Đại dịch COVID-19 tác động gần như đồng thời tới toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới nhưng theo các cơ chế khác nhau cả về phía cung và phía cầu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của mỗi nền kinh tế cũng như sự liên kết của nền kinh tế đó với phần còn lại của thế giới.
Về phía cung: Biện pháp chống dịch được các quốc gia sử dụng phổ biến là cách ly và tạo khoảng cách xã hội khiến nguồn cung lao động giảm mạnh, đặc biệt trong những khu vực đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của lao động vào quá trình sản xuất. Ngoài ra, với những vùng tâm dịch, việc đóng cửa những hoạt động không thiết yếu, thực thi những quy tắc hạn chế đi lại, khiến cho nhiều hoạt động sản xuất bị ngưng trệ.
|
COVID-19 tác động đến mọi nền kinh tế trên thế giới. Ảnh minh họa |
Với việc hoạt động sản xuất được thiết kế dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu, sự đứt gãy trong sản xuất đầu vào trong sản xuất đầu vào tại một quốc gia sẽ dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình sản xuất tiếp theo tại quốc gia khác.
Trong bối cảnh hiện nay, dù Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, dần khôi phục hoạt động sản xuất trong nước, nhưng EU và Mỹ đang là tâm dịch, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, do vai trò của Mỹ và Châu Âu trong chuỗi là vô cùng quan trọng.
Một điểm tích cực là ảnh hưởng bất lợi tới phía cung sẽ dịu bớt khi tình hình dịch bệnh tại các quốc gia được kiểm soát. Nếu xét theo thực tiễn của Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động sản xuất có thể dần được hồi phục từ quý 2 năm 2020. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số quan điểm bi quan, cho rằng dịch bệnh khó có thể được kiểm soát một cách triệt để trên bình diện rộng, và hoạt động sản xuất có thể rơi vào trạng thái “tắt/bật” (on/off) trước những diễn tiến cụ thể của tình hình dịch bệnh.
Mời độc giả xem video: Buôn bán ế ẩm vì Covid-19, tiểu thương Sài Gòn viết đơn xin giảm thuế. Nguồn: VTV24
Về phía cầu: Nếu như ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới phía cung có thể được kiểm soát theo tình hình của dịch bệnh, thì những tác động tới phía cầu được xem là khó dự đoán.
+ Tác động trực tiếp: khi người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài, lượng người mua hàng tại các cửa hàng và trung tâm thương mại giảm đột ngột, khiến cầu có thể biến mất khỏi thị trường. Dẫu cho hoạt động thương mại điện tử có thể phần nào khắc phục hiện tượng trên, những ảnh hưởng của hạn chế đi lại tới nhu cầu là rất lớn.
Ngoài ra, với việc hoạt động sản xuất ngưng trệ, các doanh nghiệp có thể tạm thời ngừng hoạt động, người lao động có thể bị ngưng việc hay thậm chí rơi vào trạng thái thất nghiệp. Sự mất mát trong thu nhập sẽ khiến cho cầu của đối tượng này giảm mạnh. Ảnh hưởng kể trên sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với những người nằm ngoài vùng phủ của bảo hiểm thất nghiệp.
Hơn nữa, với sự lao dốc của thị trường chứng khoán, giá trị tài sản của các hộ gia đình giảm mạnh, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới cầu tiêu dùng. Trong khoảng thời gian 1 tháng qua,
các chỉ số chứng khoán của những thị trường trọng yếu như Mỹ, EU, Nhật đã giảm khoảng 30%.
+ Tác động gián tiếp: ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới tâm lý của tác nhân kinh tế là rất tiêu cực, khiến cho họ có trạng thái tâm lý trì hoãn tiêu dùng và đầu tư (hiện tượng này được bộc lộ rõ trong cuộc suy thoái kinh tế 2007-2009).
Điều đáng lo ngại là những khó khăn của khu vực kinh tế thực có thể sẽ lây nhiễm sang khu vực tài chính. Sự phá sản của các doanh nghiệp có thể tạo ra khủng hoảng nợ, là tiền đề cho những đổ vỡ trong hệ thống tài chính của các quốc gia. Tuy nhiên, sau bài học từ khủng hoảng tài chính 2007-2009, các quy định về an toàn tài chính ở các quốc gia đã được siết chặt, cộng với những cam kết mạnh về đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng trung ương, trong ngắn hạn rủi ro khủng hoảng tài chính được đánh giá là không quá đáng ngại.
Một số dự báo về tác động của dịch COVID-19 tới các nền kinh tế
Các dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch là tương đối tiêu cực. Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại khoảng 1000-2000 tỷ USD trong năm 2020, tăng trưởng giảm từ 0,5 đến 1,5% tùy kịch bản (UNCTAD, IIF, OECD, IMF, HSBC, Oxford Economics, ADB).
Các dự báo này mới chỉ sử dụng các số liệu từ đầu tháng 03 trở về trước khi mà đại dịch chưa thực sự bùng phát ở Châu Âu và Mỹ, trong khi hiện tại, Châu Âu và Mỹ đang trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, và được đánh giá là sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh trong GDP của quý 2.
Tuy nhiên, sự hồi phục bước đầu của Trung Quốc, cùng với việc Hàn Quốc đang dần kiểm soát tốt dịch bệnh lại là những tín hiệu tích cực ban đầu đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, ngày 20/03/2020, tập đoàn ngân hàng Deutsche Bank đưa ra dự báo: (i) Kịch bản cơ sở: Trung Quốc có thể đạt được tăng trưởng 1% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,1% trước khi có dịch. Các nước Mỹ, Nhật và EU được dự đoán là sẽ rơi vào suy thoái với tốc độ tăng trưởng lần lượt là -1%, - 2,7% và -3,5%. (ii) Kịch bản xấu: Trung Quốc sẽ đối mặt với tăng trưởng âm là -1% trong năm 2020. Các nước Mỹ, Nhật và EU sẽ thực sự lún sâu vào suy thoái với tốc độ tăng trưởng lần lượt là -3%, -3,6% và -5,5%.
Ngày 26/03/2020 tạp chí The Economist cũng đưa ra những dự báo rất bi quan về tăng trưởng tại các nước G20. GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 2,2%. Trong số 20 nền kinh tế lớn nhất, chỉ duy 3 nước được dự đoán là duy trì được tăng trưởng dương là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua rà soát tác động của đại dịch đến nền kinh tế cũng như phản ứng chính sách của các quốc gia, một số các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam được đúc kết lại như sau:
Ưu tiên cao nhất cho hoạt động chống dịch
|
COVID-19 khiến sản xuất và sinh hoạt của người dân bị đình trệ. Ảnh: Zing. |
Trong bối cảnh dịch COVID-19, mỗi đồng chi tiêu cho công tác chống dịch đều có thể mang lại ngoại ứng tích cực vô cùng lớn. Sự thành công trong kiểm soát dịch là điều kiện căn bản để hồi phục các hoạt động kinh tế. Nghiên cứu của Correria và cộng sự (2020) về tác động của dịch cúm 1918 cũng ủng hộ luận điểm trên, các địa phương phản ứng sớm và quyết liệt nhất trong việc chống dịch không chỉ giảm thiểu được những thiệt hại về người, mà còn tăng trưởng nhanh hơn trong giai đoạn hậu dịch.
Sử dụng nguồn lực tài khóa để trực tiếp ổn định đời sống của người dân
Tác động của dịch bệnh và các biện pháp chống dịch là sự đình trệ trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do vậy, một số quốc gia sử dụng hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền trong giai đoạn cao điểm chống dịch để giúp người dân đảm bảo những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì khả năng thanh toán, hỗ trợ trả lương cho người lao động trong khoảng thời gian ngưng việc cũng được nhiều nước áp dụng.
Các nước đang phát triển gặp phải nhiều giới hạn trong lựa chọn chính sách
Với quy mô kinh tế nhỏ và nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các quốc gia đang phát triển khó có thể triển khai sâu rộng chính sách hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Ngoài ra, những người lao động nằm ngoài vùng phủ của bảo hiểm thất nghiệp, vốn chiểm tỷ lệ lớn tại các quốc gia này, sẽ khó có thể nhận được sự hỗ trợ hiệu quả. Trong tình huống khẩn cấp, sự vận hành của các ngân hàng thực phẩm có thể xem là một giải pháp giảm nhẹ thích hợp.
Chính sách tiền tệ là công cụ hỗ trợ, ngăn ngừa đổ vỡ tài chính trong ngắn hạn
Chính sách tiền tệ với đặc điểm là có độ trễ lớn, do đó sẽ chỉ phát huy tác dụng kích thích kinh tế khi quốc gia bắt đầu kiểm soát được dịch, bắt đầu quá trình hồi phục. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay vai trò chủ yếu của chính sách tiền tệ là đảm bảo hệ thống tài chính vận hành thông suốt, duy trì khả năng thanh khoản của các tổ chức tài chính, hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
(Theo nguồn "Báo cáo tác động của COVID-19... - ĐH Kinh tế QD)
Hoàng Minh