Trong bài phản ánh trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin về sự việc sản phẩm Serum INOD được công bố là mỹ phẩm do Công ty TNHH mỹ phẩm Huyền Phi chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
Tuy nhiên trên nhiều trang mạng xã hội lại xuất hiện nhan nhản các clip quảng cáo sản phẩm này có tác dụng như “thần dược”. Cụ thể, thông tin quảng cáo cho rằng Serum INOD Huyền Phi đặc trị bệnh hôi nách; hết hôi nách vĩnh viễn; ngừa vi khuẩn gây mùi giúp da vùng nách, giúp da vùng nách chân, luôn khô thoáng, sáng mịn,…
Nhằm khách quan, đa chiều các thông tin liên quan, ngày 18/7/2022, phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống đã đến Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi (Văn phòng giao dịch tại số 86 Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) để liên hệ và đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, đến nay, Công ty này vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.
Phóng viên cũng đã liên hệ với Sở Y tế Hà Nội về vụ việc nói trên nhưng cũng chưa nhận được phản hồi.
|
Hình ảnh người phụ nữ tên Hoàng Huyền Phi xuất hiện trong video, chia sẻ về sản phẩn Serum INOD có công dụng với những câu từ gây hiểu lầm như một loại thuốc chữa bệnh. (Ảnh chụp màn hình). |
Bàn về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện không ít các thông tin quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm “nổ” công dụng như thuốc, hay như “thần dược” khiến nhiều người tiêu dùng hiểu lầm.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ những hành vi quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu lầm sẽ bị xử phạt và mức phạt tương đối nặng kể từ ngày 01/06/2021.
Đối với Serum INOD Huyền Phi, thực tế chỉ là sản phẩm mỹ phẩm, không phải là thuốc và không nằm trong danh mục thuốc được Bộ Y tế cấp phép. Nhưng hiện tại dòng sản phẩm này được quảng cáo ra thị trường như một loại thuốc đặc trị, có công dụng ngang những phương pháp trị liệu khác được Bộ Y tế kiểm nghiệm và công nhận hiệu quả.
Đây là hành vi quảng cáo không đúng với sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng sản phẩm Serum INOD. Nghiêm trọng hơn đây có thể coi là một hành vi lừa đảo khách hàng.
|
Serum INOD Huyền Phi được công bố là mỹ phẩm nhưng "nổ" công dụng như thuốc "trị" được hôi nách? (Ảnh chụp màn hình). |
Trường hợp, cơ quan chức năng xác định, Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi đã có những quảng cáo gây hiểu lầm về sản phẩm Serum INOD như thuốc đặc trị, thì doanh nghiệp này đã vi phạm khoản 3 Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Luật sư Tùng nhấn mạnh: Một cá nhân quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi là một tổ chức pháp nhân, vậy nên mức xử phạt đối với Công ty này (nếu vi phạm) sẽ khác đối với một cá nhân.
Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt đối với tổ chức như sau: “3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”.
Do đó, đối với hành vi quảng cáo sản phẩm Serum INOD Huyền Phi của Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi có công dụng như một loại thuốc có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Đồng thời, việc quảng cáo mỹ phẩm vi phạm như vậy còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng: Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng cũng khuyến cáo hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại mỹ phẩm với đầy đủ các phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, mỗi nhãn hàng, thương hiệu đều đẩy mạnh quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng từ báo hình, báo nói đến các kênh mạng xã hội. Mỗi thương hiệu có một cách quảng cáo riêng, một hướng tiếp cận người tiêu dùng riêng.
Tuy nhiên, không phải nhãn hàng nào cũng sẽ quảng cáo đúng về sản phẩm mà để nâng cao hiệu quả kinh doanh, một số thương hiệu sẽ quảng cáo về sản phẩm của mình có những công hiệu cao hơn, tính năng vượt trội hơn,… gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Để tránh gặp phải điều này, người tiêu dùng cần phải cẩn thận khi lựa chọn mỹ phẩm.
“Khi mua mỹ phẩm, nên lựa chọn những thương hiệu uy tín, lâu đời, đã được kiểm nghiệm và được Bộ Y tế công nhận, cấp phép. Bên cạnh công dung, cần xem xét bảng thành phần của sản phẩm, sự kết hợp của từng thành phần đó có tác dụng thế nào, có gây kích ứng đối với người sử dụng hay không. Đặc biệt, người tiêu dùng cần cảnh giác cao trước những quảng cáo mỹ phẩm của các thương hiệu để bảo vệ bản thân”, luật sư Tùng khuyến cáo.
Theo Điều 20 Luật Quảng cáo có quy định về điều kiện quảng cáo các sản phẩm như sau: “1. Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
3. Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.”
Và đặc biệt, đối với sản phẩm quảng cáo là mỹ phẩm thì phải đảm bảo điều kiện được quy định tại điểm b khoản 4:
“4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
b) Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;”
Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP có quy định về việc quảng cáo mỹ phẩm rất rõ:
“1. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu: a) Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; b) Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).
2. Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung: a) Tên mỹ phẩm; b) Tính năng, công dụng của mỹ phẩm; c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; d) Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế .
3. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
4. Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại các điểm a, b và d Khoản 2 Điều này.”
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang