Cuối tuần, anh Kiên - một đầu mối buôn bán sâm Ngọc Linh và tam thất nổi tiếng ở Hà Giang, được chào mời mua một củ tam thất hoang nặng gần 2 kg, giá 40 triệu đồng. Nếu gật đầu, anh có thể bán trao tay ngay cho khách mua về ngâm rượu với giá từ 80-100 triệu đồng. Còn nếu bán dưới mác sâm Ngọc Linh thì giá lên tới nửa tỷ.
Cuối cùng, anh Kiên đã từ chối. Lý do, củ tam thất hoang đó là tam thất hoang bị thúc tăng trọng lượng. Không thích chiêu trò buôn gian bán lận, anh bảo nếu bán hàng kém chất lượng, chỉ được 1-2 lần là mất hết khách.
|
Tam thất hoang bón chất kích thích tăng trưởng, củ phát triển nhanh |
Anh Kiên chia sẻ, sâm Ngọc Linh là loại sâm tốt nhất thế giới vì dược tính của nó rất cao. Trong khi đó, tam thất hoang và sâm Ngọc Linh cùng một chi, thường được gọi là anh em của loại sâm Ngọc Linh đắt đỏ do hình dáng, mùi vị,... giống nhau. Đặc biệt, đem mẫu đi kiểm định thì kết quả thành phần saponin của tam thất hoang và sâm ngọc linh là tương đương.
Chính bởi vậy, trên thị trường hiện nay dân buôn thường dùng tam thất hoang trồng để giả làm sâm Ngọc Linh và tam thất hoang rừng (hàng tự nhiên trong rừng) bán kiếm lời.
Anh Kiên tiết lộ, ở Trung Quốc (giáp biên giới các tỉnh Tây Bắc nước ta như Lai Châu, Lào Cai) trong quá trình trồng tam thất hoang, họ áp dụng công nghệ cao và thường dùng thuốc kích thích tăng trưởng nhằm tăng trong lượng. Khi đó, tam thất loại này thường nặng gấp 3-4 lần so với tam thất hoang mọc tự nhiên.
“Với công nghệ này, tam thất chỉ cần trồng 3-4 năm sẽ có trọng lượng bằng củ tam thất hoang tự nhiên trên 10 năm tuổi”, anh chia sẻ.
Khoảng 8 tháng nay, trên thị trường bắt đầu xuất hiện loại tam thất hoang tăng trọng lượng. Chúng thường được dân buôn nhập về bán giả làm sâm Ngọc Linh trồng. Chỉ cần bỏ ra 7 triệu đồng để mua 1kg loại tam thất này, có thể giả sâm Ngọc Linh trồng để bán với giá 40 triệu đồng (3-5 củ/kg), lãi tới 33 triệu đồng/kg.
|
Loại tam thất hoang trồng kích thích tăng trọng lượng thường được dùng để làm giả sâm Ngọc Linh trồng |
Đáng chú ý, với những củ tam thất hoang được thúc tăng trọng lượng và nặng trên 1kg thì dân buôn sẽ giả làm tam thất rừng. Họ sẽ bán theo củ chứ không bán theo cân. Củ nhỏ giá cũng cả ngàn USD (khoảng 23 triệu), thậm chí có củ khủng giá lên tới 100 triệu đồng. Bởi, trên thị trường, tam thất rừng có trọng lượng khủng thuộc hàng siêu hiếm, đếm trên đầu ngón tay. Đây là cách buôn bán siêu lợi nhuận của dân buôn tam thất hoang tăng trọng.
“Nhiều khách hàng bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí vài trăm triệu để mua sâm Ngọc Linh hay tam thất rừng về ngâm rượu, nhưng mua xong mới biết mình bị lừa”, anh Kiên nói.
Theo anh, loại tam thất hoang bị kích thích tăng trọng lượng thường được dân buôn đưa từ Trung Quốc về qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào TP. Kon Tum, Đắk Tô, Đắk Hà để tiêu thụ. Sau khi đưa về Việt Nam, thị trường tiêu thụ của chúng khá rộng.
|
Với những củ tam thất hoang kích thích tăng trưởng có trọng lượng khủng thì giả làm tam thất rừng bán với giá lên tới hàng trăm triệu đồng. |
Anh Kiên nói thêm, hiện thị trường có đến 90% sâm Ngọc Linh là hàng giả, còn tam thất rừng cũng bị làm giả tương đối nhiều. Đặc biệt, với loại sâm Ngọc Linh trồng, giá trên thị trường khoảng 60-70 triệu đồng/kg (3-5 củ), nhưng nếu mua giá chỉ 30-40 triệu đồng/kg thì chắc chắn là hàng giả.
Theo anh Kiên, tam thất hoang tăng trọng có đặc điểm rất dễ nhận biết, như củ tròn, mập, nhiều nhánh, rễ con nhiều hơn so với các loại tam thất rừng tự nhiên nhưng lại ít hơn so với sâm Ngọc Linh trồng. Bên trong củ, khi thái lát sẽ thấy màu vàng mỡ gà.
Trong khi đó, sâm Ngọc Linh trồng thân củ mập, ngắn hơn sâm Ngọc Linh tự nhiên, nhưng so với tam thất hoang thì thanh mảnh hơn. Còn đem cắt lát ra sẽ thấy bên trong sẽ thấy có màu vàng hoặc màu tím ghi.
Riêng với tam thất rừng tự nhiên thì củ lúc nào cũng có độ săn chắc, nhìn thân củ hơi gầy, bên trong cũng có màu vàng hoặc màu ghi. Rất dễ nhận biết so với tam thất hoang tăng trọng.
“Đây đều là những mặt hàng thuộc điện đắt đỏ. Thế nên, khi đi mua cần phải kiểm tra kỹ để tránh mua nhầm phải tam thất hoang bị kích tăng trọng”, anh Kiên khuyên.
Theo Châu Giang/Vietnamnet