Dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.300 tỷ
Báo cáo tài chính quý III/2022 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho thấy, doanh thu thuần 3.778 tỷ đồng, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng, tăng 2,4 lần.
Doanh thu tài chính cũng tăng 2,3 lần lên mức 34 tỷ đồng, tuy nhiên các khoản chi phí khác lại lần lượt tăng mạnh.
Trong đó, chi phí lãi vay tăng tới 63% lên 123 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp 4,4 lần cùng kỳ lên 153 tỷ do giảm hoàn nhập dự phòng.
|
Ông Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú (phải). Ảnh: Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình |
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 57%.
Đáng chú ý, tính đến ngày 30/9, tài sản của Hòa Bình đạt 18.683 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn với phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng từ 5.355 tỷ đồng lên 6.164 tỷ đồng, phải thu theo tiến độ khách hàng hợp đồng xây dựng tăng từ 4.735 tỷ đồng lên 5.116 tỷ đồng.
Chính vì vậy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận âm 1.331 tỷ trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ dương 896 tỷ.
Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 319 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 22 tỷ đồng.
|
Dự án Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang tiến hành- Ảnh: internet. |
Lục đục thượng tầng
Trước đó, ngày 31/12/2022 Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình công bố Nghị quyết số 53 về việc sẽ hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023; cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT.
Đồng thời, Hòa Bình hoãn thi hành việc bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải) giữ chức vụ Tổng Giám đốc; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT theo Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022.
Tuy nhiên, sau đó một nhóm thành viên HĐQT của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là: ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phản đối nội dung này, cho rằng, ông Lê Viết Hải tổ chức cuộc họp HĐQT bất thường để đưa ra Nghị quyết số 53 là không hợp lệ khi cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành khi chỉ có 4 thành viên tham dự, trong khi điều lệ quy định cần 5/8 thành viên tham dự.
Mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã phải ban hành thông cáo báo chí khẳng định việc công bố Nghị quyết số 53 (ngày 31/12/2022) về hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT là đúng quy định.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định, kể từ ngày 1/1/2023 mọi thông tin, nội dung, văn bản không được ban hành chính thức từ tập đoàn và người đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị.
Theo báo cáo 6 tháng năm 2022 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cá nhân ông Lê Viết Hải sở hữu 15,84% vốn, bà Bùi Ngọc Mai (vợ ông Hải) sở hữu 1,83% vốn, Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải) nắm 0,46% tại Tập đoàn này. Ngoài ra, các anh, chị, em ruột của ông Hải cũng sở hữu khoảng 2% vốn. Như vậy, tổng cộng nhóm ông Hải và cá nhân liên quan nắm khoảng 20,1% vốn Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Điều 101 và Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc tại công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ.
Minh Quang (t/h)