Theo ghi nhận của Dân Việt, dù “ăn nên làm ra” như nhau song có nơi mức thù lao cao ngất ngưởng, có nơi lại chỉ ở mức tượng trưng, thậm chí có nơi còn quyết tâm... “truy thu” nguồn thù lao đã chi vượt cho lãnh đạo.
Nơi ngất ngưởng, chỗ tượng trưng
Đáng chú ý nhất trong mùa đại hội cổ đông thường niên là mức lương “khủng” của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo lần đầu tiên được công bố với cổ đông. Theo đó, mức lương mà CEO của Hãng Hàng không Vietjet Air (mã VJC) nhận được lên tới 2,66 tỷ đồng/năm. Đáng nói, mức thu nhập này của bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn cao gấp đôi mức lương của Chủ tịch HĐQT VJC là bà Nguyễn Thanh Hà (nhận thù lao 1,27 tỷ đồng/năm). Các phó Tổng Giám đốc khác của VJC cũng nhận mức lương từ 1,4 tỷ đến gần 1,7 tỷ đồng/năm.
Đây có lẽ cũng là doanh nghiệp tư nhân trả mức thù lao “khủng” nhất cho dàn lãnh đạo trong mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay.
|
Mức thù lao của CEO VietJet được đánh giá là "khủng" nhất trong khối doanh nghiệp tư nhân. (Ảnh: Quốc Hải) |
Về phía các doanh nghiệp nhà nước, mức thù lao vào hàng “khủng” nhất từ khi bước vào mùa đại hội cổ đông đến nay có lẽ thuộc về Chủ tịch HĐQT Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM). Theo công bố của HĐQT, mức thù lao năm 2016 của bà Lê Thị Băng Tâm lên tới 3,44 tỷ đồng/năm. Một số thành viên HĐQT khác của VNM cũng nhận mức thù lao cao không kém như ông Lê Song Lai nhận 2,35 tỷ đồng/năm; ông Lê Anh Minh nhận 2,33 tỷ đồng/năm...
Các thành viên ban kiểm soát của VNM cũng nhận mức thù lao trung bình từ 700-950 triệu đồng/năm, tương đương mức 60-80 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đáng chú ý là “người đàn bà thép” Mai Kiều Liên – CEO của VNM lại chỉ nhận mức thù lao “khiêm tốn” là 761 triệu đồng/năm, bằng khoàng 1/5 so với mức thù lao của Chủ tịch HĐQT Lê Thị Băng Tâm.
Trong khi đó, tại Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã SAB), mức thù lao cho dàn lãnh đạo năm 2016 không được HĐQT tiết lộ con số cụ thể cho từng người nhưng mức chi chung thì vẫn có. Cụ thể, số thành viên HĐQT và Ban kiểm soát SAB được hưởng thù lao năm 2016 xác định là 4 người, trong đó quỹ tiền lương là 4,05 tỷ đồng, quỹ tiền thưởng là 1,01 tỷ đồng và quỹ thù lao là 783 triệu đồng.
Như vậy, nếu tính theo kiểu “ăn đồng chia đều” thì mỗi thành viên cũng nhận mức thù lao bình quân vào khoảng 1,44 tỷ đồng/người/năm.
|
Bảng thống kê mức thù lao "khủng" của VietJet Air (Ảnh: Quốc Hải) |
Bước sang năm 2017, SAB cũng dự kiến nâng mức thù lao của dàn lãnh đạo lên. Theo kế hoạch, quỹ tiền lương (4 người) sẽ tăng lên 6,21 tỷ đồng và quỹ tiền thưởng sẽ giảm còn 776 triệu đồng (4 người). Riêng mức thù lao thì SAB xác định có 6 người thụ hưởng với số tiền 1,86 tỷ đồng.
Còn tại Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), tổng mức thù lao 6 tháng cuối năm của HĐQT và thư ký nhận là 180 triệu đồng; ban kiểm soát nhận thù lao 78 triệu đồng. Sang năm 2017, Vissan đặt kế hoạch chi trả thù lao cho HĐQT và thư ký mức lương 564 triệu đồng/năm (bình quân mỗi người nhận 9,4 triệu đồng/tháng), thành viên Ban Kiểm soát 144 triệu đồng/năm (mỗi người nhận 6 triệu đồng/ tháng). Riêng Trưởng ban kiểm soát được hưởng mức lương 55 triệu đồng một tháng, cao gấp 5,8 lần HĐQT và gấp 9 lần so với thành viên ban kiểm soát.
“Khóc, cười” với chuyện thù lao
Bên cạnh mức thù lao của dàn lãnh đạo, điều hành các doanh nghiệp được công bố khiến nhiều người ngỡ ngàng thì mùa cổ đông năm nay, chuyện “lình xình” quanh việc trả thù lao cho ban lãnh đạo cũng khiến nhiều người dở khóc dở cười.
Đáng chú ý nhất mùa đại hội năm nay là chuyện đòi lại thù lao của dàn lãnh đạo cũ Ngân hàng Eximbank (mã EIB). Tại đại hội cổ đông của EIB, nhiều cổ đông lên tiếng “truy thu” mức thù lao chi vượt lên tới gần 52 tỷ đồng cho dàn lãnh đạo giai đoạn 2013-2015. Về vấn đề này, phía HĐQT EIB cho biết, ban đầu có tờ trình xin ý kiến dành 10 tỷ đồng/năm để trả thù lao cho các thành viên này nhưng khi đưa kế hoạch trình cơ quan chức năng thì không được cho phép.
“Chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ mức thù lao chi vượt này trong thời gian sớm nhất”, lãnh đạo EIB khẳng định trước đại hội với cổ đông.
|
Đại hội cổ đông Công ty CP Phân bón Bình Điền (Ảnh: Quốc Hải) |
Trái ngược với EIB, tại Đại hội cổ đông thường niên 2017 của Công ty CP Phân bón Bình Điền (mã BFC), nhiều cổ đông đặt vấn đề sao mức thù lao của HĐQT và ban kiểm soát... ít thế? Sao không tăng lên để có thêm động lực làm ra nhiều lợi nhuận hơn cho cổ đông?
Thực tế theo ghi nhận, mức thù lao của Chủ tịch HĐQT BFC trong năm 2016 chỉ là 5 triệu đồng/tháng; các thành viên HĐQT nhận mức thù lao 3,5 triệu đồng/tháng. Về thù lao ban kiểm soát, mức chi của BFC cho trưởng ban kiểm soát là 3,5 triệu đồng/tháng và các kiểm soát viên ở mức 2 triệu đồng/tháng.
Sang năm 2017, mức thù lao mà HĐQT BFC trình cổ đông ở mức 8 triệu đồng/tháng với chức danh Chủ tịch HĐQT và 6 triệu đồng/tháng với các thành viên HĐQT. Với ban kiểm soát thì Trưởng Ban kiểm soát sẽ không có thù lao do đã hưởng lương chuyên trách, các kiểm soát viên còn lại sẽ hưởng mức thù lao 4 triệu đồng/tháng.
Trước thắc mắc của cổ đông, ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền giải thích ngắn gọn, mức thù lao này còn tùy thuộc vào quyết định của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nên không thể muốn tăng là tăng.
5 năm liên tiếp, lãnh đạo Masan nhận thù lao 0 đồng?
Tại đại hội cổ đông thường niên 2017 của Tập đoàn Masan, cổ đông Masan đã phê duyệt mức thù lao 0 đồng cho lãnh đạo cấp cao; đồng thời cũng đồng ý thông qua mức thù lao cho lãnh đạo công ty là 0 đồng trong năm 2017. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Dân Việt thì tất cả các thành viên trong hội đồng quản trị của công ty này đã không nhận thù lao từ năm 2012.
Theo Quốc Hải/Báo Dân Việt