Sự thật chiêu trò mua tắc kè "khủng" nguyên con giá cả tỷ đồng

Google News

Từ vùng cao Tây Bắc vào miền Trung, Tây Nguyên rồi xuống đồng bằng sông Cửu Long, đâu đâu cũng nghe thấy chuyện săn mua tắc kè, tất nhiên phải là tắc kè lớn, loại "khủng", nặng trên 300 gam và dài từ 43 cm trở lên với giá cả tỷ đồng.

Dân buôn tắc kè còn lên mạng tìm mua với giá bán cả tỷ đồng mỗi con, hướng dẫn cách bắt và để lại số điện thoại liên hệ rất đầy đủ. Dù không quá ồn ào nhưng "cơn sốt” tắc kè cũng đã lan đến tỉnh Yên Bái. Dân săn tắc kè đã đến nhiều vùng quê ở huyện Lục Yên, huyện Văn Chấn tìm mua loài bò sát này.
Có thể nói, rừng núi Việt Nam không ít tắc kè. Thỉnh thoảng, loài bò sát này còn về ở với con người cả chục năm.
Su that chieu tro mua tac ke
 Tắc kè. (Ảnh minh họa)
Dân gian, thậm chí là một số sách đông y còn ghi rõ, tắc kè đem ngâm rượu uống có công dụng bổ phế, bình suyễn, bổ thận tráng dương, chủ trị thận dương suy kém, đau lưng, mỏi gối, tiểu đêm, hen suyễn (thể hư hàn).
Do nhu cầu dùng tắc kè ngâm rượu lớn nên nhiều gia đình đã nhạy bén chuyển nghề nuôi tắc kè, tự cho sinh sản và thả nuôi với số lượng lớn...
Tuy nhiên, tất cả những con tắc kè mà chúng ta đã nhìn thấy, đang chăn thả trong trang trại hoặc bán dạo ngoài phố chỉ là những con nhỏ, dài 25 đến 30 cm, nặng trên dưới 100 gam, giá bán từ 30.000 – 70.000 đồng mỗi con.
Còn tắc kè nặng trên 300 gam, dài từ 43 cm, đặc biệt là 46 cm như người ta vẫn săn tìm và sẵn sàng trả giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng thì vô cùng hiếm, nói đúng hơn là chỉ có qua lời kể hoặc lời đồn!
Giáo sư Võ Quý – nhà sinh vật học hàng đầu Việt Nam từng nói trên Chương trình "Thế giới động vật” VTV2 rằng: "Tắc kè có thân hình khá lớn (đứng thứ hai trong chi tắc kè), con đực có thể dài tới 30-40 cm, con cái 20-30 cm với trọng lượng dao động 150-300 gam.
Tuổi thọ trung bình 7-10 năm, tuy nhiên cá biệt có những con đã được ghi nhận sống đến 18 năm. Lưng màu xanh xám nhạt, điểm đốm vàng hoặc đỏ sáng, có nhiều nốt sần. Con đực có màu sặc sỡ hơn con cái. Bụng tắc kè có màu trắng đục hoặc xám pha nhiều chấm vàng nhỏ”.
Từ ý kiến của giáo sư Võ Quý đến kinh nghiệm dân gian cho thấy, tắc kè có trọng lượng không quá 300 gam và chỉ dài tới 40 cm, có lẽ vì nắm chắc đặc điểm và cấu tạo cơ thể của loài bò sát như vậy nên người ta đưa ra tiêu chuẩn "dài từ 43 cm trở lên, nặng trên 300 gam” khiến người săn tìm không thể có được con tắc kè dài và nặng đến thế.
Trò chuyện với ông Phạm Văn H - một người chuyên buôn cổ vật hiện đang mở rộng sang hướng "tắc kè” được biết, ông sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ đồng mua con tắc kè dài 46 cm.
Khi được hỏi về chuyện con tắc kè lớn và dài như vậy có công dụng gì thì ông ta chỉ nói chung chung rằng: "Các tỷ phú đều muốn có con tắc kè lớn như vậy để làm thuốc trường sinh, thông tin khác thì cho biết con tắc kè nặng từ 300 gam trở lên và dài từ 43 cm bắt đầu tiết ra chất có thể chữa khỏi nhiều bệnh nan y”.
Ông H cho biết chưa giao dịch thành công thương vụ tắc kè nào. Có lần, một người Mông ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên báo tin đã bắt được một con tắc kè, dài từ mõm tới khấu đuôi 45 cm. Họ còn chụp ảnh và gửi ảnh cho ông nhưng tới nơi, tiếc là còn tắc kè đó bị... cụt mất đuôi nên không còn giá trị.
Từ những thông tin trên mạng xã hội và qua câu chuyện với ông Phạm Văn H cho thấy, rất có thể câu chuyện "tắc kè khủng” chỉ là một chiêu trò lừa đảo. Bằng cách nào đó, bọn lừa đảo đã lai tạo được những con tắc kè to, dài mà trong tự nhiên không thể có được.
Khi đã có một số lượng tắc kè đột biến, chúng đến các vùng quê đặt mua với giá rất cao, chúng còn sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra để mua lại một vài con của chính bọn chúng nhằm tạo lòng tin và cơn sốt!
Khi "con mồi” đã rơi vào bẫy, chúng mang cả chục, cả trăm con ra bán, thu được bộn tiền rồi tắt máy, bỏ sim, xóa số, khiến thứ cấp ôm "món hàng” khủng rồi vỡ nợ. Chiêu trò này đã cũ nhưng có thể sẽ khiến không ít người trở thành nạn nhân mới.
Theo Lê Phiên /Báo Yên Bái