Tết Hà Nội trong ký ức của đại gia Việt xưa

Google News

(Kiến Thức) - Mấy chục năm trôi qua, Tết xưa vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người con được sinh ra trong gia đình giàu có ở Hà Nội. 

Đại gia nức tiếng phố Hàng Đào
Ông Nguyễn Thái An (sinh năm 1943) là con trai trưởng trong một gia đình giàu có ở Hà Nội. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa nức tiếng Hà Thành, còn mẹ ông là bà Nguyễn Thị Hồng từng được xem là giai nhân với vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” thời đó.
Bố mẹ ông Thái An thuộc thế hệ những thương lái đầu tiên kinh doanh và mở tiệm vải lớn nhất nhì phố hàng Đào. Những năm 40 của thế kỷ trước, gia đình ông nổi tiếng khắp Hà Nội nhờ tài kinh doanh giỏi và trở thành một trong những gia đình giàu có nức tiếng tại phố cổ.
Tet Ha Noi trong ky uc cua dai gia Viet xua
Ông Nguyễn Thái An. Ảnh: Dân Việt. 
Giữa lúc Hà thành rộn ràng vào Tết, ký ức của ông An về những ngày Tết xưa, dường như vẫn còn nguyên vẹn…
Khi ấy, ông Thái An còn là cậu bé lên 10. Ký ức về Tết qua lăng kính của đứa trẻ ngây thơ chưa bao giờ đẹp đến vậy. Không khí mùa xuân bắt đầu tràn vào 36 phố phường cổ kính bằng sự xuất hiện của những quầy bán tranh Tết rạo rực trên phố Hàng Bồ từ trước Tết vài ba tháng. Không khí Tết về khi đào Nhật Tân bắt đầu nở rộ dưới nắng xuân ấm áp, hay có sự xuất hiện của mai vàng Sài Gòn vượt qua chặng đường vài ngàn cây số ra đất Bắc như bây giờ.
Trong trí nhớ của ông Thái An, cả phố Hàng Bồ tràn ngập những ông đồ áo the khăn xếp, râu dài… ngồi nghiêm trang trên chiếc chiếu hoa trải trên vỉa hè. Những bức tranh giấy dó được treo trên những sợi dây chăng sát mép tường, được kẹp bằng những kẹp sắt. Những bức tranh màu tươi, sặc sỡ có sức hấp dẫn rất lớn đối với những đứa trẻ như ông. Đám trẻ thời đó có thể ngồi ngẩn ngơ cả ngày ngắm nhìn ông đồ thảo chữ, viết câu đối hay mân mê mấy bức tranh sáng bừng dưới nắng.
Gần tết, ông An và hầu hết những đứa trẻ cùng thời đó đều dành dụm tiền ăn sáng bố mẹ cho để tự sắm cho mình một bức tranh Đông Hồ tuyệt đẹp từ Thuận Thành (thuộc Bắc Ninh bây giờ) mang sang.
Mẹ ông Thái An là người phụ nữ tháo vát, đảm đang. Bà tự tay mua sắm chuẩn bị Tết chứ không mượn đến vú già, con sen người ở trong nhà. Thực phẩm cho Tết chủ yếu là các thức hàng khô, như miến dong, mộc nhĩ… được mua với số lượng đủ cho mười ngày Tết.  
Khác với bây giờ, thực phẩm Tết ngày đó là những món đồ rất khó tìm, thường chỉ được bày bán những ngày cận Tết.
Tet Ha Noi trong ky uc cua dai gia Viet xua-Hinh-2
Tết xưa, nồi bánh chưng là điều kỳ diệu. Ảnh tư liệu
Ngày đó, nồi bánh chưng với đám trẻ thơ và ngay cả với những người lớn chính là một điều kỳ diệu của Tết. Gia đình nào cũng cố gắng chuẩn bị lá dong, thịt đỗ, gạo nếp để tự tay gói những chiếc bánh vuông vắn.
Ông chủ tiệm vàng nức tiếng Hà Nội xưa
Ông Phạm Ngọc Giao (sinh năm 1941) là con trai trưởng của ông chủ hiệu vàng Sư Tử nổi tiếng Hà Nội một thời. Ông hiện sống tại căn nhà số 115 Hàng Bạc (Hà Nội). Những năm 40 của thế kỷ trước, căn nhà của gia đình ông Giao là một trong những căn nhà lớn nhất nhì khu phố.
Công việc buôn bán vàng vô cùng bận rộn nhưng ngày Tết, bố mẹ ông Giao vẫn chuẩn bị cho con cái và gia nhân một cách rất chu đáo. Vì vậy Tết xưa trong ký ức của ông rất đẹp và thiêng liêng.
Tet Ha Noi trong ky uc cua dai gia Viet xua-Hinh-3
 Ông Phạm Ngọc Giao. Ảnh: Saostar
Nhớ về những cái tết trong ký ức của mình, ông Giao nói: "Trước Tết nếu việc học hành của chúng tôi đạt được thành tích tốt thì bố tôi sẽ đưa đi mua sắm. Trong buổi mua sắm đó, chúng tôi thích thứ nào, bố mẹ sẽ cho mua thứ đó. Tuy nhiên mỗi người chỉ được chọn một đến hai món đồ. Sau đó, chúng tôi sẽ được đi chợ hoa. Khu chợ hoa chỉ có ở phố Hàng Lược”.
Bên cạnh niềm vui được đi mua sắm, ông Giao còn ấn tượng hương vị của các món ăn trong mâm cơm ngày Tết. Ngoài bánh chưng, giò chả, nem, thịt đông, bún thang, mâm cơm ngày Tết của gia đình ông cũng có món canh bóng. Tuy nhiên, nếu bát canh bóng trong gia đình bình thường sử dụng bóng bì thịt lợn thì bát canh bóng trong gia đình ông lại sử dụng bóng cá dưa.
Bóng cá dưa tức là lấy bong bóng của con cá dưa nhồi giò, thịt và hấp sau đó thả vào bát canh. Trong bát canh bóng bao giờ cũng phải có tôm bao. Tôm bao là loại tôm khô, giã ra thành ruốc rồi trộn bột mỳ sau đó cho vào khuôn để nặn thành các hình thù.
Mâm cơm ngày Tết của gia đình ông Giao thời đó còn có món măng tây (tức là măng nhập của Pháp và thường được bán ở phố Hàng Buồm). Cây măng dài khoảng 15 cm đựng trong chiếc hộp vuông và nấu với cua bể ngon đến nỗi ăn một lần thì không thể nào quên.
Đặc biệt, mâm cơm ngày Tết của gia đình ông chủ tiệm vàng nổi tiếng còn có món cá kho bằng niêu đất và bát nước nắm cà cuống.
Ông Giao kẻ, giống cà cuống hiện không thấy xuất hiện nữa nhưng vào những năm 49, 50, cứ gần Tết, người bán hàng lại đội trên đầu một thúng cà cuống đã luộc sẵn rồi rao bán khắp phố.
Hoàng Minh