Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân (mã: HVX) được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (Công ty xi măng Hải Vân) theo Quyết định số 367/QĐ-BXD ngày 9/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại số 65 Nguyễn Văn Cừ, Phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Vicem Hải Vân là ông Trần Việt Hồng. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là sản xuất xi măng, vôi và thạch cao.
Tại thời điểm kết thúc năm 2023, Vicem Hải Vân có vốn điều lệ hơn 415,252 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Xi măng Việt Nam nắm giữ 75,75% vốn điều lệ, tương đương 314,557 tỷ đồng; còn lại các cổ đông khác nắm giữ 24,25% vốn điều lệ, tương ứng 100,694 tỷ đồng.
|
Sức khỏe tài chính Vicem Hải Vân sau khi liên tiếp báo lỗ (ảnh minh họa: Vicem Hải Vân). |
Nhìn lại kết quả kinh doanh quý IV/2023 của Vicem Hải Vân cho thấy, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 88 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Xét riêng về cơ cấu doanh thu, kết thúc quý IV/2023, doanh thu chủ yếu của Vicem Hải Vân đến từ gia công xi măng gần 61 tỷ đồng, chiếm 69% doanh thu, và giảm 40% so cùng kỳ; kế đến là doanh thu bán xi măng với 28 tỷ đồng, giảm 18%... Doanh thu hàng bán giảm khiến lợi nhuận gộp âm hơn 16 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận chỉ vỏn vẹn 4,3 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ “đội lên” lần lượt ở mức 742 triệu đồng và 11,4 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 29 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 272 triệu đồng.
Kết quả, Vicem Hải Vân báo lỗ sau thuế quý IV/2023 âm 29,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 248 triệu đồng. Đây cũng là quý Vicem Hải Vân kinh doanh ảm đạm nhất kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2010.
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Vicem Hải Vân cho biết, do nhu cầu thị trường xây dựng về xi măng trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên rất thấp trong quý IV/2023, khiến tổng doanh thu của doanh nghiệp chỉ đạt 56% so với cùng kỳ 2022.
Bên cạnh đó, chi phí cố định quý IV/2023 của Nhà máy xi măng Vạn Ninh dừng lò sản xuất clinker đưa về công ty hạch toán vào giá vốn 27,8 tỷ đồng (gồm có chi phí khấu hao tài sản cố định, tiền lương, các khoản nộp bảo hiểm xã hội, y tế, chi phí cố định khác). Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng nhẹ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 đã “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trước khi lỗ nặng trong quý IV/2023, Vicem Hải Vân cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong các kỳ báo cáo gần đây. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Vicem Hải Vân ở quý III/2023 và quý II/2023 lần lượt là âm gần 16 tỷ đồng và âm hơn 18,6 tỷ đồng. Công ty cho biết, do sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng ở mức cao; trong khi giá bán xi măng giảm khiến lợi nhuận giảm.
Lũy kế cả năm 2023, Vicem Hải Vân ghi nhận doanh thu thuần gần 512 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế ở mức hơn 64 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 2 tỷ đồng. Đây cũng là năm Vicem Hải Vân lỗ nặng nhất kể từ 2010.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 31/12/2023, Vicem Hải Vân có tổng tài sản ghi nhận hơn 686 tỷ đồng, giảm 11% so với hồi đầu năm, chiếm chủ yếu là tài sản dài hạn với hơn 524 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền cũng giảm 57% về còn 7 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng 35,6 tỷ đồng, giảm 22%. Hàng tồn kho ghi nhận ở mức 107 tỷ đồng, giảm 16%; chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 4,4 tỷ đồng...
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Vicem Hải Vân tại ngày 31/12/2023 ở mức gần 317 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 311 tỷ đồng. Vicem Hải Vân cũng ghi nhận khoản vay nợ tài chính ngắn hạn với hơn 126 tỷ đồng, tăng 9% đầu năm và không ghi nhận khoản vay dài hạn. Kết thúc năm 2023, Vicem Hải Vân có vốn chủ sở hữu đạt 369,5 tỷ đồng và ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 61 tỷ đồng.
Liên Hà Thái