Ngày 10/5/2022, tại Hội thảo “Triển vọng và xu hướng ngành trang trí nội - ngoại thất tại thị trường EU" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt - Pháp (CCIFV) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu sau đại dịch Covid-19 đang rất rộng mở. EU được đánh giá là thị trường lớn thứ 13 của Việt Nam trong xuất nhập khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất nội - ngoại thất.
|
Thời điểm này sau đại dịch Covid-19 vẫn là một cơ hội cho mặt hàng đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội - ngoại thất của Việt Nam sang châu Âu. Ảnh minh họa |
Đây là khu vực phát triển năng động, sức tiêu thụ đồ nội thất của khu vực này chiếm khoảng 25% tổng tiêu thụ của toàn thế giới. Từ 2016 - 2019, nhập khẩu đồ gỗ, sản phẩm trang trí của châu Âu tăng từ 2,1 tỷ euro đến 2,5 tỷ euro.
Nhưng châu Âu là một thị trường vô cùng khắt khe. Do vậy, các nhà máy nếu muốn xuất khẩu được hàng sang châu Âu cần phải chú trọng đầu tư cho cơ sở sản xuất, cũng như nắm bắt các quy chuẩn để xuất được sang các nước EU. Bên cạnh đó, các nhà máy phải phát triển mẫu mã, đa dạng chất lượng sản phẩm… để chạy kịp theo xu hướng của châu Âu.
|
Xu hướng thời trang người tiêu dùng châu Âu luôn luôn thay đổi. Ảnh minh họa |
“Khác với thị trường Mỹ, xu hướng thời trang người tiêu dùng châu Âu luôn luôn thay đổi. Một mẫu mã mặt hàng tại thị trường EU rất ít khi kéo dài từ 2 - 3 năm. Thường mỗi mùa, châu Âu có từ 2 - 3 lần thay đổi mẫu sản phẩm. Trong khi tại thị trường Mỹ, một mẫu sản phẩm có đời sống lên tới 3 năm, 6 năm, thậm chí 10 năm”, bà Phạm Hồng Quang, Giám đốc Cty Viets Co. Ltd, chia sẻ.
Thị trường Châu Âu đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn đối với nơi sản xuất, môi trường sản xuất bao gồm trách nhiệm xã hội đối với người lao động; nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em, hay bóc lột lao động.
Một trong những điều quan trọng nữa là châu Âu đang nhắm tới là nguồn gốc xuất xứ của nguyên vật liệu rõ ràng, hợp lệ. Nghĩa là, Châu Âu nghiêm cấm sử dụng các vật liệu có nguy hại cho môi trường, khuyến khích sử dụng vật liệu tự nhiên, vật liệu xuất phát từ rừng trồng có chứng chỉ…
Bên cạnh các đòi hỏi khắt khe về các quy chuẩn, mẫu mã và chất lượng, khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với vấn đề vận chuyển (logistic) bằng container từ Việt Nam sang các nước cũng như thị trường châu Âu.
Giá cước tàu biển tăng từ 5 - 7 lần so với trước dịch Covid-19 trở thành bài toán khó với châu Âu. Xuất phát từ nhu cầu đó, các cơ sở sản xuất nên cải tiến trong sản phẩm để việc đóng gói cũng như thiết kế đem lại lợi ích tối đa cho khách hàng, tiết kiệm chi phí, giá thành sản phẩm giảm đi đáng kể.
Bà Phạm Hồng Quang đưa ra ví dụ trước đây, một container chỉ đóng được 2.000 sản phẩm. Bây giờ, nếu các nhà máy đầu tư, cải tiến thêm về thiết kế đa dạng, sản phẩm có thể xếp, có thể gấp, có thể lồng ghép… giúp cho 1 container có thể đi được 5.000 sản phẩm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Những câu chuyện thú vị xung quanh hạt gạo tại thị trường Châu Âu (Nguồn: VTV24)
An Quý