|
Kẹt xe ngày 8/1 tại BOT Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường/Zing. Tài xế vây trạm BOT Sóc Trăng ngày 11/1. Ảnh: Vietnamnet. |
Mời quý độc giả xem video "Người dân múa lân 'mừng xả trạm' BOT Sóc Trăng". Nguồn: TPO.
Thông tin trên báo Đầu tư cho hay, dự án BOT Sóc Trăng có tên đầy đủ là Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km 2118+600 - Km 2127+320,75 và xây dựng tuyến tránh thành phố Sóc Trăng của QL1, tỉnh Sóc Trăng theo hình thức hợp đồng BOT.
Đây là một trong 2 dự án tiếp nối của đại công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ do Ban Quản lý dự án 8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam - Công ty cổ phần Đầu tư Pacific. Doanh nghiệp được thành lập để quản lý dự án là Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng.
Dự án có tổng mức đầu tư, theo Giấy chứng nhận đầu tư là 1.419,237 tỷ đồng, được khởi công năm 2015 và dự kiến hoàn thành trước ngày 31/7/2016 (khoảng 18 tháng). Thời gian thu phí dự kiến là 18 năm 2 tháng 21 ngày, với trạm thu phí hoàn vốn được đặt trên chính tuyến Quốc lộ 1 tại Km 2123 + 250.
Theo báo Nhà Đầu Tư, chủ đầu tư dự án được đặt trạm thu phí ở hoàn vốn tại Km2132+250, QL1. Giá phí giao động từ 25.000 đến 140.000 đồng. Lộ trình tăng phí 18%/ 3 năm.
Tổng mức đầu tư của dự án là 1.419,24 tỷ đồng, 100% vốn tư nhân, vốn vay chiếm 85%, vốn tự có của nhà đầu tư là 15%, tương đương 207,76 tỷ đồng. Trong đó Công ty CP Đầu tư Phương Nam góp 186,98 tỷ đồng (90%) và Công ty CP Đầu tư Pacific (10%).
Bởi vậy, theo báo Nhà Đầu Tư, có thể xem trạm thu phí BOT Sóc Trăng thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư Phương Nam. Công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, là thành viên của Công ty CP Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông) - một trong những doanh nghiệp lớn nhất Bình Thuận, gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Văn Đông, được thành lập từ đầu năm 1991, hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, khai khoáng, bất động sản, kinh doanh resort...
Về mảng BOT, Công ty CP Đầu tư Phương Nam là đơn vị chuyên thực hiện các dự án BOT của Tập đoàn Rạng Đông. Ngoài dự án Sóc Trăng còn có dự án BOT Bạc Liêu và BOT Bình Thuận.
Việc góp vốn vào nhiều dự án BOT có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng khiến Công ty CP Đầu tư Phương Nam có thời điểm (giữa năm 2015) được thanh tra Bộ GTVT xác định là không đủ nguồn lực tài chính và không góp đủ vốn theo hợp đồng cam kết.
Ngoài ra, theo
báo Nhà Đầu Tư, không chỉ có tiếng trong lĩnh vực BOT đường bộ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đông cùng Tập đoàn Rạng Đông từng gây "bão" dư luận khi được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án sân bay Phan Thiết quy mô 543 ha theo hình thức BOT vào đầu năm 2015.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.640 tỷ đồng, dự kiến xây dựng trong 36 tháng kể từ tháng 1/2015. Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tham gia mảng đầu tư còn mới mẻ này.
Hồng Liên (Tổng hợp)