Sữa Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh quảng cáo “láo”, lừa người Việt?

Google News

(Kiến Thức) - Công ty TNHH Tập đoàn Sữa Dinh Dưỡng Quốc Tế Việt Nam NewZealand ngang nhiên quảng cáo "khống" hình ảnh Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nhằm câu kéo, móc túi khách hàng Việt?

Gần đây, trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo hay Youtube xuất hiện nhan nhản thông tin quảng cáo sản phẩm sữa bột “Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh” do Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand nhập khẩu và phân phối. 
Ngang nhiên quảng cáo "láo" nhằm câu kéo, móc túi khách hàng?
Đáng chú ý, trong các thông tin quảng cáo về sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh, Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand còn khẳng định được Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) chuyển giao công nghệ sản phẩm.
Thậm chí, công ty này còn khẳng định, trụ sở chính của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tại địa chỉ số 18 Hoàng Quốc Việt, và các Viện trực thuộc là địa chỉ văn phòng Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand.
Sua Dong Trung Ha Thao Hong Sam Ngoc Linh quang cao “lao”, lua nguoi Viet?-Hinh-8
Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand khẳng định, trụ sở chínhcủa Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam là địa chỉ văn phòng.

Ngoài ra, công ty này còn cho biết, sản phẩm Sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh được kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia theo phiếu kiểm nghiệm số 6016/PNK-VKNQG mẫu đựng túi kín 400g/túi, tên mẫu viết tay dán trên túi, ngày sản xuất và hạn sử dụng không có, không lưu mẫu nhưng vẫn được Tiến sĩ Lê Thị Phương Thảo phụ trách khoa đảm bảo chất lượng ký vào ngày 3/4/2020.
Công ty này còn sử dụng một chứng nhận lưu hành tự do bằng tiếng Anh do Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lê Văn Giang ký tháng 5/2020. 
Ngoài ra, trên một fanpage Facebook có tên “Sữa Bột Đông Trùng Hạ Thảo - sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam - NewZealand” giới thiệu địa chỉ số 55 ngõ 250 Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), là nơi bán sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV tại địa chỉ số 55 ngõ 250 Kim Giang hiện là một quán cơm bình dân. Khi PV gọi đến số điện thoại 03336093xx công khai trên fanpage facebook, một người đàn ông bắt máy và lưỡng lự cho biết, hiện không ở nhà và nếu mua thì đến sau?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand đăng ký địa chỉ tại thôn Phú Bến, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội do ông Nguyễn Tiến Điển là người đại diện theo pháp luật.

Video: Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand mượn danh hình ảnh Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để giới thiệu sản phẩm sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh.

Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nói gì?
Mặc dù Công ty TNHH Tập đoàn Sữa Dinh Dưỡng Quốc Tế Việt Nam NewZealand khẳng định, sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh được Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với PV Kiến Thức chiều ngày 7/7/2020, ông Lê Tất Thành - Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) phủ định thông tin trong quảng cáo nói trên.
Ông Thành cho biết, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên chỉ ký hợp đồng "Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất thực phẩm bổ sung sữa dinh dưỡng Đông Trùng Hạ Thảo, hương sâm Ngọc Linh" với Công ty TNHH Tập đoàn Sữa Dinh Dưỡng Quốc Tế Việt Nam New Zealand. Bản hợp đồng này được ký vào ngày 16/1/2020. Tuy nhiên, ngày 9/6/2020 hai bên đã thanh lý hợp đồng.
Sua Dong Trung Ha Thao Hong Sam Ngoc Linh quang cao “lao”, lua nguoi Viet?-Hinh-9
Ông Lê Tất Thành - Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) trao đổi thông tin với PV.
“Về việc Công ty sử dụng hình ảnh, thông tin và tên của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam trong quảng cáo sản phẩm không nằm trong nội dung hợp đồng và chưa có ý kiến của Viện là vi phạm quy định của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam”, ông Thành khẳng định.
Ông Thành cũng cho hay, ngày 3/7/2020, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên đã gửi công văn số 164/HCTN đề nghị Công ty TNHH Tập đoàn Sữa Dinh Dưỡng Quốc Tế Việt Nam NewZealand chỉ được công bố đúng những thông tin về nội dung hợp đồng và không được sử dụng thông tin, hình ảnh và tên của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam trong quảng cáo sản phẩm tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
"Việc trên bao bì sản phẩm sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh ghi địa chỉ văn phòng của Công ty là ở số 18 Hoàng Quốc Việt là mạo danh và phạm pháp", ông Thành khẳng định.
Trước sự việc nêu trên, dư luận thắc mắc, phải chăng công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand bất chấp vì lợi nhuận mà mạo danh hình ảnh của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, quảng cáo sản phẩm lừa dối người tiêu dùng? Nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh ra sao? Doanh nghiệp này nói gì?
Thông tin quảng cáo nêu rõ, Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh là sữa bột có nhiều công dụng cho sức khỏe như: “Bổ sung dinh dưỡng hàng ngày cho người trưởng thành; giúp tăng cường sinh lực, cơ thể tỉnh táo; bảo vệ sức khỏe; hỗ trợ tim mạch và huyết áp”(?).
Những lời quảng cáo như rót mật vào tai khách hàng còn tiếp tục: “Phòng ngừa bệnh ung thư; hỗ trợ thuốc trị ung thư cho hiệu quả điều trị tốt hơn; chống lão hóa tế bào; tăng cường sinh lý tự nhiên cho cả nam và nữ; cường dương và chống liệt dương,…”.
Đặc biệt, trên website http://vnzmilk.com, Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand còn nhấn mạnh 25 tác dụng thần thánh của hai thành phần chính có trong sữa là Đông Trùng Hạ Thảo và Sâm Ngọc Linh để thuyết phục lòng tin của khách hàng như: Chống stress, kháng khuẩn, chống trầm cảm, tăng khả năng hồi phục máu,…
Giá của sản phẩm được chào bán lên tới 599.000 đồng/hộp.
Kiến Thức tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Mạnh Hưng