Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% kể từ đầu năm 2019. Bộ này cũng loại một số hàng hóa thiết yếu khỏi nhóm ưu đãi thuế VAT, đồng thời đưa hàng loạt nhóm hàng hóa, dịch vụ lâu nay không thuộc đối tượng chịu thuế VAT nay phải gánh thêm.
Điều này cũng đồng nghĩa hàng hóa sẽ tăng giá, người dân sẽ thắt lưng buộc bụng, chi tiêu ít hơn. Doanh nghiệp (DN) sẽ khó tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận giảm nên nộp thuế cũng giảm theo.
“Chắc phải bỏ nước sạch, dùng nước ngầm”
Nghe thông tin trên báo đài về việc đề xuất tăng thuế VAT, chị Thanh Hiền, nhà ở quận 12, TP.HCM tỏ ra rất bức xúc vì chi phí sinh hoạt, tiêu dùng của sáu người trong gia đình chị chắc chắn tăng lên, khó khăn lại chồng khó khăn.
“Tôi bức xúc nhất là thuế VAT nước sạch tăng quá cao, người dân chịu sao nổi. Giờ tính sơ nhà tôi mỗi tháng đã tốn 500.000 đồng tiền nước sạch, nếu tính cả thuế VAT 5% thì số tiền chi cho nước là 525.000 đồng/tháng. Nếu áp dụng tăng thuế VAT lên 12% như đề xuất của Bộ Tài chính, tôi phải đóng tới 560.000 đồng/tháng. Kiểu này chắc có lẽ phải quay lại dùng... nước ngầm cho đỡ tốn” - chị Hiền ngao ngán.
Cũng theo chị Hiền, hiện nay mỗi tháng đóng tiền điện 660.000 đồng, bao gồm 10% VAT nhưng nếu tăng lên 12%, chị phải đóng tới 672.000 đồng. Như vậy chỉ tính riêng hai khoản điện và nước, chị phải chi thêm 47.000 đồng/tháng nếu tăng thuế VAT.
đó mới chỉ là mức chi thêm của hai khoản điện, nước trong hàng trăm khoản chi mà nhà chị Hiền phải bỏ ra. “Giá cả hàng hóa sẽ té nước theo mưa, một đợt bão giá sẽ xảy ra nếu áp thuế VAT mới. Chúng tôi buộc phải giảm chi tiêu thôi” - chị Hiền bày tỏ.
Còn đối với nhiều DN, việc tăng thuế cũng vấp phải sự phản đối vì ảnh hưởng của nó rất lớn lên chi phí đầu vào lẫn sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, phân tích việc tăng thuế VAT đồng nghĩa với chi phí đầu vào của DN tăng lên.
“Giá cước vận tải, xăng dầu nếu tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành dịch vụ logistics của DN. Hiện tại chi phí cho hoạt động logistics tại Việt Nam chiếm đến 25% GDP, trong khi tại các nước trong khu vực và thế giới chỉ chiếm 10%-13% GDP. Nếu tăng thuế VAT đồng nghĩa đẩy chi phí logistics tăng cao hơn khiến DN tăng chi phí, hàng hóa Việt Nam giảm tính cạnh trạnh với các nước” - ông Hiệp lo lắng.
|
Nếu tăng thuế VAT theo đề xuất của Bộ Tài chính thì bệnh nhân, người thu nhập thấp, người nghèo... là một trong nhóm đối tượng bị tác động mạnh. Ảnh: HOÀNG GIANG |
“Trăm dâu lại đổ đầu người mua nhà”
Hai ngày sau đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% và đánh thuế VAT với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất của Bộ Tài chính, ngày 17-8, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Văn bản này nêu rõ: Thuế VAT tác động trực tiếp đến người tiêu dùng và hàng chục triệu người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
“Việc đề xuất tăng thuế VAT lên 12% theo phương án của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng lên. Người tiêu dùng khi mua bất động sản sẽ phải oằn lưng chịu đựng giá nhà tăng cao” - HoREA nhấn mạnh.
Giá nhà sẽ tăng chóng mặt
Đó là thời than thở và lo lắng của bà Tống Mỹ Hạnh, nhà ở quận 9, TP.HCM. Bà Hạnh nói: “Thoạt nghe mức tăng thuế VAT thêm 2% có vẻ như không lớn nhưng đối với lĩnh vực bất động sản thì đây là tác động sẽ vô cùng khủng khiếp vì nhà, đất có giá trị lớn. Khi hàng loạt mặt hàng cấu thành sản phẩm căn nhà như cát, gạch, xi măng, sắt thép,… đều chịu chi phí đầu vào tăng thì đương nhiên giá nhà sẽ phải tăng”.
Ví dụ, nếu giá trị một căn hộ khoảng 1 tỉ đồng ở thời điểm hiện nay, khi thuế VAT tăng thêm 2% vào đầu năm 2019, giá căn hộ này có thể sẽ bị đội lên 1,1-1,2 tỉ đồng/căn. Đó là chưa tính người mua nhà còn phải cõng thêm cả thuế VAT khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Đặc biệt HoREA cho rằng đề xuất đánh thuế VAT với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất sẽ đẩy giá bán nhà đội lên cao. Bởi theo quy định hiện nay, khi mua nhà đất người dân không phải chịu thuế VAT tiền sử dụng đất. Thậm chí ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định nếu tính cả thuế VAT khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người mua nhà phải “nộp thuế chồng thuế”: Tiền sử dụng đất, 10% thuế VAT tiền sử dụng đất, 10% chi phí xây dựng và chi phí khác. Nhiều người dân sẽ phải đóng thuế VAT từ lúc mua đất, sau đó mua nhà lại phải nộp thuế VAT. Đây là gánh nặng với người nghèo muốn mua nhà.
Từ góc nhìn DN, ông Nguyễn Minh Khang, Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn LDG, tính toán khi thuế VAT bị đẩy lên sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Ông Khang ví dụ: Nếu có 10 khách hàng muốn mua trong bối cảnh hiện tại thì khi thuế VAT tăng lên 12%, chắc chắn số lượng giao dịch thành công sẽ giảm xuống còn 6-7 người.
Hơn nữa, nếu tăng thuế VAT vào đầu năm 2019 có thể cũng sẽ là thời điểm thị trường bất động sản đang trên đà đi xuống. Cộng hưởng những yếu tố này thì chắc chắn bức tranh của thị trường bất động sản sẽ “khó mà tươi sáng được”.
Không nên cứ chăm chăm tăng thuế
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra thuế VAT tăng sẽ khiến người dân chi tiêu ít đi, buộc thắt lưng buộc bụng khi giá hàng hóa tăng. Tăng VAT 10% lên 12% là rất lớn vì không chỉ tác động trực tiếp vào các mặt hàng tiêu dùng mà còn tác động gián tiếp qua nhiều nhóm hàng và dịch vụ khác.
“Giải pháp mà tôi đề nghị là không nên tăng đồng loạt thuế VAT. Trong trường hợp buộc phải tăng thì có thể xem xét tăng thuế VAT hiện đang ưu đãi ở mức 5% cho dịch vụ vui chơi, giải trí hoặc mang tính chất văn hóa… để có thể có nguồn thu cho Chính phủ” - ông Hiếu góp ý.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc tăng thuế VAT làm hạn chế tiêu dùng và mâu thuẫn với các chính sách của Chính phủ về kích thích tiêu dùng. Người dân giảm chi tiêu dẫn tới tiêu thụ hàng hóa giảm, DN buộc phải giảm sản xuất, khi đó nhiều người lao động bị mất việc làm.
“Như vậy, việc tăng thuế VAT sẽ dẫn tới hiệu ứng ngược: Nhà nước tăng thu được số tiền thuế trước mắt nhưng lại thất thu về sau. Khi sức mua tiêu dùng giảm, DN giảm sản xuất, giảm doanh thu dẫn đến nguồn thu thuế thu nhập DN giảm. Tức lợi trước mắt, thiệt hại lâu dài. Do vậy, để tăng nguồn thu từ thuế thì việc cần làm là phải tạo điều kiện cho xã hội phát triển, DN phát triển và người dân có thu nhập cao hơn. Chứ không phải cứ chăm chăm tăng thuế” - luật sư Xoa nói.
Tăng thuế vì chưa phù hợp với thông lệ quốc tế?
Lý giải về đề xuất tăng thuế VAT, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, nói: Để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập, các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng tức thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt... Qua đó đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, hỗ trợ DN và phù hợp thông lệ quốc tế.
“Mức thuế suất thông thường 10% hiện nay tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia” - đại diện Bộ Tài chính nêu.
Từ lập luận trên, ngoài đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12 %, Bộ Tài chính cũng đề xuất loại một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được ưu đãi thuế VAT sang nhóm chịu thuế thông thường, dù đây là những hàng hóa thiết yếu của người dân. Những hàng hóa, dịch vụ này sẽ tăng thuế VAT từ 5% hiện hành lên 12% như nước sạch sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, bóng đá…
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất loại một số nhóm hàng hóa khỏi khu vực ưu đãi về thuế VAT và bệnh nhân cũng nằm trong nhóm bị ảnh hưởng của việc tăng thuế. Cụ thể như bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh...
Hậu quả khó lường nếu tận thu thuế
Tính đến hết tháng 7, chi thường xuyên đã lên tới gần 511.300 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 73% số chi ngân sách.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cái gốc của vấn đề là tiết giảm chi chứ không phải nới rộng thu như hiện nay. TS Lưu Bích Hồ phân tích việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT là một phương cách tăng thu cho ngân sách trong bối cảnh eo hẹp như hiện nay. Có điều giải pháp này trực tiếp đánh vào túi tiền của người dân, làm hạn chế tiêu dùng.
Rõ ràng tăng VAT là một giải pháp tình thế và không mang tính bền vững, tác động không tốt đến dân sinh và kinh tế. Trong khi đó, lẽ ra chúng ta cần có những giải pháp căn cơ hơn. Chẳng hạn như giảm chi thường xuyên. Đương nhiên, việc giảm chi thường xuyên cũng phải gắn với tinh giản bộ máy, giảm đầu mối cơ quan hành chính.
“Một khi VAT được quyết định tăng thì cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu ngân sách chẳng những không được xem xét theo hướng siết chặt lại, mà có nguy cơ ngày càng tăng khi dù sao nó vẫn còn tìm được nguồn thu. Hậu quả cuối cùng chỉ có người dân, đặc biệt là những tầng lớp yếu thế, thu nhập thấp bị ảnh hưởng tiêu cực khi những hàng hóa, dịch vụ chất lượng ngày càng xa rời họ” - TS Lưu Bích Hồ nêu ý kiến.
CHÂN LUẬN
Theo Quang huy - Thùy Linh/Pháp Luật TP Hồ Chí Minh