Sự thật về việc để chế độ Dry cho điều hòa

Google News

Gần đây, nhiều người liên tục chia sẻ mẹo tiết kiệm điện khi dùng chế độ “Dry” cho điều hòa như một biện pháp “thần thánh”. 

Mẹo tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa ở chế độ "Dry" đang được người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, đâu là thời điểm sử dụng hiệu quả chế độ này chắc hẳn nhiều người còn chưa biết.
Theo thông tin trên VietNamnet, việc chuyển đổi giữa hai chế độ như vậy giúp gia đình bạn tiết kiệm điện, thậm chí là rất đáng kể, trong khi hiệu quả mát lạnh dường như tương đương.
Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người đang hiểu sai về cách dùng chế độ này. Bằng chứng là bên cạnh những người áp dụng và thấy đúng, đã có rất nhiều trường hợp thông báo lại rằng sau một đêm "Dry", làn da của họ như bị thiếu nước, cảm thấy khó chịu, xây xẩm mặt mày.
Vậy tóm lại, có nên dùng chế độ Dry hay không? Và nếu có, ta nên dùng như thế nào là hợp lý? Hãy thử tìm hiểu xem.
Cool và Dry khác nhau như thế nào? Tại sao Dry lại tiết kiệm điện năng hơn?
Trong một chiếc điều hòa sẽ có hai chế độ làm lạnh: Cool - làm mát và Dry - làm khô. Với chế độ Cool, điều hòa hoạt động bằng cách đẩy nhiệt lượng từ trong phòng ra bên ngoài, và quá trình này yêu cầu công suất điện rất cao.
Chế độ Dry thì khác, về cơ bản, hiệu quả của Dry gần như tương đương với Cool, chỉ khác ở cơ chế vận hành. Với Dry, điều hòa hạ nhiệt độ phòng bằng cách khử nước có trong không khí.
 
Bạn biết đấy, không khí có độ ẩm cao thường gây cảm giác oi bức. Có thể thấy điều này rõ ràng nhất là khi trời sắp mưa: Độ ẩm không khí tăng cao, khiến mồ hôi thoát ra không thể bay hơi, gây cảm giác khó chịu dù thực chất nhiệt độ không hề cao.
Khi sử dụng chế độ Dry, điều hòa sẽ giữ lại hơi ẩm trong không khí, trả lại căn phòng không khí khô ráo, khiến chúng ta có cảm giác thoải mái hơn dù đặt nhiệt độ cao hơn khi đang sử dụng chế độ Cool. Ngoài ra, công suất tiêu thụ điện năng cũng thấp hơn so với Cool nhiều lần.
Sai lầm khi sử dụng Dry trong những ngày nắng nóng
Trong những ngày thời tiết nắng nóng sấp mặt như hiện nay, nhiều người đã thông báo rằng họ sử dụng chế độ Dry mà không thấy mát, lại còn bị khô da rất nhiều, báo Trí thức trẻ cho biết.
Để hiểu được nguyên do cho chuyện này, hãy nhìn vào bức ảnh dưới đây.
 
Có thể thấy rõ độ ẩm của Hà Nội vào thời điểm ảnh chụp chỉ đạt 47%. Con số này có thể thay đổi liên tục, nhưng về cơ bản sẽ chỉ dao động quanh khoảng này.
Vậy thì với cơ chế khử nước để làm mát, chế độ Dry chắc chắn sẽ không hiệu quả, hơn nữa lại khiến không khí đã khô này còn khô hơn.
Lúc này, lựa chọn duy nhất cho các bạn là chuyển sang chế độ Cool. Khi sử dụng Cool, dù nhiệt độ phòng đã đạt được nhiệt độ mong muốn, quạt vẫn hoạt động liên tục. Quá trình này sẽ góp phần trao đổi hơi nước từ môi trường ngoài vào trong phòng, giúp độ ẩm phòng tăng lên, tránh được các hiện tượng như khô da, mất nước thường thấy khi sử dụng Dry.
Vậy tóm lại, trước khi sử dụng điều hòa, hãy kiểm tra độ ẩm trong phòng trước. Rất nhiều ứng dụng trên smartphone có thể giúp bạn làm được điều này.
Những ngày thời tiết nóng ẩm, oi bức, độ ẩm trên 60% có thể dùng Dry. Còn trong điều kiện thời tiết khô nóng, lựa chọn tốt nhất cho bạn là chế độ Cool.
Theo Đời sống pháp luật