Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Nghệ An, đơn vị này vừa ban hành thông báo số 499/TB-CT về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước. Trong thông báo này, tính đến thời điểm 31/1/2024, có 48 người còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, với số tiền hơn 2.592 tỷ đồng.
Trong đó, đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty CP Tổng công ty hợp tác kinh tế Việt Lào (VILAOCO), có trụ sở tại số 150 đường Nguyễn Sỹ Sách, phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An) với số tiền nợ hơn 1.407 tỷ đồng (tăng 12 tỷ đồng so với con số nợ thuế 1.395 tỷ đồng tại thời điểm trước đó 1 tháng - ngày 31/12/2023 được cơ quan thuế công bố). Theo thông tin tra cứu mã số thuế, VILAOCO hoạt động từ ngày 29/3/2002, thuộc loại hình doanh nghiệp, là công ty cổ phần ngoài Nhà nước. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Giám đốc công ty kiêm người đại diện pháp luật là ông Dương Trọng Thiết.
Bên cạnh đó, danh sách nợ thuế còn có Công ty CP đầu tư và xây dựng 24 và Công ty CP 482, đều có trụ sở tại TP Vinh, cũng đang nợ thuế hơn 25 tỷ đồng.
|
Tập đoàn Thiên Minh Đức tiếp tục bị "gọi tên" nợ thuế (ảnh minh họa: Trụ sở Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, nguồn: Internet). |
Đáng chú ý, trong danh sách này Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (địa chỉ số 2, đường Lê Mao, TP Vinh) tiếp tục bị “điểm tên” nợ thuế hơn 954,038 tỷ đồng. Trong khi đó, tại thời điểm 31/12/2023, số tiền nợ thuế của Tập đoàn Thiên Minh Đức là 954,027 tỷ đồng. Trước đó, Tập đoàn Thiên Minh Đức bị công khai liên tiếp nhiều kỳ nợ thuế, bị cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn.
Chây ỳ nợ thuế, bị cưỡng chế gần 940 tỷ
Ngày 19/1/2024, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức. Lý do công ty này bị cưỡng chế là nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế quá hạn 90 ngày. Theo đó, số tiền bị cưỡng chế là gần 938,5 tỷ đồng .
Trong đó, Thiên Minh Đức còn nợ chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường hơn 670 tỷ đồng; tiền chậm nộp thuế bảo vệ môi trường hơn 170 tỷ đồng. Ngoài ra công ty còn nợ tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) hơn 81 tỷ đồng, tiền chậm nộp VAT hơn 15 tỷ đồng; còn lại là thuế thu nhập cá nhân và các khoản phạt khác. Cơ quan thuế tỉnh Nghệ An yêu cầu Thiên Minh Đức nghiêm chỉnh thực hiện quyết định này.
Cục Thuế tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngân hàng PVComBank, MB, VietBank, VIB, Techcombank; Agribank, ACB, BIDV, VietinBank, HDBank, Sacombank, Vietcombank chi nhánh Nghệ An; VPBank chi nhánh Hà Nội có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản đối với số tiền nêu trên để nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước Nghệ An.
Trường hợp số tiền trên tài khoản của Thiên Minh Đức nhỏ hơn số tiền quyết định cưỡng chế, ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ số dư tối thiểu. Đồng thời tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trong tài khoản của công ty này.
Liên quan đến vấn đề nợ thuế của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, trước đó vào ngày 20/12/2023, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng đã có thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng là người đại diện pháp luật công ty. Lý do bà Chu Thị Thành bị tạm hoãn xuất cảnh vì là người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Thiên Minh Đức, là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày từ ngày 20/12/2023 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Được biết, trước khi nằm trong danh sách nợ thuế, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức là doanh nghiệp nộp thuế cao nhất tỉnh Nghệ An và thuộc nhóm những doanh nghiệp địa phương có đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước.
Sử dụng sai quỹ bình ổn xăng dầu
Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức được thành lập vào hoạt động từ ngày 4/9/2001. Sau hơn 20 năm hoạt động, "hệ sinh thái" Thiên Minh Đức gồm nhiều đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực như xăng dầu, khí hóa lỏng, bất động sản, sản xuất giấy, bao bì, logistic, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi.
Theo giới thiệu của tập đoàn này, lĩnh vực xăng dầu là trụ cột quan trọng làm nên tên tuổi của doanh nghiệp, khi là công ty đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và khí hóa lỏng có quy mô lớn ở Bắc Trung Bộ. Năm 2022, Thiên Minh Đức có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trong một diễn biến liên quan, theo Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý Nhà nước về xăng dầu ngày 4/1/2024, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra tồn tại, bất cập trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, Tổng cục Thuế và Cục Thuế nhiều địa phương thiếu kiểm tra, giám sát đã để một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nợ thuế lên tới hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm, vi phạm Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT).
Điển hình như trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế BVMT lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế BVMT; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp, dẫn đến số tiền thuế BVMT kê khai lại từ 2018 đến hết năm 2021 tăng thêm tới hơn 3.287 tỷ đồng; có 6/15 thương nhân đầu mối đang nợ tiền thuế BVMT với số tiền 3.219 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, đáng nói, mặc dù còn nợ tiền ngân sách, nợ thuế, nhưng một số thương nhân đầu mối đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Thiên Minh Đức (từ 2017 – 2022) cho ông Chu Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức mượn 7.485 tỷ đồng (tại thời điểm thanh tra, 2 cá nhân này vẫn còn nợ 1.396 tỷ đồng).
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản Quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ. Trong số này, có 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên gồm: Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (bị phạt 3 lần); Công ty Xuyên Việt Oil (bị phạt 3 lần) và Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (bị phạt 4 lần).
Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế BVMT đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG tại Tập đoàn Thiên Minh Đức.
Theo thông báo Quỹ BOG xăng dầu quý III/2023 được Bộ Tài chính công khai ngày 23/11/2023, tổng số dư Quỹ BOG tính đến ngày 30/9/2023 của 35 thương nhân đầu mối đạt 7.058,55 tỷ đồng. Trong đó, số dư Quỹ BOG của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức là 466,56 tỷ đồng. Thông tin trên báo chí, theo một đại diện của Ngân hàng BIDV, tổng số tiền Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức phải nộp vào quỹ bình ổn là hơn 466,88 tỷ đồng. Đến ngày 8/2/2024, công ty đã khắc phục và nộp đủ toàn bộ số tiền nói trên vào tài khoản quỹ bình ổn.
Thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, Nhà nước giao các thương nhân đầu mối thu trên số xăng dầu bán ra và nộp ngân sách. Từ tháng 4/2022 đến hết năm 2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) được hưởng ưu đãi là 2.000 đồng, dầu và mỡ nhờn 1.000 đồng trên mỗi lít, giảm 50% so với biểu khung thuế. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, khối lượng tiêu thụ lớn, khi người tiêu dùng mua xăng dầu là trả ngay tiền hàng và thuế bảo vệ môi trường.
Liên Hà Thái