Đến xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vào một ngày giữa tháng 5 để tìm hiểu về chương trình nông thôn mới, tình cờ được nghe cán bộ xã nơi đây nói chuyện về mô hình trồng nấm hiệu quả của nông dân Vì Văn Bình ở bản Áng-một mô hình cho thu gần 10 triệu đồng mỗi ngày.
Tò mò, chúng tôi tìm đến và không khỏi bất ngờ về hình ảnh đẹp mắt của các bịch nấm đang trong thời kỳ cho thu hoạch khi bước vào trang trại trồng nấm của anh nông dân Vì Văn Bình.
|
Những giàn nấm giống như những nhũ đá đang trong thời kỳ cho thu hoạch đẹp đến ngỡ ngàng. |
Được anh Bình dẫn đi thăm quan khu vực trồng nấm, vừa trò chuyện anh vừa giới thiệu: "Tôi sinh năm 1987, học ở trường Đại học Tây Bắc ở tỉnh Sơn La. Ngay từ những năm đầu đại học, tôi đã cùng một số bạn bè trong lớp bị cuốn hút bởi cây nấm và bắt đầu tìm hiểu về quá trình sinh trưởng của nó. Càng tìm hiểu, chúng tôi càng thích thú, đam mê, nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn và bắt tay vào trồng nấm thử nghiệm".
Theo anh Bình chia sẻ, với niềm đam mê cây nấm, bao nhiêu năm học đại học là bấy nhiêu năm, anh và các bạn dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi, trồng nấm thử nghiệm và xác định hướng đi cho mình luôn.
|
Anh Vì Văn Phươi- kỹ thuật viên chính của cơ sở trồng nấm nói:"Người trồng nấm phải kiên trì, chịu khó và chăm nấm như chăm con mọn". |
Sau khi tốt nghiệp đại học, để trang bị thêm kiến thức kỹ thuật trồng nấm, anh Bình đã tiếp tục theo học Thạc sỹ chuyên ngành khoa cây trồng tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Tháng 6/2010 cầm tấm bằng Thạc sỹ trong tay trở về gia đình tại bản Áng, xã Chiềng Ban. Đến tháng 8/2010, anh cùng nhóm 5 người bạn đã mạnh dạn bắt tay vào trồng nấm với số tiền đầu tư ban đầu là 15 triệu đồng/thành viên.
Sau 10 tháng hoạt động, nhận thấy đây là mô hình có thể giúp bản thân và tạo được việc làm cho bạn bè người thân, đến tháng 6/2011, anh và bạn bè quyết định hoàn tất các thủ tục để thành lập Công ty CP phát triển Nông nghiệp Sơn La do anh đứng đầu.
|
Nấm sò-1 trong những loại nấm doanh nghiệp của Thạc sỹ Vì Văn Bình trồng được người dân rất ưa chuộng và tiêu thụ cao nhất. |
"Ban đầu, với quy mô trồng nấm nhỏ, mọi việc rất thuận lợi. Nhưng khi mở rộng quy mô, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, như: Chưa có kinh nghiệm kỹ thuật trồng nấm ở quy mô lớn, thiếu kiến thức quản lý nhân sự, quản lý tài chính. Thiếu kiến thức xây dựng lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch dự phòng nguyên liệu sản xuất…", anh Bình chia sẻ.
Anh Bình cho hay, do vậy, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm quy mô nhỏ không thể đem áp dụng vào sản xuất quy mô lớn được. Vậy là hàng loạt vấn đề xảy ra, những bịch nấm lần lượt chết yểu, thối rữa và không cho thu hoạch.
Tình trạng này khiến 3/6 thành viên ban đầu nao núng, mất niềm tin vào cây nấm trong tương lai và đã từ bỏ. "Năm 2013 đến năm 2015 là giai đoạn khủng hoảng nhất của chúng tôi- anh Bình trầm ngâm nhớ lại.
Trải qua nhiều lần thất bại, nhưng bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng thêm niềm say mê làm giàu, anh và 2 thành viên còn lại đã chịu khó học hỏi, tìm hiểu và đầu tư thêm về kỹ thuật trồng nấm. Việc tìm thị trường đầu ra cho nấm cũng được các anh đặc biệt chú trọng, để tránh những bỡ ngỡ, thiếu sót.
|
250 kg nấm sò thu hoạch được mỗi buổi chiều đã không đủ cung cấp cho các thương lái, đại lý tiêu thụ. |
Khi được hỏi về quá trình tiêu thụ nấm, anh Bình nói: "Tôi xác định làm nấm sạch nhằm đưa ra thị trường sản phẩm nấm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm của chúng tôi không đủ cung cấp cho thị trường".
Được biết, Công ty CP phát triển Nông nghiệp Sơn La với 3 cơ sở chính đặt tại bản Áng, tổng diện tích đất gần 2ha, 7.000m2 diện tích sàn, hơn 20 giàn nấm có tổng công xuất nuôi trồng đạt hơn 200.000 bịch.
Các sản phẩm nấm sạch, an toàn của cơ sở của anh Bình gồm có: Nấm sò, nấm mèo, nấm rơm, nấm linh chi, nấm hoàng đế … được tiêu thụ tại 2 gian hàng đăng ký kinh doanh rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố Sơn La.
Ngoài ra, cơ sở của anh còn cung cấp nấm ăn cho các trường học, bệnh viện, nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn, cùng nhiều đầu mối bán buôn, bán lẻ trên thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La.
|
Theo anh Bình: "Các giàn nấm phải được sắp xếp quy củ, thoáng mát sẽ đảm bảo cho thu hoạch sản phẩm đạt năng xuất và chất lượng cao nhất". |
Anh Bình cho biết, hiện nay chỉ tính riêng sản phẩm nấm sò, với số lượng 130.000 bịch (đạt 2/3 công xuất) thường xuyên cho thu hoạch. Trung bình mỗi ngày, cơ sở nấm của anh cho thu được hơn 250 kg nấm sò thành phẩm.
Giá bán nấm sò là 35.000đ/kg, đem về thu nhập cho cơ sở gần 10 triệu đồng/ngày. Cũng theo anh Bình chia sẻ, mùa hè là thời điểm nấm cho sản lượng thấp nhất. Vào các mùa khác, sản lượng nấm cao hơn có thời điểm đạt gần 400kg/ngày.
Khi tôi hỏi: "Tại sao cơ sở không cho sản xuất hết công xuất mà lại chỉ làm 2/3 công xuất?". Anh Bình trả lời: "Để đảm bảo nhà trại trồng nấm thoáng mát, tránh cho cây nấm không bị bệnh và phát triển tốt, chúng tôi thường xuyên trồng 2/3 công xuất. Còn 1/3 công xuất là diện tích chúng tôi dùng luân chuyển cho nhà trại được nghỉ và vệ sinh chống dịch bệnh cho cây nấm".
|
Các giống nấm vừa được trộn cùng giá thể nuôi và đóng bịch, đưa vào nhà giữ nhiệt. Sau đó sẽ xuất cho các cơ sở trồng nấm vệ tinh đặt tại 6 huyện trong địa bàn tỉnh Sơn La. |
Với 5.000 bịch nấm giống/tháng, cơ sở nấm của anh Bình hiện đang cung cấp giống cho 10 hộ gia đình trồng nấm vệ tinh khác ở 6 huyện trong tỉnh Sơn La.
Anh Bình cho hay: "Trồng nấm nhìn thì rất dễ nhưng lại đòi hỏi nhiều công chăm sóc, phải có kỹ thuật cao, nhà lò phải đủ nhiệt, giống phải đầy đủ chất vi lượng, trại phải quy củ, thoáng mát mới đảm bảo cho cây nấm không bị bệnh và phát triển tốt. Vì vậy, cùng với cung cấp giống tốt, chúng tôi còn nhận làm trại giống cho các hộ có nhu cầu".
|
Giàn nuôi nấm linh chi sắp cho thu hoạch. |
Tâm sự với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân việt/Trang Trại Việt, anh Bình nói: "Tôi mong muốn mọi người dân với mọi mức thu nhập đều được dùng những sản phẩm nấm quý do chúng tôi sản xuất để nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh…"
Với nấm Linh chi đỏ Việt Nam GA2, hàng năm cơ sở anh Bình đã chế biến 500kg sấy khô cung cấp ra thị trường. Riêng nấm linh chi sấy khô của cơ sở anh được đánh giá vừa đảm bảo chất lượng và có giá thành rất hợp lý, chỉ từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg (tùy thuộc vào đường kính tai nấm).
|
Sản phẩm nấm Linh chi đỏ GA2 sấy khô. |
Anh Bình chia sẻ: "Trồng nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật trồng đơn giản nhưng quan trọng nhất là người trồng nấm phải kiên trì, chịu khó và chăm nấm như chăm con mọn. Thức khuya, dậy sớm để theo dõi từng bước phát triển của nó. Tới lúc nấm cho thu hoạch mới thở phào nhẹ nhõm. Nhiều người nói trồng nấm dễ nhưng thực chất nếu muốn trồng được nấm chất lượng và đạt hiệu quả thì không đơn giản chút nào".
Với vốn kiến thức đã được học, kinh nghiệm trồng nấm 10 năm, cơ sở của anh Bình lấy nguồn giống cấp 2 từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) về để nhân thành giống cấp 3, phục vụ cho việc trồng nấm tại cơ sở của mình.
|
Anh Bình đang tiến hành nghiên cứu, nhân giống nấm tại cơ sở của mình. |
"Trong quá trình trồng nấm, chúng tôi liên tục nghiên cứu giống để áp dụng phù hợp với khí hậu của địa phương. Đồng thời, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, như: Mùn cưa, lõi ngô, rơm, rạ, thân cây sắn, thân cây ngô... để làm giá thể trồng nấm. Sử dụng bột ngô, cám gạo để tăng thêm nguồn cung cấp dinh dưỡng, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cho nấm"- anh Bình thông tin thêm.
|
Cơ sở trồng nấm của anh Bình tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương. |
Được biết, cơ sở trồng nấm sạch của anh Vì Văn Bình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có nguồn nước sạch được kiểm định không có kim loại nặng, đảm bảo an toàn cho cây nấm phát triển, tạo được nguồn cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, cơ sở trồng nấm còn tận dụng các phế phẩm thu được từ trồng nấm (bịch nấm sau thu hoạch...) dùng làm phân bón hữu cơ vi sinh cho 5.000m2 nhà màng trồng rau an toàn và cây ăn quả có múi.
Trừ chi phí sản xuất, chi phí quản lý, hàng năm cơ sở trồng nấm, trồng rau, quả an toàn của anh Bình đã tạo được nguồn thu nhập ổn định 2,5 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm ổn định cho 15 người lao động với thu nhập 4,5 triệu đồng-5 triệu đồng/người/tháng.
|
Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), nói: "Mô hình trồng nấm của hội viên nông dân Vì Văn Bình đã mở ra hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, giải quyết, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của xã Chiềng Ban chúng tôi". |
Với niềm đam mê với cây nấm, cơ sở trồng nấm anh Bình hiện đang mở rộng quy mô và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho nông dân tại địa bàn nếu có nhu cầu trồng nấm. Đồng thời, anh Bình cũng ấp ủ mục tiêu trong tương lai sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm nấm sấy khô, nấm ăn liền để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo Tống Huyền/ Dân Việt