Startup Công viên san hô đầu tiên Việt Nam từ chối nhận đầu tư 1 triệu đô

Google News

Đến với chương trình Shark Tank mùa 4, anh Lê Quang Duy - Nhà sáng lập và điều hành công ty cổ phần và đầu tư Namaste, chuyên cung cấp dịch vụ đi bộ dưới đáy biển tại Phú Quốc gọi vốn 1 triệu USD cho 7%, định giá công ty tương đương hơn 300 tỷ.

Anh Quang Duy cho biết, Seawalker là đơn vị được cấp chứng nhận đủ điều kiện cho bộ môn đi bộ dưới đáy biển, cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này sở hữu công viên san hô được Hiệp hội kỷ lục gia Việt Nam trao chứng nhận vào ngày 3/1/2020.
Nhà sáng lập Seawalker cho biết thêm, trong lần đầu tiên lặn xuống đáy biển, anh đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của đại dương. Từ đó, anh lóe lên ý tưởng đưa người không biết bơi xuống đáy biển và nhìn thấy quan cảnh này. Vì vậy, anh đã quyết tâm biến đam mê thành sứ mệnh khôi phục môi trường biển thông qua con đường kinh doanh.
Tháng 1/2018, Seawalker đã ra mắt cơ sở đầu tiên - Tàu Sea World với mô hình đi bộ dưới đáy biển để tham quan công viên san hô. Công viên này rộng 1 hecta với 200 loại san hô và hàng trăm loài cá. Nhà sáng lập Seawalker ước tính, đến nay doanh nghiệp đã phục vụ hơn 30 ngàn du khách, mang về doanh thu 20 tỷ và lợi nhuận 4 tỷ, đặc biệt Seawalker có vườn ươm san hô với khoảng 9.000 m2.
Startup Cong vien san ho dau tien Viet Nam tu choi nhan dau tu 1 trieu do
 Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Doanh nghiệp cũng đang triển khai cơ sở 2 là du thuyền Nautilus, là một tổ hợp vui chơi giải trí trên biển, như một dạng công viên nổi. Du thuyền này sẽ được đưa vào phục vụ du khách vào quý 3 năm 2021. Theo đó, anh Quang Duy đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi 1 triệu USD cho 7% cổ phần với kỳ vọng “các Shark đồng hành với chúng tôi khôi phục thêm 40 hecta để nhân giống san hô và khôi phục các vùng biển khác tại Phú Quốc”.
Được biết 40 hecta đất biển mà Seawalker đang muốn khai thác chỉ mới “có chủ trương”, Shark Hưng cho rằng, startup phải được tỉnh cho nghiên cứu, lập dự án ở khu vực đó, với diện tích như vậy,… “nên chưa chắc bạn đã là chủ đầu tư”, Shark Hưng phân tích. Tuy nhiên, Shark Hưng đánh giá cao mô hình này của Seawalker và hỏi thêm về tổng mức đầu tư mà anh Quang Duy đã bỏ vào dự án này.
Nhà sáng lập Seawalker cho biết, anh đã đăng ký dự án là 64 tỷ với tỉnh Kiên Giang, đã đầu tư 90 tỷ, bao gồm 70 tỷ vốn chủ sở hữu và 20 tỷ vay vốn. Anh cho biết thêm, doanh số trong 3 tháng gần nhất là 8 tỷ, 1 năm được 30 tỷ, lợi nhuận khoảng 20%.
Shark Hưng tính toán bài toán tài chính nếu các Shark đầu tư vào theo định giá doanh nghiệp của startup: “1 năm được 30 tỷ, lợi nhuận được 6 tỷ. 10 năm là 60 tỷ, 50 năm mới được 300 tỷ. Nếu chiết khấu dòng tiền về hiện tại thì 100 năm mới thu về được cái mức giá trị doanh nghiệp bây giờ là 300 tỷ”.
Startup Cong vien san ho dau tien Viet Nam tu choi nhan dau tu 1 trieu do-Hinh-2
 Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Anh Duy không đồng tình với cách phân tích này, cho rằng Shark Hưng mới chỉ tính có 1 cơ sở.
“Nguyên tắc như thế này. Người ta tính là tính 1 cơ sở hiện giờ, khi người ta đầu tư tiền vào thì phải được hưởng lợi ở cái tương lai. Chính vì thế mà mình định giá công ty mà cao quá thì người ta sẽ không vào. Anh nghĩ là em phải tính toán lại. Em định giá cao như thế này thì đấy là một cái bất lợi”, Shark Phú giải thích. Shark Louis và Shark Bình cũng cho rằng, startup có thể định giá cao trừ khi có sản phẩm độc quyền đặc biệt và “cái độc quyền đặc biệt này phải sinh ra siêu lợi nhuận”.
Rất khuyến khích ý tưởng bảo vệ môi trường, Shark Liên cho rằng anh Duy đang có lý tưởng tốt nhưng cũng kết luận mình không đầu tư vào startup này.
Shark Louis tiếp tục đánh giá đây mà mô hình rất hay, nhưng sau khi phân tích SWOT, Shark nhận thấy mô hình kinh doanh chưa phù hợp lắm trong thời điểm này và định giá hơi cao. Chính vì vậy, Shark Louis cũng từ chối đầu tư.
Không thuộc mô hình kinh doanh và hệ sinh thái của mình nên Shark Phú cũng quyết định không đầu tư.
Shark Hưng tiếp tục có những đánh giá tốt về mô hình này, một mô hình kinh doanh bền vững. Startup vừa giúp bảo vệ, bảo tồn san hô, vừa kết hợp để khai thác du lịch. Nhưng Shark Hưng vẫn còn băn khoăn về việc quản trị của nhà sáng lập: “Tức là bạn rất đam mê, rất nhiệt huyết nhưng con số của bạn nó chưa nằm trong đầu của bạn. Giống như là cứ làm tới đâu hay tới đó. Nếu như tính giá trị góp vốn thì tôi sẽ góp vốn với bạn theo hình thức chơi fair (công bằng)”. Vì vậy, Shark Hưng đề nghị 1 triệu USD đổi lấy 25% cổ phần và “20 tỷ kia chúng ta cùng nợ”.
Trái ngược quan điểm ngược với Shark Liên, Shark Bình nhận định đây là mô hình kinh doanh bền vững, thậm chí còn bảo vệ môi trường, “bởi vì chúng ta còn xây dựng, khai thác đồng thời tái đầu tư lại cho môi trường. Tôi đánh giá cao mô hình kinh doanh của bạn”; “bản chất mô hình kinh doanh của bạn là mô hình theme park, nghĩa là công viên chủ đề, nghĩa là công viên chủ đề dưới biển, không khác gì Vinpearls Safari Phú Quốc”. “Giống Hanuama Bay ở Hawaii” – Shark Louis chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, Shark Bình cho rằng startup có 1 số điểm yếu như: mức định giá này quá cao so với mô hình kinh doanh theme park ở trên thế giới. Theo Shark tính toán thì con số định giá hợp lý sẽ rơi vào 70 tỷ, gấp 13,36 lần lợi nhuận năm. Điểm yếu thứ 2 ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid, chưa biết khi nào sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Hơn thế, theo như anh Duy nói thì doanh nghiệp chỉ kinh doanh 6 tháng, 6 tháng để phục hồi san hô.
Quang Duy liền giải thích, trên biển sẽ chịu 2 mặt gió, nên công viên san hô có 2 nơi. Vùng mặt nam khi thác được 6 tháng thì sẽ chuyển qua vùng mặt bắc. Con tàu sẽ di chuyển qua lại giữa 2 nơi này.
Trước giải thích đầy thuyết phục của startup, Shark Bình liền đề nghị 1 triệu USD cho 20% cổ phần.
Trao đổi với Shark Bình, Seawalker đề nghị 1 triệu USD cho 21% cổ phần và discount 67% so với định giá hiện tại, thêm điều kiện là khi Shark exit (thoái vốn), startup được quyền mua ưu tiên với discount 50% so với giá trị tại thời điểm exit.
Startup Cong vien san ho dau tien Viet Nam tu choi nhan dau tu 1 trieu do-Hinh-3
 Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Shark Bình cân nhắc và đưa ra một đề nghị mới: 1 triệu USD cho 21% cổ phần và discount 25% giá trị so với định giá tại thời điểm đó..
“25% thì quá hẹp cho em”, anh Duy nói.
“Tôi đồng ý mức chiết khấu 50% sau 3 năm. Thế nhưng nếu sau 5 năm mà không bảo tồn được vốn mà bạn làm cho giá trị công ty bị tụt xuống thì bạn có trách nhiệm mua lại vốn góp của tôi với mức giá 15% 1 năm”, Shark Hưng đưa thêm một đề nghị mới. Tuy nhiên, nhà sáng lập Seawalker và Shark Hưng không thống nhất được với nhau các điều kiện mới này.
Lúc này, chỉ còn một mình Shark Bình nên startup đưa ra đề nghị: 1 triệu USD cho 14% cổ phần, bỏ tất cả các điều kiện khác.
Shark Bình không đồng ý, startup lập tức nâng lên mức 15% nhưng Shark Bình kiên quyết số cổ phần ít nhất phải 18%. Không tìm được sự đồng thuận chung về mức định giá công ty, anh Quang Duy đã từ chối đề nghị này của Shark Bình.
Ngọc Anh