Thâu tóm Sông Đà 1.01: Cơ hội và thách thức

Google News

Thâu tóm doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng về tài chính, dự án đang trong tình trạng “ngủ đông” như Sông Đà 1.01 có phải là một sự liều lĩnh?

Sau nhiều năm đóng băng hoạt động, thời gian gần đây, CTCP Sông Đà 1.01 xuất hiện biến động về cơ cấu sở hữu, với những cổ đông mới. Cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 cũng nhiều phiên liên tiếp tăng trần. Kết thúc phiên giao dịch 24/12, cổ phiếu SJC đang có mức giá mức giá 15.600 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 1100% so với hồi đầu tháng 7 (1.400 đồng/cp).
Ngày 30/11, Sông Đà 1.01 thông báo về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 31/12. Với nội dung thông qua việc thay đổi điều lệ, miễn nhiệm và bầu thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Nhiều dự đoán, sau ĐHĐCĐ, Sông Đà 1.01 sẽ “thay máu” cả về sở hữu lẫn quản trị doanh nghiệp. Dàn lãnh đạo mới sẽ đứng trước những thách thức và cơ hội gì khi tiếp quản Sông Đà?
Gánh nặng nợ vay và dự án “ngủ đông”
Thau tom Song Da 1.01: Co hoi va thach thuc
 
Nhìn vào bức tranh tài chính của doanh nghiệp này có thể thấy, các vấn đề lớn bao gồm doanh thu sụt giảm, lợi nhuận liên tục ở mức âm, trong khi khoản vay phi mã.
Những năm gần đây, doanh thu của Sông Đà 1.01 khá thấp, lãi ít, thậm chí thua lỗ. Năm 2022, lũy kế 9 tháng, Sông Đà 1.01 chỉ ghi nhận gần 5,1 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 145 triệu đồng. Về tài sản, đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của công ty ở mức 1.617 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 1.518 tỷ đồng, cho thấy chất lượng tài sản rất kém.
Trong khi đó, dự án Hà Nội Landmark Tower của Sông Đà 1.01 hiện đã bị ngân hàng PVCombank thu giữ và đang trong quá trình tiến hành khởi kiện để thu hồi nợ. Đồng thời, doanh nghiệp còn đang chịu hàng trăm tỷ đồng nợ nhà thầu, người mua nhà, nợ cá nhân của công ty. Do đó, thách thức có thể nhìn thấ rõ nhất với dàn lãnh đạo mới của Sông Đà 1.01 là phải xử lý các vấn đề tài chính đang tồn đọng.
Trong nguy có cơ
Liệu có phải là bước đi quá mạo hiểm không khi nhìn vào tình hình kinh doanh và những vấn vấn đề còn tồn đọng khi tiếp quản Sông Đà 1.01?
Đánh giá về sự thay đổi lớn này, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, việc một đơn vị sẵn sàng mua lại một doanh nghiệp, một dự án có nhiều dấu hiệu suy thoái, khủng hoảng là một điều dũng cảm. Tất nhiên, khi “thâu tóm” Sông Đà, đơn vị này đã phải có sự tính toán cẩn trọng.
“Nếu nhìn vào sự suy yếu của các dự án thì ngoài năng lực của chủ đầu tư còn có nhiều yếu tố khác được xem xét như vay vốn, đã chuyển nhượng hình thành trong tương lai, đã nhận vốn góp… Nếu dự án có những yếu tố này thì đơn vị mua lại phải tính toán đến việc phải kế thừa lại, làm chủ toàn bộ nợ của các chủ đầu tư cũ. Phải tính toán làm sao để cộng nợ, cùng với giá trị của dự án, tiền đầu tư làm lại dự án… các nghĩa vụ khác vẫn là một chi phí có thể đáp ứng được và đảm bảo là có lãi. Khi đơn vị nhận mới họ tính toán được hết điều đó thì họ sẽ có khả năng tiếp tục điều hành, tiếp tục đầu tư, kinh doanh của các dự án của doanh nghiệp bị thâu tóm”, TS Nguyễn Văn Đính phân tích.
Các chuyên gia cho rằng, thương vụ thâu tóm sẽ mang đến những lợi ích cho cả hai bên. Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà (SBLaw), việc có một doanh nghiệp mới mua lại là một tín hiệu tích cực đối với Sông Đà 1.01, khi cách vận hành của doanh nghiệp đã cũ có được làn sóng mới phù hợp hơn với bối cảnh thị trường, chưa kể là triển vọng về việc cải thiện các chỉ số tài chính.
Bên cạnh đó, tiếng tăm trong làng bất động sản của Sông Đà 1.01 sẽ tạo ra một ưu thế rất lớn cho các doanh nghiệp tham gia mua bán – sáp nhập, đặc biệt là với những doanh nghiệp nhỏ hoặc mới xuất hiện trên thị trường bất động sản.
“Với Sông Đà 1.01, đây là chủ đầu tư của dự án Hà Nội Landmark 51, một trong những tòa tháp cao nhất Thủ đô. Doanh nghiệp thâu tóm Sông Đà 1.01 đồng nghĩa sẽ sở hữu dự án đình đám này. Và như vậy họ sẽ có một màn “trình diện” làng bất động sản Hà Nội theo một cách không thể ấn tượng hơn. Giá trị thương hiệu sẽ khá tốt”, luật sư Nguyễn Thanh Hà (SBLaw) nhận định.
Theo vị luật sư, mặc dù vẫn còn những điểm cần chú ý đến như dự án Landmark 51 của Sông Đà 1.01 đang chậm tiến độ, chưa thể bàn giao cho người mua nhà, nhưng đặt trong bối cảnh thị trường nhà ở Hà Nội đang thiếu gay gắt nguồn cung căn hộ chung cư, thì việc về tay chủ sở hữu mới và được hồi sinh thì khả năng thành công của dự án này sẽ là rất đáng kể.
“Tất nhiên, may rủi liền kề. Doanh nghiệp sẽ phải giải một bài toán khá phức tạp với một dự án đã chậm tiến độ nhiều năm”, ông Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Người cũ và người mới đồng lòng
Cơ hội đã thấy rõ khi tiếp quản Sông Đà 1.01 nhưng theo TS Nguyễn Văn Đính, để cơ hội thực sự trở thành hiện thực, những thương vụ M&A cần phải có sự đồng lòng từ tất cả các bên mới có thể vực dậy được những dự án vốn đã khó khăn trăm bề.
“Trước hết, Sông Đà 1.01 là một doanh nghiệp có thương hiệu, một đơn vị dày dặn kinh nghiệm nhưng gặp khủng hoảng do một số yếu tố khách quan cũng như chủ quan ở giai đoạn trước như khủng khoảng kinh tế, tắc dòng vốn cộng thêm áp lực nghĩa vụ trả nợ (ngân hàng, khách hàng) khiến họ đuối dần, không thể có khả năng triển khai các dự án.
Câu chuyện là người mua họ đã tính toán hết rồi, và họ rất cần sự đồng cảm của những yếu tố, nhân tố liên quan như các chủ nợ”, ông Đính phân tích.
Theo vị chuyên gia, để chủ nợ có thể thu hồi vốn thì các dự án đang gặp khó của Sông Đà sau khi được tiếp quản cần được “hồi sinh”. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mới tiếp quản Sông Đà cần sự hỗ trợ, đồng lòng từ nhiều phía, trong đó có các nhà đầu tư.
“Cả người cũ và người mới cần trở thành đối tác để đồng hành với nhau cùng phát triển”, ông Đính khẳng định.
PV