Tại Hội nghị về công tác nông vận trong sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón ở nước ta hiện nay, ông Lê Quốc Phong – Chủ tịch Công ty CP Phân Bón Bình Điền 2 thẳng thắn chia sẻ: "Hiện nay trên cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép sản xuất phân bón (chưa kể doanh nghiệp kinh doanh phân bón), nhưng thực tế cho thấy một số lượng lớn doanh nghiệp chưa hội đủ các điều kiện như quy định".
"Điều này cho thấy việc cấp phép chưa được chặt chẽ, từ đó tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường không sòng phẳng và thiệt thòi thuộc về các công ty có quy mô lớn và làm ăn chân chính, những sản phẩm có bao bì làm cho nông dân nhầm lẫn đa số xuất phát từ các công ty này" - ông Lê Quốc Phong nói.
|
Cơ quan chức năng cần rà soát lại các đơn vị được cấp phép sản xuất kinh doanh phân bón và cương quyết rút giấy phép những đơn vị không đạt yêu cầu. Ảnh: IT |
Do vậy, ông Phong đề nghị cơ quan chức năng cần rà soát lại các đơn vị được cấp phép và cương quyết rút giấy phép những đơn vị không đạt yêu cầu. Đồng thời cần có các quy định đối với các nhà phân phối, đại lý một cách cụ thể để hạn chế việc đưa những sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng nhiều đại lý vì lợi nhuận nên họ vẫn cố tình bán cho nông dân.
Về nhãn mác bao bì phân bón, ông Phong cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước nên có những điều khoản cụ thể để qui định về nội dung in ấn trên bao bì cho chính xác (phần quy định phải thể hiện tính chuyên môn của phân bón) và phải có chế tài và hình phạt để không bị lạm dụng từ ngữ khiến người tiêu dùng hiểu sai bản chất và công dụng của loại phân chứa trong bao.
Mặc dù quản lý về bao bì đã giao cho Bộ Công Thương, nhưng bao bì của phân bón hiện nay đang có rất nhiều vấn đề gây tổn hại đến môi trường và quyền lợi của nông dân.
Ví dụ, có loại nhãn bao bì ghi rất giống phân DAP Philipine, DAP Pháp, siêu DAP, tổng hàm lượng ghi trên bao bì cao hơn tiêu chuẩn nhưng thực tế tổng hàm lượng thấp hơn rất nhiều, N chỉ đạt 12%, P2O5 chỉ đạt 22%, hữu cơ là 9,9% và các chất khác. Chính điều này đã làm cho nông dân bị nhầm lẫn và khi sử dụng phân bón không phát huy hiệu quả như mong muốn, đây được coi là gian lận thương mại cần được chấn chỉnh để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân.
Trước yêu cầu của cơ quan quản lý về phân bón phải khảo nghiệm trên diện rộng sau khi kết thúc khảo nghiệm trên diện hẹp, ông Phong cho rằng, theo kinh nghiệm cho thấy thời gian khảo nghiệm tối thiểu phải mất 2 năm, như vậy mất nhiều thời gian, công sức và khi có kết quả khảo nghiệm thì tình hình nhu cầu thực tế cấp bách đã thay đổi. Doanh nghiệp đề nghị nên cho tiến hành song song và kết quả khảo nghiệm được chấp nhận là đạt khi thỏa mãn các chỉ tiêu cả trên diện rộng và trên diện hẹp.
"Nên bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất phải có phòng phân tích đạt tiêu chuẩn, không nên thuê vì khi thuê dịch vụ bên ngoài sẽ chờ đợi kết quả một thời gian dài, khi đó có khả năng hàng hóa đã được đưa ra thị trường" - ông Lê Quốc Phong – Chủ tịch Công ty CP Phân Bón Bình Điền 2 cho biết thêm.
Theo An Nhiên/Danviet