Thiết kế nội thất cho nhà có trẻ em: Ưu tiên số 1 là an toàn

Google News

Với những gia đình có trẻ em, an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu khi thiết kế nội thất. Cùng với đó, màu sắc tổng thể, vật liệu và nguồn sáng cũng cần lưu tâm.

Trong thiết kế nội thất, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, người thiết kế cần quan tâm đến yếu tố phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ví dụ, kiến trúc sư sẽ đưa ra những gợi ý, lựa chọn cho ngôi nhà của người độc thân khác với ngôi nhà có đông người sinh sống.
Trong đó, thiết kế nội thất cho gia đình có em bé là một trong những thách thức không nhỏ với người làm kiến trúc. Bởi, kiến trúc sư vừa phải đáp ứng yếu tố thẩm mỹ, an toàn, vừa phải lồng ghép các chi tiết để tăng tính sáng tạo cho trẻ nhỏ.
Kiến trúc sư Hoàng Hiệp - người có nhiều năm kinh nghiệm trong thiết kế nội thất - chỉ ra những điểm cần đặc biệt lưu ý khi thiết kế nội thất cho gia đình có trẻ em.
Thiet ke noi that cho nha co tre em: Uu tien so 1 la an toan
Việc thiết kế nội thất cho gia đình có em bé cần đề cao sự an toàn (Ảnh minh họa: Pinterest). 
Nguyên tắc 1: Đề cao sự thoải mái, an toàn
Trẻ nhỏ có xu hướng thường xuyên vận động, khi ngồi, nằm dài, khi lại đứng và chạy nhảy, do vậy khi làm nội thất, bạn hãy đảm bảo lựa chọn các món đồ thoải mái, an toàn.
Với ghế ngồi, hãy lựa chọn sofa có đệm mút êm ái, độ cao vừa phải cho trẻ dễ leo trèo. Với phần đệm mút, bạn nên chọn loại vải dễ vệ sinh, lau chùi.
Với bàn ăn, bàn trà, bạn nên ưu tiên sử dụng bàn có góc cạnh được bo tròn để an toàn cho trẻ.
Nếu có thể, bạn hãy thiết kế riêng cho trẻ em ghế ngồi phù hợp với chiều cao của trẻ.
Nguyên tắc 2: Ưu tiên nội thất có ngăn chứa
Đặc điểm của gia đình có trẻ em là dễ bừa bộn do chủ nhà có xu hướng tích trữ nhiều sách, đồ chơi và các món đồ nhỏ. Do vậy, nếu không có phương pháp lưu trữ phù hợp, không gian sống sẽ trở nên lộn xộn.
Do đó, theo kiến trúc sư, chủ nhà nên ưu tiên thiết kế tủ sách, hộc bàn, ngăn kéo ghế hoặc treo thêm giá sách nổi gắn trên tường. Một vài thùng gỗ to để những món đồ nhỏ cũng là gợi ý hay ho.
Bên cạnh đó, bạn cũng hãy dạy con cách dọn dẹp sau khi sử dụng và thiết lập thói quen ngăn nắp trong từng việc nhỏ mỗi ngày.
Nguyên tắc 3: Lựa chọn vải phù hợp
Trẻ nhỏ rất tò mò. Chúng thường sờ, chạm vào mọi món đồ mà chúng thấy. Do vậy, với chi tiết rèm cửa, đệm mút, ga giường, vải bọc sofa... hãy ưu tiên chọn những loại vải không thấm hút, dễ lau chùi; nên tránh các loại vải mỏng manh hoặc dễ bị hư hỏng như lụa hoặc nhung.
Với những món đồ nội thất bằng nhựa, hãy lựa chọn loại nhựa an toàn với sức khỏe. Những món đồ nội thất có sử dụng sơn thì bạn hãy chọn lớp sơn mịn, không mùi, an toàn với trẻ.
Nguyên tắc 4: Ưu tiên màu sắc tươi sáng
Với những gia đình có trẻ nhỏ, việc sử dụng tông màu tươi sáng, đa dạng là lựa chọn tối ưu bởi nó giúp kích thích giác quan và tính sáng tạo của trẻ. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng. Màu sắc quá đậm nét và đa dạng có thể khiến trẻ bị kích thích quá mức và choáng ngợp.
Các màu trung tính như trắng, be và xám mang lại cảm giác êm dịu và tối giản giúp trẻ thư giãn thoải mái. Các tông màu nhẹ nhàng như xanh nhạt hoặc hồng cũng là gợi ý hay ho cho không gian của trẻ.
Bạn hãy cân nhắc lựa chọn màu sắc theo trường cảm xúc, ví dụ màu xanh lá cây mang lại cảm giác êm dịu, bình yên, màu vàng giúp kích thích tinh thần, nâng cao khả năng sáng tạo.
Thiet ke noi that cho nha co tre em: Uu tien so 1 la an toan-Hinh-2
Bạn nên ưu tiên nội thất có khả năng lưu trữ đồ đạc, đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Pinterest). 
Nguyên tắc 5: Tận dụng ánh sáng tự nhiên tối đa
Ánh sáng tự nhiên sẽ tạo ra khác biệt lớn, giúp không gian trở nên thoải mái và thân thiện với trẻ em hơn rất nhiều. Ánh sáng tự nhiên giúp cải thiện tâm trạng, nâng cao năng suất.
Ánh sáng tự nhiên cũng khiến không gian trở nên thoáng đãng hơn, điều này có ý nghĩa không nhỏ với những nơi có diện tích nhỏ hẹp. Để tăng ánh sáng tự nhiên, hãy lựa chọn rèm mỏng, màu sáng. Bạn có thể lắp thêm gương để tăng tính phản chiếu cho căn phòng.
Nếu ngôi nhà của bạn không có nhiều cửa sổ hoặc bị hạn chế ánh sáng tự nhiên, hãy cân nhắc sử dụng ánh sáng nhân tạo, chẳng hạn như đèn sàn hoặc đèn bàn, để tạo bầu không khí ấm áp.
Theo Trúc Ly/Dân trí