Thị trường hoa, quả Tết: Lo thất thu, khan hàng

Google News

Thời tiết mưa nắng thất thường đang khiến nhiều nhà vườn trồng hoa mai, cây kiểng, cây ăn quả… chuẩn bị cho thị trường hoa Tết tại các tỉnh miền Nam “đứng ngồi không yên”.

Cây mai dần mai một
Dù đã bước vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2016, nhưng tại TP Hồ Chí Minh, những cơn mưa nặng hạt vẫn đều đặn trút xuống mỗi ngày. Do ảnh hưởng của thời tiết, những vườn mai ở quận Thủ Đức, quận 12, quận 9… đã bung nụ, nở hoa đến khoảng 20 - 30% số lượng cây. Đây là nỗi lo lớn của những nhà vườn trồng mai, khi mà công sức cả năm chỉ chuẩn bị cho thị trường hoa Tết.
Ông Nguyễn Văn Huệ, chủ vườn mai Hai Còn (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cho biết, đã gần 20 năm gắn bó với nghề trồng mai Tết, trải qua không ít thăng trầm, nhiều thời điểm phải vay ngân hàng để đầu tư cho vườn mai, nhưng những năm gần đây, nghề trồng mai ngày càng khó. So với hơn chục năm về trước, thu nhập từ trồng mai ngày càng giảm. “Những năm gần đây khách hàng chủ yếu chọn hình thức thuê mai. Sau khi bày Tết, nhà vườn nhận lại mai chăm sóc, đến năm sau nếu không ưng cây mai cũ, khách có thể thoải mái lựa chọn những cây khác phù hợp với nhu cầu. Giá thuê mai cũng thấp hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 35 - 40% so với giá mua”, ông Huệ cho biết.
Thi truong hoa, qua Tet: Lo that thu, khan hang
 Nhiều nhà vườn trồng mai tại Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng khi mai bung nụ nở sớm trước Tết.
Không những thế, chi phí để có được cây mai bán Tết cũng tăng lên rất nhiều, tiền thuê thợ tạo dáng cho cây mai lên tới 350.000 đồng/ngày, như công thợ tỉa lá, chăm sóc cũng ở mức 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Chưa kể tới chi phí phân, thuốc, nước tưới, tiền thuê đất và công lao động để chăm sóc cho vườn mai. Ngoài ra, mỗi năm, ông Huệ cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tái đầu tư mua mai nguyên liệu, chậu trồng… Năm nay, mặc dù thời tiết thất thường, nhưng vườn mai của ông vẫn may mắn trúng mùa. Hiện ông có khoảng gần 1.000 gốc, trong đó toàn bộ đều là mai ghép nên có giá khá cao, dao động từ 3 - 50 triệu đồng/cây.
Tuy nhiên, ở mảnh đất Thủ Đức này, nơi một thời được mệnh danh là thủ phủ của cây mai, những vườn mai lớn như của gia đình ông Huệ chỉ còn lại trên đầu ngón tay. Sự thất thường của thời tiết cùng với các chi phí tăng cao và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, khiến cho các vườn mai ở Thủ Đức ngày càng thưa thớt. Nhiều gia đình chuyển sang trồng lại cây cảnh khác hoặc bán đất, chuyển sang kinh doanh, buôn bán… Năm nay, vườn mai của ông Năm Đông (phường Linh Đông, quận Thủ Đức), người cũng đã ngót nghét 30 năm trồng mai, cũng chỉ còn lại hơn trăm gốc. Ông cho biết, phần lớn diện tích vườn thường xuyên bị ngập do triều cường nên ông phải bán bớt mai để đổ đất nâng nền lên cao.
Nhiều trái cây mất mùa
Sau đợt hạn, mặn lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long, lại đến những cơn mưa liên tiếp kéo dài với cường độ cao đã ảnh hưởng nặng nề tới việc ra bông, đậu quả của các loại cây. Không ít nhà vườn lo nhiều diện tích cây ăn quả bị nhiễm sâu bệnh dẫn tới mất mùa, rụng quả non, quả cho chất lượng thấp hoặc chậm lớn.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết, Tết năm trước, 20 ha bưởi da xanh của HTX cho ra thị trường khoảng 100 tấn bưởi, nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 50 - 60 tấn. Không những vậy, quả bưởi cũng đa phần còi cọc và không đạt chất lượng cao như những năm trước. Ngoài ra, phần lớn diện tích bưởi hiện vẫn còn xanh, nhiều khả năng sẽ không chín kịp Tết. “Tết năm nay, HTX chỉ cung ứng ra thị trường khoảng trên dưới 10 tấn bưởi. Do tình trạng khan hàng nên giá bưởi đã tăng khá cao, hiện thương lái thu mua bưởi tại vườn với giá 52.000 đồng/kg đối với bưởi loại 1. Dự báo tới gần Tết, mức giá sẽ còn tăng mạnh hơn nữa”, ông Bảy cho biết.
Nhiều nông dân ở HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) cũng đang “ngồi trên đống lửa”, bởi phần lớn diện tích vú sữa khó có thể cho thu hoạch kịp vụ Tết. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Giám đốc HTX cho biết, sản lượng vú sữa cung ứng trong dịp Tết năm nay chỉ đạt khoảng 20 - 25 tấn, tương đương 1/3 sản lượng của các năm trước. Không những vậy, người trồng vú sữa hiện còn phải đối mặt với cảnh rớt giá khi mỗi kg vú sữa bán tại vườn hiện chỉ còn 30.000 - 45.000 đồng so với mức 60.000 - 65.000 đồng/kg trước đây.
Đáng buồn hơn là câu chuyện ở HTX xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) khi toàn bộ 60 ha diện tích xoài cát tại đây đều bị mất mùa. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX Hòa Lộc, cho biết những trận mưa lớn kéo dài thời gian qua rơi trúng vào thời điểm xoài ra bông đã khiến cây xoài không thể đậu trái. Theo đó, lượng xoài thu hoạch được năm nay chỉ đạt khoảng 1% so với các vụ trước. Thậm chí, toàn bộ lượng xoài này cũng đều có chất lượng kém do trái nhỏ, vỏ bị sần sùi, không đẹp mắt. Theo ông Nhơn, nếu xoài loại 1 có da trơn láng, trái to, nông dân có thể bán được với giá 60.000 đồng/kg, thì với chất lượng như năm nay, mức giá dự báo chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.
“Hiện các vườn đang tập trung chăm sóc cho số xoài dự kiến cung cấp vào dịp Tết. Song do những đợt mưa lớn liên tiếp, sau đó lại nắng dữ đã gây tình trạng cháy bông, tỷ lệ đậu trái thấp hoặc bị rụng trái non. Vì vậy, sản lượng năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 10% so với năm trước, tương ứng khoảng 100 tấn.
Xem clip Xót cảnh nông dân ngâm mình cứu hoa tết (Nguồn VTC):

Theo Hoàng Tuyết - Lê Nghĩa/ Báo tin tức