TGĐ công ty đào tiền ảo biến mất, nhà đầu tư khóc ròng mất cả chục tỷ đồng

Google News

Chỉ đến khi ông chủ công ty tiền ảo Sky Mining lặn biệt tăm, nhà đầu tư tiền ảo mới vỡ lẽ bị lừa.

Đại diện Công an quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết, cơ quan này đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ nhiều người dân gửi đơn tố cáo ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Sky Mining (hay còn gọi là HTX Bầu Trời Công Nghệ, mạng lưới đầu tư máy đào tiền ảo cực lớn tại Việt Nam), lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi biến mất không rõ lý do.
Thông tin từ các nhà đầu tư cho hay, sau khi sự việc vỡ lở, các nhà đầu tư đến gặp ban lãnh đạo lâm thời của Sky Mining thì nhận được câu trả lời rằng: Theo hợp đồng, mỗi gói đầu tư trị giá 5.000 USD, tương đương 115 triệu đồng được quy đổi thành một chiếc máy cày tiền ảo (còn gọi là trâu cày). Giờ công ty phá sản, không hoạt động nữa nên công ty trả lại máy…
 Nhà đầu tư trong một lần đến thăm Công ty Sky Mining. (Ảnh cắt ra từ YouTube) 
Có người mất hàng chục tỷ đồng
Nhiều nhà đầu tư sau khi nghe ban lãnh đạo lâm thời của Sky Mining tuyên bố như vậy cảm thấy vô cùng sốc. Bởi lẽ bây giờ ôm cái máy về nhà khác nào ôm cục sắt vụn.
Anh Nguyễn Tuấn Trung, một nhà đầu tư vào mạng lưới đào tiền ảo của Sky Mining, cho biết: Công ty này chuyên đầu tư và khai thác tiền ảo. Hình thức hoạt động là tiếp nhận nguồn vốn góp từ các xã viên, nhà đầu tư để đầu tư trang thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng và vận hành khai thác các đồng tiền ảo.
Sky Mining đưa ra nhiều gói có giá trị từ 500 USD, 1.000 USD, 3.000 USD cho đến 5.000 USD để thu hút đầu tư. “Tôi từng biết có một số nhà đầu tư mua tới 100-200 gói 5.000 USD. Tức là họ đã bỏ vào Sky Mining số tiền lên tới 11,5-23 tỷ đồng. Không ai có con số thống kê chính thức nhưng tôi tin chắc số lượng nhà đầu tư thuộc hàng cá mập này không hề ít” - anh Tuấn Trung nói.
Tương tự, anh Quang Huy, quản lý một xưởng của Sky Mining, cho biết: Thời gian đầu dù mua gói nào đi chăng nữa thì cứ sau một tuần bỏ tiền, tài khoản của nhà đầu tư nhận được tiền lời với mức trung bình 4-40 USD/ngày tùy theo giá trị gói lớn nhỏ. Đến khi lợi nhuận đạt đủ 300% so với gói đầu tư thì nhà đầu tư phải bàn giao lại máy cho Sky Mining.
Như vậy, nếu tiền lời chảy về tài khoản đều đặn sau khoảng 12 tháng, nhà đầu tư có thể cầm trong tay cả vốn lẫn lời là 15.000 USD, tương đương khoảng 345 triệu đồng. Tuy nhiên, số người may mắn có lời chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ. Đa số đều lỗ đậm.
Sập bẫy
Nhiều chuyên gia cho rằng Sky Mining thực chất là mô hình đa cấp máy đào tiền ảo, dưới hình thức người tham gia mua các gói máy đào từ công ty này. Đơn cử mạng lưới này yêu cầu người đầu tư chuyển tiền để mua máy đào tiền ảo. Mức vốn và lời được hệ thống tuyên bố chi trả là 15.000 USD sau 12 tháng, tức là lời tới 300%.
Sau khi đóng tiền theo gói đầu tư, công ty này sẽ xuất máy cho người mua và người mua ký gửi máy cho cơ sở thực hiện việc đào tiền ảo. Sau khi hoàn thành chu kỳ lợi nhuận so với gói đào ban đầu, nhà đầu tư sẽ trả máy lại cho Sky Mining.
“Sky Mining là hình thức núp bóng lấy các máy đào ra để che đậy việc huy động vốn lãi suất cao, phát triển theo hình thức chi hoa hồng kim tự tháp. Nói cách khác, đây là một công ty đa cấp biến tướng. Công ty cung cấp dàn máy đào cho nhà đầu tư với mức giá cao gấp nhiều lần so với chất lượng máy, đưa ra tiền thưởng từ việc mời người mới cực kỳ cao… khiến nhiều người sập bẫy” - một chuyên gia không muốn nêu tên nói.
Cũng chính vì lý do trên, Sky Mining tìm mọi cách lôi kéo và giữ chân nhà đầu tư. Anh Quang Huy, một nhà đầu tư vào Sky Mining, cho hay: Khi thấy tài khoản của khách hàng phát sinh lợi nhuận, ngay lập tức ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Sky Mining, tung ra đủ chiêu trò để nhà đầu tư vừa tin tưởng vừa sợ sệt và phải tái đầu tư trở lại.
Chẳng hạn có khi ông Tâm dụ ngọt rằng sắp tới công ty sẽ tổ chức đi Hàn Quốc cho các nhà đầu tư nhưng chỉ miễn phí cho 15 khách hàng đầu tiên tái đầu tư.
“Theo tính toán của tôi, chỉ với 7.000 máy đào tiền ảo hoạt động trong 26 xưởng của Sky Mining, số tiền mà ông Tâm ôm đi ước tính khoảng 800 tỷ đồng. Đó là chưa tính thêm số tiền của những nhà đầu tư nhỏ lẻ từ 3.000 USD trở xuống.
Chính vì lẽ đó, số tiền mà ông Tâm ôm rồi bỏ trốn là vô cùng lớn và số nhà đầu tư có nguy cơ bị mất trắng rất nhiều vì tiền ảo chưa được pháp luật bảo vệ” - anh Huy nhấn mạnh.
Trong khi đó Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định quan điểm rằng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Bảo bối duy nhất là… niềm tin
Anh Lê Hải, một nhà đầu tư ở Đồng Nai, ngậm ngùi: Thời gian đầu, chỉ duy nhất gói 5.000 USD nhà đầu tư mới được ký hợp đồng với Sky Mining. Nhưng từ ngày 1/6 vừa qua thì ngay cả nhà đầu tư vào gói lớn nhất cũng chẳng có hợp đồng nào hết. Tức là khách hàng đều chấp nhận đổ tiền vào Sky Mining chỉ dựa vào bảo bối duy nhất là niềm tin.
“Ngay cả có hợp đồng trong tay thì nhà đầu tư cũng chẳng làm được gì công ty bởi ông ta lặn biệt tăm. Nói thực, tôi không dám nghĩ đến nữa, chứ càng nghĩ càng đau. Giờ ngẫm lại mình bị lừa ngay từ đầu mà không hề hay biết” - anh Hải chua chát nói.
Nhập máy đào tiền ảo tăng mạnh
Hiện nay các giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo có được do mua bán trao tay hoặc từ hoạt động đào (khai thác) tiền ảo dựa trên các hệ thống máy tính chuyên dụng, cấu hình cao nhập khẩu.
Lượng máy đào bitcoin nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian qua tăng mạnh. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, từ năm 2017 đến nay đã có đến 15.600 máy đào tiền ảo được nhập khẩu vào Việt Nam.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.
Theo PLO