Sự thật rùng mình 'viên cốt lẩu thần thánh', cốc nước ép thơm ngon

Google News

"Viên cốt lẩu thần thánh" được nhiều người ưa dùng thực ra được làm từ hương liệu tổng hợp. Còn cốc nước ép hoa quả thơm ngon lại được tạo ra từ trái cây thối.

 

Nguy hại từ "viên cốt lẩu thần thánh"
"Viên cốt lẩu thần thánh" đang gây sốt bởi hương vị và giá thành. Với giá 15 nghìn đồng/ hộp, loại gia vị này có đủ vị chua cay, mặn, ngọt. Theo khẳng định của người bán, viên cốt lẩu rất phù hợp với khẩu vị của người Việt, đặc biệt được nhiều nhà hàng sử dụng vì tiện lợi.
Su that rung minh 'vien cot lau than thanh', coc nuoc ep thom ngon
 
Nhưng nguồn gốc và giá trị dinh dưỡng của “viên cốt lẩu thần thánh" sẽ khiến nhiều người rùng mình. Theo tìm hiểu của ANTV, bằng cảm quan, có thể thấy, điểm chung của những viên cốt lẩu này được cô đặc từ nhiều phụ gia như phẩm màu, phụ gia tạo ngọt, cay, để thu hút người dùng. Miêu tả là cốt lẩu gà, riêu cua nhưng bên trong chỉ là cô đặc của hương liệu tổng hợp.
Các chuyên gia cho hay, các loại gia vị lẩu chế biến sẵn thường có thành phần là các hợp chất hóa học, ít thành phần dinh dưỡng, dùng nhiều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nước ép hoa quả từ trái cây thối
Theo ghi nhận của ANTV, dù giãn cách xã hội vì dịch bệnh, những ngày này, nước ép hoa quả vẫn là mặt hàng hot và được bán số lượng lớn tại nhiều nơi.
Tuy rẻ và chiếm được sự yêu thích của người tiêu dùng nhưng không phải loại nước ép nào trên thị trường cũng đảm bảo an toàn.
Tại nhiều cửa hàng, nguyên liệu chính để tạo ra các loại nước ép thơm ngon lại là các loại phế phẩm, các hoa quả đã hỏng, dập nát, giá rẻ hơn từ 5-10 lần bình thường. Trong quá trình chế biến, chúng lại được thêm nhiều nguyên liệu như đường, sữa và các hương liệu khiến người uống không phát hiện ra nguồn gốc.
Ngoài ra, trái ngược với tên gọi “đá tinh khiết”, “đá sạch”, nguồn nguyên liệu và quá trình chế biến sản phẩm này lại không sạch và tinh khiết chút nào.
Ghi nhận tại một cơ sở sản xuất đá tinh khiết ở Hà Nội cho thấy, trong kho xưởng ẩm thấp, “đá tinh khiết” đang được sản xuất với những máy móc hoen rỉ và những người thợ tay trần, không đồ bảo hộ. Còn nước - nguyên liệu duy nhất của đá tinh khiết - tại những xưởng này là nước máy bơm.
Thịt lợn tại siêu thị bất ngờ giảm mạnh, rau củ tăng gấp 4 lần
Những ngày này, giá lợn hơi bật tăng mạnh, lên mức cao chưa từng có, 90.000-95.000 đồng/kg. Tại các chợ, giá lợn hơi cố thủ ở mức cao.
Trái ngược với giá cao ngất tại chợ truyền thống, giá thịt lợn tại nhiều siêu thị lại có xu hướng giảm mạnh. Nhiều loại thịt lợn bán tại siêu thị giá rẻ hơn thịt lợn ngoài chợ khoảng 20.000-50.000 đồng/kg tuỳ loại.
Ngày 19/4, khảo sát của PV Pháp luật TP.HCM tại một số chợ lẻ ở TP.HCM cho thấy giá các loại rau củ tăng khoảng 5.000 đồng.
Rau củ tăng giá mạnh.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ Phước Bình (Bình Chánh) xác nhận trên báo này rằng hiện giá các loại rau quả đang tăng cao.
Nguyên nhân là từ sau Tết, do dịch Covid-19 người nông dân lo ngại không tiêu thụ được rau nên không xuống giống. Mặt khác, do tình trạng xâm mặn, hạn hán, cộng với nạn cào cào phá hoại khiến nguồn cung giảm. Vì vậy, giá thu mua tại vườn các loại tăng cao gấp 4 lần trước đây.
Giá vé máy bay giảm mạnh
Các đường bay nội địa được khôi phục kể từ ngày 23/4, sau khi hết thời gian cách ly xã hội. Các hãng hàng không đồng loạt tung các chương trình khuyến mại vé giá rẻ để kích cầu.
Vietjet Air tung 3,5 triệu vé 9.000 đồng (chưa gồm thuế, phí) với tất cả các chặng bay nội địa, áp dụng cho các chuyến bay từ 23/4 đến hết năm. Giá vé của Vietnam Airlines cũng chỉ từ hơn 600.000 đồng mỗi chiều, thời gian bay từ 6/9/2020-31/3/2021. Còn Bamboo Airways bán vé từ 99.000 đồng, áp dụng cho thời gian bay từ 1/5-15/7 và 15/8-24/10.
Như vậy, mặt bằng giá vé máy bay nội địa đã được giảm mạnh so với nửa đầu tháng này khi tần suất khai thác bị hạn chế.
Vải thiều đầu mùa đã lo ế, giá rẻ
Vài ngày gần đây, thị trường TP.HCM xuất hiện vải thiều đầu mùa với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg, tùy nơi. Đây là mức giá khá thấp đối với loại đặc sản này vào đầu mùa.
Đại diện Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (Đắk Lắk) cho biết, năm nay, giá vải Tây Nguyên chỉ bằng một nửa năm ngoái. Năm ngoái vải tại vườn giá đã 60.000-65.000 đồng/kg nay chỉ còn 25.000-35.000 đồng/kg tùy loại.
Xoài Sơn La rụng trắng vườn, hàng trăm tấn mận phải đổ bỏ
Dân Việt phản ánh, hàng chục tấn xoài chất đống tại Yên Châu (Sơn La) bị rụng sau mưa bão được dân thu gom bán giá chỉ 1.000 đồng/kg nhưng cũng không có người mua do xoài chưa đạt.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết khiến hàng trăm tấn mận của bà con TP. Sơn La phải đổ bỏ. Hiện giá mận tam hoa chỉ từ 2.000-5.000 đồng/kg nên người trồng mận năm nay đối diện với khả năng lỗ nặng.
Trong lúc các nhà vườn trồng mận tại Sơn La than giá mận xuống thấp, nhiều hộ trồng để chín đỏ cây không buồn hái thì tại Sài Gòn, loại trái này vẫn hơn trăm ngàn đồng/kg.
Trong khi nhiều loại hoa quả rớt giá do không xuất khẩu được vì ảnh hưởng Covid-19 thì nhãn tím Sóc Trăng, Cần Thơ vẫn giữ giá cao và được nhiều người săn lùng.
Nhãn tím giá cao gấp nhiều lần so với nhãn thông thường.
Loại nhãn tím ở Sóc Trăng, Cần Thơ đang có giá cao gấp 5 lần so với hàng thông thường. Hiện nhãn tím được bán lẻ giá 250.000 đồng/kg. Loại nhãn này từ thân, lá cho đến hoa và quả đều có màu tím. Đặc biệt, với mùi vị và hương thơm hấp dẫn, loại quả này đã thu hút được sự hiếu kỳ của mọi người.
Tivi giá 'bèo' vẫn ế
Thông tin từ các trung tâm, siêu thị điện máy tại TP HCM cho thấy sức mua các mặt hàng điện máy, trong đó có tivi, giảm mạnh từ 40%-60% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Theo ghi nhận của báo NLĐ, tivi của các hãng nổi tiếng như Samsung, LG, Sony... đều giảm giá mạnh tới hàng chục triệu đồng. Nhiều dòng ti vi có giá chỉ 6-7 triệu đồng/chiếc.
Theo Hạnh Nguyên/Vietnamnet