Ship hàng nửa tháng chưa giao, hết cách ly chưa nhận đồ chống dịch

Google News

Nhiều đơn vị giao hàng đang đối mặt với áp lực khi các đơn hàng ùn ứ do thiếu mạng lưới vận chuyển trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều khu vực bị phong tỏa.

Giao hàng gặp khó 

Từ khi TP.HCM triển khai chỉ thị 16 chống dịch, hoạt động giao hàng tại nhiều khu vực gặp khó khăn. Hàng loạt chủ shop kêu trời vì hàng tồn đọng chưa tới tay khách hàng. 

Gửi một đơn hàng kính chống dịch từ Bình Dương vào TP.HCM, chị Nguyễn Hoa (một chủ shop) bức xúc vì đơn hàng vẫn đang ở trong kho hàng tại Bình Dương. Đã 7 ngày kể từ khi nhân viên giao hàng tới lấy, đơn hàng vẫn trong tình trạng tồn ở kho, chưa được đơn vị vận chuyển tới khách hàng.

“Kính chống dịch mà 7 ngày chưa tới, tình hình này chắc hết dịch vẫn chưa tới tay khách hàng”, chị phàn nàn.

Trên nhóm kinh doanh online, chủ shop Huyền An cũng bức xúc: “Đơn hàng gửi đi hơn chục ngày rồi mà vẫn chưa tới tay khách hàng. Tương tự như vậy, một chủ shop tên Huy Thắng còn đặt câu hỏi: “Không hiểu kho có còn làm việc hay không? Hàng của mình giao COD nhập kho 4 hôm nay rồi mà không thấy điều phối giao hàng, khách gọi suốt, hỏi chăm sóc khách hàng thì không ai trả lời. 

Ship hang nua thang chua giao, het cach ly chua nhan do chong dich

Nhiều chủ shop bức xúc vì hàng hoá không giao đúng hẹn (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ các đơn vị giao hàng mà các nhà xe cũng gặp khó khi chuyển hàng về TP.HCM. Theo ghi nhận, có nhiều đơn hàng thực phẩm như rau củ quả, thịt, hải sản đông lạnh từ các nơi như Quảng Ngãi, Nha Trang, Đà Lạt gửi về Sài Gòn 3-4 ngày vẫn chưa được giao. Có nhiều đơn hàng khi nhận được thì rau đã chảy nước, trái cây bầm dập, thịt, cá đã bốc mùi.

Chị Đỗ Thu Hoài (Quận Tân Bình, TP.HCM) đặt mua rau xanh và khoai tây trực tiếp ở nhà vườn trên Đà Lạt gần 1,5 triệu đồng. Nhà vườn đóng thùng, dự tính khoảng 6 đến 9 tiếng đồng hồ sẽ đến TP.HCM, đảm bảo rau vẫn còn tươi. Tuy nhiên, hơn hai ngày sau, chị mới nhận được thùng hàng trong tình trạng một số rau củ đã bị hỏng. 

“Không chỉ mình mà nhiều đồng nghiệp cũng bực mình vì hàng hóa bị hỏng. Nhưng nhà xe chỉ xin lỗi mà không có bồi thường trách nhiệm”, chị nói. 

Nhiều nhà xe đã xin lỗi khách hàng vì tình trạng giao hàng chậm trễ. Khó khăn hiện nay không chỉ do kiểm soát chặt chẽ xe ra vào thành phố mà còn liên quan đến việc quy định không quá đông tại khu vực giao hàng.

Hoạt động giao hàng của một số đơn vị này phụ thuộc nhiều vào các đối tác như Grab, Gojek, Be. Tuy nhiên, nhiều tài xế giao hàng cho biết đang gặp phải tình trạng một số chốt kiểm soát dịch trong thành phố không cho qua, yêu cầu phải có giấy thông thành công ty cấp. Thế nhưng hầu hết các ứng dụng đều không cung cấp loại giấy tờ này cho đội ngũ shipper.

Phát triển nóng, thiếu hạ tầng

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, chưa bao giờ ngành dịch vụ giao nhận hàng hóa lại phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng như hiện nay. Hàng loạt đơn vị giao nhận hàng hóa nhanh như Vietnam Post, Viettel Post, Giao hàng Nhanh, Giao hàng Tiết kiệm... chiếm lĩnh thị trường giao nhận hàng hóa ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp mới đã “tấn công” vào thị trường giao nhận hàng như Grab, Be... nhưng không phải đơn vị nào cũng đầu tư bài bản về hệ thống kho sàn, phát triển mạng lưới bền vững.

Ship hang nua thang chua giao, het cach ly chua nhan do chong dich-Hinh-2

Nhiều đơn vị giao hàng tồn đọng vì không có người chuyển (Ảnh minh hoạ)

Do mạng lưới hạ tầng hạn chế, nhiều đơn vị giao hàng gặp khó khăn khi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhân viên kinh doanh của một đơn vị giao hàng thừa nhận, tình trạng tồn kho khá nhiều do thiếu nhân viên giao hàng tại TP.HCM do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các kho hàng đều quá tải, hàng hóa lưu thoát chậm do các sàn khai thác, điểm phục vụ nằm trong khu vực bị phong tỏa. 

Ông Đỗ Thanh Tùng, một quản lý đơn vị giao nhận chia sẻ, thời gian phát hàng bị chậm do hạn chế vận chuyển về số lượng phương tiện vận chuyển chuyên dụng, do không có đầu tư về hạ tầng và mạng lưới. Ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhân viên giao hàng, giao dịch viên gặp tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao dẫn đến bị động trong việc điều chuyển phân bố nhân sự. Ngoài ra, việc vận chuyển vào các tỉnh thành vùng dịch, lái xe phải có giấy xét nghiệm làm phát sinh chi phí.

TS. Phạm Nguyên Minh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), cho rằng, các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước còn khá non trẻ, chỉ chiếm thị phần nhỏ. Trong khi đó, năng lực của các doanh nghiệp không đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng tăng thuê ngoài dịch vụ logistics.

Để chiếm ưu thế, buộc các doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về tốc độ giao hàng và thời gian; giải quyết vấn đề này, việc phối hợp và lựa chọn đối tác đóng vai trò rất quan trọng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, để công ty giao nhận hàng hóa tạo được lợi thế cạnh tranh, ngoài việc đầu tư về công nghệ, kho bãi, dịch vụ thì việc đào tạo nguồn nhân lực cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi thực tế, khi đào tạo được đội ngũ giao nhận chuyên nghiệp, xuất sắc sẽ tạo ra được dịch vụ khác biệt.

Theo Đông Sơn/ Vietnamnet