Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Cuộc chiến thị phần quyết liệt
Trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam, 3 thương hiệu dẫn đầu chuỗi nhà thuốc là những cái tên quen thuộc như Long Châu của FPT Retail, Pharmacity, hay An Khang của Thế Giới Di Động. Cuộc cạnh tranh của các thương hiệu đang ngày càng khốc liệt khi liên tục mở mới cửa hàng, phủ sóng khắp các khu vực đông dân cư và tiến ra khỏi hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM.
Báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Thế Giới Di Động cho thấy, tính đến cuối tháng 6, An Khang có tổng cộng 537 nhà thuốc trên toàn quốc. Con số này ít hơn đáng kể so với mốc 1.243 nhà thuốc mà chuỗi bán lẻ dược phẩm Long Châu có trên toàn quốc, tính tới ngày 30/6.
Thực tế, chiến lược của An Khang trong năm 2023 cơ bản không mở mới với số lượng lớn. Cụ thể, theo tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Thế Giới Di Động, định hướng của ban lãnh đạo doanh nghiệp này trong năm 2023 về chuỗi An Khang sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ lại những cửa hàng có lợi nhuận dương. Sự tập trung trong năm 2023 của Thế Giới Di Động với An Khang sẽ là tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành nhằm cải thiện hiệu quả và giảm lỗ.
Trong khi đó, Long Châu là chuỗi nhà thuốc duy nhất đi “ngược chiều gió” khi vẫn lạc quan với hoạt động kinh doanh của chuỗi nhà thuốc trong năm 2023 với hơn 1.000 cửa hàng hiện hữu. Tính đến cuối tháng 6/2023, hệ thống Long Châu đã nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên đến 1.243 nhà thuốc, mở mới 306 nhà thuốc so với đầu năm, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023. Với quy mô này, Long Châu đã theo sát Pharmacity và đi đầu các chuỗi dược phẩm hiện nay.
Với mục tiêu tiếp tục vươn xa và tăng nhận diện về độ phủ, FPT Retail cho biết, Long Châu dự kiến mở thêm 400 nhà thuốc trong năm 2023, qua đó nâng tổng số lượng nhà thuốc tại cuối năm 2023 dự kiến từ 1.400 - 1.500 nhà thuốc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu tập trung để khẳng định vị thế là nhà thuốc số một Việt Nam về thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn. Bên cạnh đó, Long Châu cũng sẽ đưa vào các dịch vụ cộng thêm, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm mới.
Trước đó, tính đến cuối quý I/2023, Long Châu có tổng cộng 1.056 nhà thuốc trên toàn quốc. Như vậy, chỉ trong 3 tháng quý II, Long Châu đã mở mới thêm 187 cửa hàng trên toàn quốc. Với tốc độ mở chuỗi mới như vậy, Long Châu có khả năng hoàn thành mục tiêu có tổng số lượng nhà thuốc từ 1.400 - 1.500 nhà thuốc vào cuối năm 2023.
|
Chuỗi nhà thuốc Trung Sơn nhiều khả năng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Pharmacity, Long Châu, An Khang. Ảnh: Internet. |
Đối thủ nặng ký?
Mới đây, Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) vừa thông báo đã ký thỏa thuận mua lại 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam.
Dongwha Pharm thành lập vào năm 1970, được biết đến là một công ty dược phẩm hàng đầu của Hàn Quốc. Công ty chuyên sản xuất và phân phối các loại thuốc và dược phẩm bao gồm thuốc điều trị hệ tiêu hóa, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tim mạch và chuyển hóa, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chữa bệnh hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chữa bệnh hệ thần kinh, thuốc chữa bệnh da liễu và thuốc chữa bệnh tiết niệu.
Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Dongwha Pharm cho biết đã chi gần 30 triệu USD (khoảng 705 tỷ đồng) để mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, tương đương hơn 12,15 triệu cổ phiếu. Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10/2023. Đây là bước đi giúp Dongwha Pharm thâm nhập thị trường Việt Nam với các loại thuốc không kê đơn.
Về phía Trung Sơn Pharma của Việt Nam, chuỗi nhà thuốc này hoạt động có thâm niên khi được thành lập vào năm 1997. Đến nay, Trung Sơn Pharma đang quản lý hơn 140 chuỗi cửa hàng dược phẩm, tập trung tại 9 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM. Quy mô này đã tăng mạnh mẽ từ mốc 23 cửa hàng vào năm 2018.
Theo ghi nhận trên website doanh nghiệp, Trung Sơn Pharma cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (H&B) với danh mục lên đến 2.750 sản phẩm. Ngoài ra, Trung Sơn Pharma còn sở hữu một thẩm mỹ viện Trung Sơn Cosmetic, một trung tâm mỹ phẩm và một trang thương mại điện tử TrungSonCare.com.
Hệ sinh thái Trung Sơn Pharma gồm một số pháp nhân chính, trong đó Công ty TNHH Trung Sơn Alpha được giới thiệu là đơn vị chủ quản của chuỗi nhà thuốc, Công ty CP TSCare được giới thiệu là đơn vị vận hành chuỗi nhà thuốc và Công ty CP TrungsonCare.
Theo tờ Business Korea, năm 2022 với 140 cửa hàng, Trung Sơn Pharma đạt khoảng 56,5 triệu USD doanh thu, tức hơn 1.340 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 46% kể từ 2019. Năm 2019 cũng là năm ngành dược sôi động, trong đó "chất xúc tác" là đại dịch Covid-19 đưa nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ, thuốc thang tăng cao.
Cùng năm 2022, chuỗi Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng doanh thu thuần, với 937 cửa hàng thuốc có doanh thu trên khắp cả nước và An Khang có doanh thu là 1.500 tỷ đồng với 500 nhà thuốc (số liệu tính đến hết năm 2022). Như vậy, trung bình mỗi cửa hàng Trung Sơn Pharma mang về hơn 9,6 tỷ đồng doanh thu, tương đương với Long Châu là 10,2 tỷ đồng và cao hơn An Khang (trung bình mỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài kiếm được 3 tỷ đồng/năm).
Thông qua hợp tác với Dongwha Pharm, Trung Sơn Pharma kỳ vọng có thêm động lực tăng trưởng mới, tăng cường hơn nữa sự hiện diện bán lẻ của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026, tức gấp 3 lần hiện tại và tiến vào thành phố lớn - nơi Pharmacity, Long Châu, An Khang... đang tranh nhau quyết liệt. Hiện, trong top 3 đường đua bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam chỉ có Long Châu của FPT Retail công bố có lãi.
Liên Hà Thái (tổng hợp)