Trong bối cảnh đó, các đơn vị bán lẻ trong nước và quốc tế đang có xu hướng chuyển vào các trung tâm thương mại (TTTM) được phát triển bài bản để đón đầu dòng khách “khổng lồ”, ổn định.
|
Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các thương hiệu quốc tế |
Các thương hiệu nắm bắt cơ hội gia nhập thị trường
Theo ghi nhận của Tổng Cục Thống kê, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước.
Quan sát của Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho thấy, thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp. Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Tính từ giai đoạn sau Covid-19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa được xem là một trong các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế đối với thị trường này”.
Cũng theo bà Minh, một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam là so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra dư địa phát triển lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.
Thị trường đồng thời ghi nhận sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với các hoạt động mở rộng và khai trương của hàng mới. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Vincom Retail – nhà phát triển bất động sản bán lẻ số 1 Việt Nam đã tiên phong đưa 11 thương hiệu quốc tế lớn lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam như: Lush, ADLV, Wulao… Trong năm 2024, hàng loạt thương hiệu quốc tế lớn như Macy's, Sephora, Cartier, Tiffany & Co.,… cũng dự kiến khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.
|
Vincom Retail tiên phong đưa 11 thương hiệu quốc tế lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2023 |
Một trong số những lý do thị trường thu hút các thương hiệu nổi tiếng phải kể tới số lượng người thuộc nhóm có thu nhập cao tại Việt Nam đã tăng thêm 70% trong 5 năm qua, dự báo tiếp tục tăng vọt trong 5 năm tới. Thêm vào đó, triển vọng doanh số của các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam đồng thời góp phần tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng và kéo các hãng mới mở về thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với các thương hiệu bán lẻ, đặc biệt bán lẻ cao cấp là về nguồn cung mặt bằng. Theo các chuyên gia, hiện nguồn cung đạt được yêu cầu của các nhãn hàng cao cấp của cả Hà Nội mới đang đạt 3.500 m2 sàn. Trong khi đó, nhu cầu mở rộng và mở mới của các thương hiệu cao cấp về Việt Nam ngày càng gia tăng. Số lượng các mặt hàng và nhãn hàng cao cấp tại Việt Nam vẫn là con số quá nhỏ nếu so với thị trường Bangkok, Singapore hay Indonesia trong khu vực. Việc thiếu nguồn cung dẫn đến cạnh tranh về giá và đẩy giá thuê mặt bằng tại một số khu vực lên cao.
Để giải quyết khó khăn này, các nhà phát triển bất động sản (BĐS) bán lẻ trong và ngoài nước đang không ngừng nỗ lực nhằm gia tăng nguồn cung mặt bằng bán lẻ cho thị trường. Theo đó, với 6 TTTM mới sẽ khai trương trong năm 2024, trong đó có hai đại dự án Vincom Mega Mall Grand Park tại TP HCM và Vincom Mega Mall Ocean Park 2 tại khu vực Hà Nội, Vincom Retail sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn m2 mặt bằng bán lẻ, giúp giải tỏa “cơn khát” nguồn cung mặt bằng của thị trường bán lẻ Việt Nam.
|
Vincom Retail dự kiến khai trương 6 TTTM mới trong năm 2024, cung cấp cho thị trường hàng trăm nghìn m2 mặt bằng bán lẻ |
TTTM trong cuộc đua thu hút nhãn hàng
Nói về TTTM trong cuộc đua thu hút nhãn hàng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho Thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, các đơn vị bán lẻ trong nước và nước ngoài đang có xu hướng chuyển vào các TTTM. Với lợi thế được phát triển bài bản, lưu lượng khách hàng dồi dào, ổn định, các TTTM đang làm ngày một tốt hơn bài toán xây dựng danh mục khách thuê, nâng cấp dịch vụ, tiện ích, hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ cho khách bán lẻ.
Các TTTM không chỉ hỗ trợ đắc lực cho các thương hiệu bán lẻ trong việc xây dựng danh mục khách thuê, nâng cấp dịch vụ, tiện ích mà còn thu hút khách hàng hiệu quả. Đơn cử với Vincom Retail, đơn vị này đã hợp tác, đồng hành cùng phát triển và cùng hành động với các đối tác trong các dự án lớn nhằm tối ưu hiệu quả cho cả hai bên bằng hình thức khuyến mại cho các chuyến đi tới các TTTM Vincom, hợp tác với các ngân hàng, tài trợ cho khách hàng qua hình thức voucher và tổ chức các sự kiện, chương trình marketing, kích cầu mua sắm độc đáo, sáng tạo để tăng lượng khách định danh mua sắm vào các gian hàng từ đó gia tăng doanh thu cho các nhãn hàng.
|
Các sự kiện, chương trình marketing, kích cầu mua sắm độc đáo, sáng tạo tại TTTM Vincom thu hút đông đảo khách hàng |
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức đáng kể là số lượng TTTM hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các thương hiệu quốc tế. Do đó, sự xuất hiện của các TTTM mới trong tương lai sẽ là yếu tố quyết định, không chỉ tạo ra không gian cho các thương hiệu mới mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh và đa dạng hóa trong thị trường bán lẻ. Thị trường Việt Nam với tiềm năng chưa được khai thác hết, chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho sự mở rộng của các thương hiệu quốc tế trong thời gian tới.
Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2024, bà Hoàng Nguyệt Minh nhận định: “Thị trường bán lẻ năm 2024 và 2025 sẽ ngày càng sôi động hơn, khi Việt Nam đang được đánh giá là thị trường trọng điểm trong Đông Nam Á để các đơn vị bán lẻ quốc tế mở rộng hoạt động, kéo theo nguồn cầu thị trường lớn. Thị trường cũng sẽ đón nhận nguồn cung mới chất lượng cao cho phân khúc TTTM tại Hà Nội trong 3 năm tới.”.
Với những ưu điểm vượt trội, các TTTM đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho các thương hiệu bán lẻ, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Nhờ vậy, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến đầy tiềm năng và là "miền đất hứa" cho các "ông lớn" bán lẻ quốc tế trong thời gian tới.