Mùa hè nắng nóng, trên các diễn đàn mạng xã hội, cư dân mạng lại bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm dùng điều hòa để tiết kiệm điện nhất. Mọi người thường truyền tai nhau rằng khi sử dụng điều hòa hãy để ở chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước trên điều khiển). Làm như sẽ giúp điều hòa tiết kiệm điện 10 lần.
Theo đó, muốn để điều hòa ở chế độ Dry, khi mở điều hòa chỉ cần chuyển từ chế độ “Cool” (hơi lạnh với biểu tượng bông tuyết trên màn hình điều khiển) sang. Thao tác đơn giản này sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi nhiều lần, hạn chế sốc nhiệt vì nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài.
Nghe có vẻ hấp dẫn, và có thể làm được ngay. Thế nhưng, sự thật đằng sau chế độ Dry liệu có đúng như những gì mọi người đang bàn tán, truyền tai nhau?
Theo các chuyên gia điện máy, trong một chiếc điều hòa có hai chế độ làm lạnh: Cool và Dry. Và mỗi chế độ lại phục vụ cho một mục đích khác nhau.
|
Chế độ Cool bên trái hình (biểu tượng bông tuyết) và chế độ Dry bên phải hình (biểu tượng giọt nước) |
Cụ thể, chế độ Cool (mục đích chính là làm lạnh) có tác dụng giảm nhiệt độ phòng xuống đến nhiệt độ cài đặt mong muốn trên điều khiển từ xa và duy trì nhiệt độ đó trong dải cho phép, đồng thời nó cũng khống chế một phần độ ẩm trong không gian điều hòa.
Chế độ Dry (mục đích chính là khử ẩm) thực hiện chức năng khử độ ẩm của không khí trong phòng và duy trì nhiệt độ phòng không vượt quá so với nhiệt độ của phòng lúc bắt đầu thực hiện chế độ khử ẩm. Về bản chất, hoạt động của các thiết bị có tiêu thụ điện năng trong máy điều hòa nhiệt độ là giống nhau, sự khác nhau chính ở đây chính là mốc nhiệt độ so sánh hoạt động.
Khi chuyển từ chế độ Cool sang chế độ Dry, ta cũng có thể cảm thấy mát hơn một chút do hơi ẩm trong phòng bị hạ xuống làm mồ hôi bay hơi nhanh hơn, giúp cơ thể tỏa nhiệt nhanh theo và hiệu quả này cũng chỉ có thể cảm thấy trong những ngày trời mát, nhiệt độ không cao.
Các chuyên gia cũng khẳng định, phương pháp sử dụng chế độ Dry ở điều hòa thực sự tiết kiệm điện hơn dùng chế độ Cool, còn khả năng làm mát thì không mấy tác dụng nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao. Bởi, khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng tiêu thụ cần khá nhiều.
Song, điều chỉnh sang chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn, tiêu thụ điện năng ít hơn. Thế nhưng, ở chế độ này cũng chỉ tiết kiệm được một phần chứ không đến mức “thần thánh” tiết kiệm được 10 lần như mọi người đồn thổi.
Vậy, có nên lúc nào cũng cài đặt ở chế độ Dry để tiết kiệm điện?
Câu trả lời của các chuyên gia điện máy là không phải lúc nào cũng sử dụng được chế độ này để tiết kiệm điện.
Bản chất của Dry không phải là làm mát, mà chỉ là quá trình tách nước. Vì vậy, chỉ nên sử dụng chế độ Dry trong những ngày trời không quá nóng (nhiệt độ dưới 36 độ C) và độ ẩm không khí cao là một lựa chọn không gì tuyệt vời hơn.
Ngược lại, có những ngày trời khô nóng, sử dụng Dry không còn ý nghĩa. Ngoài ra, những nơi độ ẩm thấp, tuyệt không nên dùng chế độ Dry vì có thể làm khô da, gây nứt nẻ môi và tay chân. Nguyên nhân do độ ẩm không khí vốn đã thấp, việc lấy đi nước sẽ khiến không khí đã khô còn khô hơn.
Cũng theo các chuyên gia điện máy, để sử dụng chiếc điều hòa của mình hiệu quả nhất, trước khi sử dụng điều hòa, hãy kiểm tra độ ẩm trong phòng trước. Những ngày thời tiết nóng ẩm, oi bức có thể dùng Dry. Còn trong điều kiện thời tiết khô nóng, lựa chọn tốt nhất cho bạn là chế độ Cool.
Theo Vietnamnet