Căn biệt thự đẳng cấp tọa lạc trên khu đất 3.000 m2 tại Đại Lải, Vĩnh Phúc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km của đại gia Bùi Quang Ngọc một lần nữa gây chú ý với người yêu nhà đẹp cả nước. Theo đó, video review căn biệt thự của Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT (FPT) mới công bố tiếp tục thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ sau vài ngày.
Trong video mới công bố, "khu vườn bạc tỷ" với hàng loạt cây thông Nhật mà đại gia Bùi Quang Ngọc mới tậu được bố trí, sắp xếp như một "hạm đội giữa đại dương". Trong đó, có những cây tuổi thọ đã hơn 400 năm, thuộc hạng rất "có số có má" trong giới chơi cây nước Nhật. Theo lời ông Ngọc, mỗi cái cây ở đây đều phải có một nét riêng gì đó, có như vậy ông mới tuyển chọn.
Không chỉ sở hữu căn biệt thự đẳng cấp tọa lạc trên khu đất 3.000 m2 tại Đại Lải, Vĩnh Phúc với khu vườn cây tiền tỷ, Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT (FPT) Bùi Quang Ngọc cũng đang là một trong những đại gia giàu có trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, ông Bùi Quang Ngọc đang trực tiếp hơn 21,5 triệu cổ phiếu FPT và là cá nhân lãnh đạo sở hữu lượng cổ phiếu lớn thứ hai tại tập đoàn sau Chủ tịch Trương Gia Bình.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/3 vừa qua, FPT đóng cửa ở mức giá 79.000đ/cổ phiếu. Với mức giá này, khối tài sản đại gia Bùi Quang Ngọc đang trực tiếp sở hữu trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 1.700 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh mới công bố, doanh thu mục tiêu của FPT năm 2023 là 52.289 tỷ đồng, tăng 18,8% so với mức thực hiện năm 2022. Trong đó, doanh thu từ khối công nghệ dự kiến đạt 31.150 tỷ đồng, tăng trưởng 20,9%; doanh thu từ khối viễn thông đạt 16.739 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6%; doanh thu từ khối giáo dục, đầu tư và hoạt động khác đạt 4.400 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh nhất ở mức 25,1%.
FPT lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9.055 tỷ đồng, tăng 18,2% so với mức thực hiện năm 2022. Tổng chi phí đầu tư dự kiến cho năm 2023 là 5.800 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 20/3, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp tăng để chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng kháng cự tại 1.048-1.052 điểm của các đường EMA10, EMA20 hay EMA50 ngày. Nếu lực cầu không đủ mạnh để duy trì đà tăng, chỉ số đại diện sàn HOSE có thể sẽ đảo chiều giảm để kiểm định sức mạnh của bên bán với hỗ trợ gần nhất nằm tại 1.038 điểm và thấp hơn là 1.020 điểm. Ở kịch bản khả quan hơn nếu VN-Index có thể vượt qua mốc 1.052 điểm với lực mua cải thiện, chỉ số sẽ có cơ hội kiểm định kháng cự EMA100 đang nằm tại vùng 1.068-1.070 điểm.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định trong phiên cuối tuần trước, áp lực bán chủ động gia tăng quanh ngưỡng cản gần 1.05x điểm khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên.
Mặc dù vậy, cơ hội mở rộng đà hồi phục của VN-Index vẫn tiếp tục được bảo lưu với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.03x điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng tỷ trọng trading khi giá của các cổ phiếu mục tiêu về quanh ngưỡng hỗ trợ.
Chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá VN-Index kết tuần tạo mẫu hình nến doji thể hiện sự lưỡng lự trong tâm lý nhà đầu tư xung quanh vùng 1.030-1.050 điểm và đây cũng đang là vùng tích lũy ngắn hạn của thị trường kể từ khoảng giá tháng 2/2023 đến nay.
Xét trên khung đồ thị tuần, VN-Index vẫn đang bám sát và nằm trên đường trung bình động MA20. Chỉ báo DI+ ở khung đồ thị tuần cũng chưa cho tín hiệu về xu hướng mới so với tuần trước và vẫn đang hướng lên tích cực, cho thấy khả năng lớn hơn là VN-Index vẫn tiếp tục có xu hướng phân hóa tăng điểm hướng lên các vùng điểm số cao hơn.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì vị thế cổ phiếu khoảng 15-25% trong tài khoản và bám sát diễn biến thị trường trong tuần tới, đồng thời hạn chế giải ngân trước khi VN-Index thành công bứt phá khỏi vùng kháng cự quanh 1.050 điểm hiện tại.
Theo Hoàng Nam/Người đưa tin