|
Bà Loan vẫn đang giữ sổ tiết kiệm 3 lượng vàng nhưng ngân hàng nói đã trả vàng. Ảnh: Châu Anh. |
Trong khi đó, Eximbank khẳng định đã chi trả số vàng này cho khách hàng từ năm 2013 nhưng... quên thu lại sổ tiết kiệm.
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, bà Bùi Tố Loan cho biết đã gửi hai sổ tiết kiệm vàng tại Eximbank chi nhánh Hà Nội vào tháng 4-2010, trong đó một sổ hơn 10 lượng vàng và 1 sổ 3 lượng vàng.
Sổ 10 lượng vàng đã được bà Loan tất toán từ ngày 10-12-2013 còn sổ tiết kiệm còn lại với 3 lượng vàng, bà Loan tiếp tục gửi lại ngân hàng theo hình thức giữ hộ (do thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước không còn cho phép các ngân hàng huy động vàng).
Do sinh sống tại nước ngoài cùng chồng, đến ngày 25-8-2017 bà Loan mới đem giấy chứng nhận gửi vàng đến ngân hàng làm thủ tục nhận 3 lượng vàng.
Tuy nhiên, bà Loan được nhân viên ngân hàng thông báo bà đã tất toán và nhận số vàng này cùng thời điểm khi bà tất toán sổ 10 lượng vàng, dù bà vẫn cầm sổ trong tay và chưa bao giờ báo mất sổ cũng như làm giấy nợ sổ vàng này tại ngân hàng.
"Khi tôi khiếu nại cho rằng mình chưa nhận số vàng này, ngân hàng đưa ra hàng loạt phiếu chi có chữ ký của tôi để chứng minh tôi đã nhận vàng. Điều đáng nói là toàn bộ các phiếu chi và thu đều do kế toán và thủ quỹ ghi các nội dung, tôi không ghi mà chỉ có chữ ký. Chưa kể phiếu chi 3 lượng vàng này không hề có tỉ lệ lãi như trong giấy chứng nhận gửi vàng" - bà Loan cho biết.
Trong các đơn khiếu nại gửi đến Eximbank, bà Loan cho rằng khi bà làm thủ tục tất toán 10 lượng vàng, phía ngân hàng tự động tách thành 3 phiếu chi với tổng cộng 10 lượng. Do có rất nhiều phiếu chi và thu, tạo ra sự rắc rối khó kiểm soát cho bà khi ký nhận.
Trong thư trả lời khiếu nại của bà Loan, Eximbank chi nhánh Hà Nội cho rằng việc tách sổ 10 lượng vàng là theo quy định của ngân hàng.
Theo đó, chứng chỉ vàng được tách ra: 50% sổ chứng chỉ vàng được hưởng lãi suất 2,5%/năm và 50% sổ vàng giữ hộ mất phí giữ hộ vàng 0,01%/năm.
Về sổ 3 lượng vàng mà bà Loan gửi, chỉ có lãi suất 0,03%/năm cho năm đầu tiên. Những năm sau không có lãi và mất phí giữ hộ. Nhân viên ngân hàng chưa trả lãi, treo lại để thu phí giữ hộ.
Ngoài ra, lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội cho rằng bảng kê thu và chi đều có ghi rõ số tiền bằng số và bằng chữ và bà Loan đã đọc, ký và ghi rõ họ tên trên bảng kê.
Eximbank khẳng định cho dù bảng kê do nhân viên ngân hàng làm hộ cho khách nhưng khi bà Loan đã ký tức là bà đã đọc và xác nhận đúng nội dung trên bảng kê. Việc này đủ cơ sở kết luận bà Loan đã nhận đủ tiền, vàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội cho biết sở dĩ xảy ra sự việc khách hàng "đã nhận vàng" nhưng vẫn còn giữ sổ gốc là do thời điểm chi vàng, nhân viên ngân hàng đã cho khách nợ sổ mà không đề nghị có chữ ký xác nhận, do bà Loan có quan hệ với cán bộ ngân hàng nên nhân viên đã dễ dãi cho khách nợ sổ rồi... quên không đòi sổ.
Cũng theo vị này, ngân hàng đã gửi Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát yêu cầu giám định các chứng từ liên quan đến giao dịch trên của bà Loan.
Ngày 23-2, Viện Khoa học hình sự đã có thông báo gửi ngân hàng với nội dung rằng chữ ký và chữ viết của khách hàng trên chứng từ giao dịch so với mẫu đăng ký là do cùng một người ký và viết ra.
Không có sự lừa đảo?
Theo lãnh đạo Eximbank chi nhánh Hà Nội, ngân hàng này đã trả lại vàng cho bà Loan, không có sự lừa đảo bởi quy trình chi vàng của ngân hàng phải có nhiều bộ phận như kế toán, thủ quỹ...
Nếu không có người gửi đến nhận vàng, ngân hàng không thể chi được.
"Khi khách hàng nhận vàng mà không đem sổ, nhân viên đã trình lãnh đạo nhưng lãnh đạo là người quen của bà Loan nên đã đồng ý linh động. Đến nay lãnh đạo này cũng đã nghỉ tại Eximbank" - vị này nói.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Loan không đồng ý với trả lời của Eximbank và cho rằng còn quá nhiều điều cần phải được làm rõ.
Theo Ánh Hồng/Tuổi Trẻ