Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), vàng mã là một trong những mặt hàng không thể thiếu của mỗi gia đình để tiễn Táo Quân về trời. Chính vì vậy, tại làng nghề sản xuất vàng mã Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) không khí rất hối hả. Nhiều gia đình sản xuất vàng mã với quy mô lớn đang gấp rút hoàn thành những đơn hàng cuối cùng trước 23 tháng Chạp.
Tại gia đình anh Nguyễn Hoàng, với thâm niên hơn 10 năm làm nghề, những ngày này, cả gia đình anh vừa phải tất bật các đơn hàng Tết ông Công ông Táo, vừa phải đẩy nhanh tiến độ hàng hóa Tết Nguyên đán và thậm chí là hàng hóa dành cho các gia đình giải hạn cuối năm. Anh Hoàng cho biết, đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm và cũng là mùa của nghề sản xuất vàng mã truyền thống.
“Nếu tháng cô hồn bận rộn 1 thì mùa Tết bận rộn gấp 10 lần. Tuy nhiên, các mặt hàng vàng mã mùa Tết thường không “quá cồng kềnh” và đòi hỏi chi tiết tỉ mỉ, công phu cũng như chạy đua thị trường nhiều như dịp cô hồn. Bởi, lễ cúng ông Công ông Táo thì vẫn thường như mọi năm, các vị thần Táo Quân thì giày, mũ, cá chép … còn cúng cô hồn thì thị trường Dương thế sao Âm thế vậy. Cúng cô hồn nhiều người cúng xe sang, điện thoại đời mới … Sự bận rộn ở đây chính là thị trường Tết ông Công ông Táo nhu cầu người dân tăng gấp 10, 20 lần so với các ngày lễ khác. Và hiện tại, đnag là thời điểm nước rút”, anh Hoàng nói.
|
Làng nghề sản xuất vàng mã chạy đua nước rút hoàn thiện những sản phẩm cuối cùng cho đơn đặt hàng cúng Táo Quân. |
Theo anh Hoàng, nghề sản xuất hàng mã tại Duyên Trường do người xưa để lại. Anh Hoàng cũng không biết ngôi làng mình có thâm niên bao nhiêu năm làm vàng mã. Nghề làm vàng mã tưởng chừng là nhàn hạ hơn so với các nghề khác nhưng thực tế thì không phải như vậy.
“Chỉ người trong nghề mới hiểu được sự vất vả là như thế nào. Nghề này đòi hỏi độ tỉ mỉ, người thợ làm nghề phải thật chăm chút, khéo tay và kĩ lưỡng. Hơn hết cũng đòi hỏi tiến độ công việc, phải làm sao vừa nhanh lại vẫn đảm bảo được chất lượng. Đặc biệt, dịp Tết ông Công ông Táo số lượng đơn hàng lúc nào cũng gấp nhiều lần ngày thường. Nhiều ngày nay, cả gia đình tôi gần như làm việc hết công suất để hoàn thành các đơn hàng cuối cùng”, anh Hoàng cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Thế Thanh, một người già trong làng thì nghề làm hàng mã đòi hỏi người thợ tỉ mỉ, khéo léo, am hiểu các tích cổ và cả sự sáng tạo.
“Nhiều năm nay, người làng Duyên Trường không chỉ dừng ở việc sản xuất tiền vàng, quần áo, ngựa, hình nhân… truyền thống, mà còn là các vật dụng cao cấp bằng giấy (ôtô, tivi, nhà tầng, siêu xe…) để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Thời cuộc đang diễn ra những vật phẩm gì thì buộc người làng nghề phải sáng tạo và áp dụng theo”, ông Thanh nói.
|
Ngoài phục vụ người dân cúng Táo Quân, nhiều mặt hàng vàng mã còn phục vụ cúng giải hạn và Tết Âm lịch. |
Theo ông Thanh, nhờ sản xuất nghề vàng mã truyền thống mà nhiều gia đình trong làng đã thoát nghèo, có những gia đình nhiều thế hệ, đời này qua đời khác bám trụ cuộc sống với nghề sản xuất vàng mã.
“Nhờ làm nghề vàng mã, người dân làng Duyên Trường chúng tôi biết được các sự tích, ý nghĩa và nguồn gốc các lễ, Tết. Bởi người sản xuất luôn phải tìm đọc tài liệu về tích cổ giup hiểu hơn về ông Tướng, bà Chúa mặc áo màu gì, mũ, hài ra sao, cử chỉ, điệu bộ phải phù hợp chứ không thể tự ý làm một mình một kiểu được. Đã là thuộc về văn hóa truyền thống thì nhất nhất phải tuân theo”, ông Thanh nhấn mạnh.
Về làng Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) dịp cận Tết ông Công ông Táo mới thấy được sự hối hả của một làng nghề. Nhiều thương lái khắp cả nước cũng về đây để đặt hàng và chở đi khắp nơi phục vị lễ, Tết.
Theo nhiều người dân làng Duyên Trường thì mỗi sản phẩm bán cho thương lái dịp Tết ông Công ông Táo cũng lãi khoảng từ 3.000 đến 50.000 đồng tùy sản phẩm và chất liệu. Theo đó, nhiều gia đình thu về tiền tỷ mỗi năm nhờ làm nghề vàng mã.
Theo Hoàng Dương/VietQ