Công ty TNHH Shunshe, và hai người Tanzania - Jimmy Mosha và Willy Ndoni làm việc cho Halotel với vị trí giám sát kinh doanh và quản lý tiếp thị.
Halotel là công ty con của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel của Việt Nam, và Zantel là công ty con của Millicom, Thụy Điển.
 Giám đốc của Halotel cùng 5 người khác bị cáo buộc gây tổn hại kinh tế lên tới 530.000 USD cho Tanzania. Ảnh:Tanzania Today.
Nhóm 6 người này bị cáo buộc là thông đồng, gian lận và trốn thuế và được cho là đã gây thiệt hại cho chính phủ Tanzania hơn 1.2 tỷ Tsh (khoảng 530.000 đôla Mỹ).
Các cáo buộc khác với nhóm này bao gồm việc sử dụng các thẻ SIM chưa đăng ký, hoạt động mà không có giấy phép, nhập khẩu và lắp đặt bất hợp pháp các thiết bị truyền thông và sử dụng gian lận các mạng viễn thông.
Theo công tố viên Jacqueline Nyantori, các hành vi phạm tội này đã được thực hiện từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 4 năm 2018.
Bà Nyantori nói với tòa án rằng các nghi phạm đã tìm cách gian lận phí tin nhắn quốc tế bằng cách sử dụng các cổng giao dịch không có giấy phép.
Tòa án được cho biết vào năm ngoái, 2 người Trung Quốc đã nhập khẩu 44 44 cổng thoại qua giao thức Internet (VOIP) không có số sê-ri và không có giấy phép của Cơ quan quản lý truyền thông Tanzania (TCRA).
Công tố viên cho biết hai người đàn ông đã lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị tại Tòa nhà Spring City ở Kinondoni phía tây bắc của khu thương mại trung tâm Dar es Salaam.
Các thiết bị cho phép qua mặt hệ thống giám sát giao thông viễn thông TCRA một cách bất hợp pháp.
Nhóm người này cũng được tìm thấy với 281.272 thẻ SIM Halotel chưa đăng ký và 11.920 thẻ SIM Zantel.
Các nghi can chưa đưa ra lời bào chữa, vì các cáo buộc này bị xét xử theo Đạo luật kiểm soát tội phạm kinh tế và có tổ chức của Tanzania và chỉ có thể được tòa án cấp cao xét xử.
Thẩm phán tại Tòa án Thẩm phán của Kisutu đã tạm giữ họ chờ xét xử.
"Không liên quan đến Halotel"
Phản hồi về việc này, Viettel cho biết thông tin nhà mạng Halotel có liên quan đến vụ việc này là cáo buộc một phía và chưa có kết luận chính thức từ tòa án Tanzania.
Số lượng 300.000 SIM nghi ngờ để sử dụng cho mục đích gian lận cước là do nhóm người nước ngoài thu mua từ hệ thống đại lý phân phối của nhà mạng. Halotel không trực tiếp bán SIM cho đối tượng người nước ngoài bị tình nghi.
“Đối với việc nhập khẩu, lắp đặt và sử dụng các thiết bị viễn thông nghi ngờ liên quan đến gian lận cước và qua mặt chính quyền quản lý là do nhóm người nước ngoài đang bị giam giữ thực hiện không liên quan đến Halotel”, thông cáo của Viettel khẳng định.
Nhà mạng quân đội nhấn mạnh sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra của cảnh sát và tòa án nước sở tại. Halotel đang tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ sự việc, đồng thời đã thuê công ty luật có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các trường hợp tương tự.
“Hiện tại Halotel có đầy đủ các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn Đại và thương hiệu Halotel trước các cáo buộc của tòa án", Viettel khẳng định.
Hiện tại, ngoài Halotel và Zantel, tại Tanzania còn có các nhà khai thác điện thoại di động khác gồm Vodacom, một đơn vị của Vodacom của Nam Phi; Bharti Airtel; Tigo, công ty con của Millicom ở Thụy Điển; và Công ty TNHH Viễn thông Tanzania thuộc sở hữu Nhà nước (TTCL).
Theo Anh Quân/Zing