Việc nuôi dưỡng và bảo tồn nguồn gen quý của giống gà Mông đã được anh dày công gây dựng cả chục năm trời.
Giữa trưa trời Sơn La nắng chang chang vậy mà anh Tuấn – Giảng viên của Trường Đại học Tây Bắc một mình một xe máy chở đầy rau phi ra trang trại. Ngoài thời gian ở trường, anh luôn tranh thủ thời gian để trở về với đàn gà giống.
Nơi đó anh đã dành cả chục năm trời để gây dựng. Ít ai biết rằng chàng trai người Kinh này lại có một niềm đam mê cháy bỏng với giống gà bản Mông heo hút.
Đa dạng các loài gà Mông giống
Khu chuồng trại nuôi gà Mông giống rộng gần 600m2 của anh Tuấn nằm cạnh núi đá. Khi chúng tôi cùng anh Tuấn vừa đến trang trại, đám gà trong chuồng đã nháo nhác ùa về phía ông chủ. Phía trong chuồng mấy trăm con gà lớn nhỏ kêu tao tác.
Theo quan sát của chúng tôi, khu chuồng trại được anh Tuấn chia thành nhiều ô nhỏ khác nhau. Ô cho gà mái đẻ, ô nuôi gà hậu bị. Phía ngoài chuồng có sân chơi rộng rãi. Phía trong chuồng dành cho gà mái la liệt những trứng là trứng.
Vừa nhặt trứng vừa kiểm tra, anh Tuấn chia sẻ: "Từng quả trứng sẽ được soi xét cẩn thận rồi mới đưa vào lò ấp. Cách khu trại này khoảng 1km, tôi có nuôi gà giống ở đó".
Anh Tuấn làm mọi việc nhanh và dứt khoát. Nhìn anh không ai nghĩ người thầy giáo vốn quen với môi trường sư phạm lại chăm sóc đám gà tốt đến vậy. Anh làm mọi việc từ cho ăn đến dọn chuồng, tiêm phòng bệnh, mang trứng vào lò ấp…
Cứ nhìn đàn gà con nào con nấy khỏe khoắn, chạy nhảy tung tăng là cũng đủ biết ông chủ chăm sóc chúng kĩ càng đền mức nào.
|
Khu chuồng trại nuôi gà Mông giống rộng gần 600m2 của anh Tuấn nằm cạnh núi đá. Ảnh: Hoài Linh. |
Sau khi đã nhặt hết đám trứng ở trong chuồng, anh Tuấn mới mở cửa cho đám gà ra sân chơi. Cả mấy trăm con gà trống mái lớn nhỏ cùng dồn vào khoảng sân rộng. Chúng thỏa sức nô đùa, chạy nhảy. Con nào con nấy khỏe khoắn với đủ sắc màu. Khoảng sân rộng này tựa như "đại hội" của đám gà xương đen. Đàn gà xương đen của anh Tuấn có đủ 3 loại giống mà bà con người Mông hay nuôi.
|
Theo anh Tuấn, gà xương đen của người Mông có 3 loại, chúng được phân biệt bằng bộ lông: Gà lông mượt, gà lông xước và gà lông thú. Ảnh: Hoài Linh. |
Theo anh Tuấn, gà xương đen của người Mông có 3 loại, chúng được phân biệt bằng bộ lông: Gà lông mượt, gà lông xước và gà lông thú.
Căn cứ vào lông của chúng để biết cách làm giống và nhân giống. Nhiều người cứ lầm tưởng là gà lông đen, xương đen là gà Mông, nhưng kỳ thực đó chỉ là giống gà ác.
Giống gà Mông có nhiều màu lông khác nhau, từ xám, đốm, vàng, thậm chí có cả con mang lông trắng. Giờ nhiều người thích nuôi gà Mông là để làm cảnh, vì chúng có màu lông rất khác.
|
Mỗi con gà Mông giống sẽ được anh Tuấn bán với giá 70.000 đồng. Ảnh: Hoài Linh. |
Do nhiều năm "ngắm" gà và chăm sóc chúng, nên anh thuộc nằm lòng đặc tính sinh hoạt. Con nào sinh sản tốt, con nào cần phải thay thế anh nắm rõ.
Mỗi năm đàn gà giống này sản xuất ra cả vạn con gà giống. Giá gà giống anh đang bán là 70.000 đồng/con. Bà con đến mua, mang về nuôi chỉ việc chăm sóc vì việc tiêm phòng đã được anh Tuấn thực hiện đầy đủ.
Theo anh Tuấn, nuôi gà giống không giống như nuôi gà thịt nên không cần diện tích quá rộng. Như vậy, anh có thể dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh.
Bén duyên với gà Mông
Ngoài trang trại nuôi gà giống, anh Tuấn còn làm rất nhiều công việc khác như mở quán ăn rồi dạy võ cho trẻ em.
Cả ngày anh tất bật với công việc, nhưng cứ rảnh là anh lại chạy ra thăm đàn gà. Được nhìn chúng chạy nhảy và mải miết ăn là anh cảm thấy như mình được tiếp thêm động lực. Suốt 5 năm qua, anh Tuấn cũng trải qua không ít những phen lao đao khi nuôi gà.
Câu chuyện của anh có duyên với giống gà xương đen của bà con người Mông đến cũng hết sức tình cờ. Bố mẹ anh là người Kinh quê ở Vĩnh Phúc lên đất Sơn La lập nghiệp.
Anh được sinh ra ở núi, nhưng suốt năm tháng tuổi thơ gắn với học hành, chứ không hề biết gì về sản xuất nông nghiệp. Ra trường, anh về giảng dạy môn Thể dục tại Đại học Tây Bắc.
|
Gà Mông có ưu điểm là chống chọi dịch bệnh tốt và chất lượng thịt thì ngon hảo hạng. Ảnh: Hoài Linh. |
Với một người thanh niên chăm ngoan như vậy là niềm mong ước của bao đấng sinh thành. Vậy mà cuộc đời anh lại rẽ sang một trang mới khi biết đến giống gà đen của người Mông. Tranh thủ những ngày hè, anh đi "phượt" khắp các bản của Điện Biên và Sơn La.
Trong chuyến đi này anh được bà con tiếp đãi món gà xương đen nóng hôi hổi. Được thưởng thức đặc sản địa phương khiến anh mê tít.
"Lên vùng cao của huyện Thuận Châu (Sơn La) hay Tủa Chùa (Điện Biên) tôi nhận thấy bà con người Mông đều nuôi giống gà xương đen này. Chúng có ưu điểm là chống chọi dịch bệnh tốt và chất lượng thịt thì ngon hảo hạng", anh Tuấn nhớ lại.
|
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ về việc bén duyên với loài gà Mông. Ảnh: Hoài Linh. |
Vốn là người ưa khám phá, anh ở lì bản Mông nhiều ngày. Suốt thời gian dài quan sát và hỏi rõ về giống gà này, anh mới đi đến quyết định là về thành phố Sơn La lập trại nuôi gà. Gia đình sẵn có mấy miếng đất gần núi đá, anh liền dựng trại và mua bằng được giống gà xương đen về nuôi.
Sự nhiệt tình thái quá của anh cũng trả giá không ít. Hai năm đầu, anh đã phải nhiều lần mang bao tải vào chuồng để đóng xác gà mang đi tiêu hủy.
Giống gà xương đen sống ở bản Mông khỏe khoắn là vậy, khi xuống núi chúng cũng mắc bệnh, bị dịch liên tục. Sau nhiều lần phải đào hố chôn gà, nhiều lúc anh muốn buông xuôi.
Trước núi khó khăn đó, ai cũng động viên anh nên tập trung vào việc giảng dạy và kinh doanh quán ăn.
Năm đó anh Tuấn cũng đã ngoài 30 tuổi, bố mẹ đã giục anh lấy vợ rồi sinh con đẻ cái.
Vậy mà Tuấn mải mê với việc nuôi gà nên quên luôn cả tuổi lấy vợ. Đến giờ anh đã sắp bước sang tuổi tứ tuần, nhưng cả ngày vẫn dành phần lớn thời gian cho đàn gà.
|
Giờ đây trại gà giống của anh Tuấn đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con người Mông vùng cao. Ảnh: Hoài Linh. |
Sau mấy năm liền nuôi gà thất bại, anh Tuấn vẫn kiên trì nhân giống và theo dõi đàn gà tìm ra nguyên nhân. Anh đã tìm đúng nguồn vắc xin chuẩn để tiêm cho đàn gà. Ngoài ra anh cũng chủ động chế biến thức ăn cho phù hợp.
Nhờ vậy mà ước mong xây dựng trại gà giống xương đen của anh mới thành hiện thực. Giờ đây anh có thể thao thao nói về đàn gà cả ngày không hết.
Anh tìm hiểu kĩ về đàn gà tới từng chân tơ kẽ tóc. Chúng thích ăn gì, môi trường sống như thế nào hay ngày mưa, ngày nắng phải cho đàn gà ăn theo chế độ nào anh đều thuộc nằm lòng.
Những nỗ lực của anh cũng được đền đáp. Giờ đây trại gà giống trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con người Mông vùng cao.
Nhiều hộ nuôi nhiều, họ không chủ động nhân gà giống theo cách truyền thống mà họ tìm đến trang trại của anh mua gà giống. Bởi lẽ gà giống từ trại anh bán đi đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Hơn nữa, chúng sinh sôi, phát triển đã được anh Tuấn kiểm định chặt chẽ. Gà giống mà bà con mang về nuôi là sống và phát triển.
"Dành phần lớn thời gian cho đàn gà và được chăm sóc đàn gà là niềm vui của tôi mỗi ngày. Mỗi lần được đón tiếp bà con người Mông xuống trại mua gà giống tôi vui lắm. Vui vì mình đã giúp bà con mua được giống gà tốt nhất", anh Tuấn phấn khởi nói.
Theo Hoài Linh/Dân Việt