Do giá thịt đông lạnh nhập khẩu rẻ và dễ bảo quản, bà T, chủ quán cơm trên đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã thay thế tất cả món thịt gà trong thực đơn như đùi gà, cánh gà, gà kho... sang hàng nhập. "Quán chủ yếu bán cơm cho người lao động, sinh viên nên thấy thịt gà ngoại có giá rẻ, tôi đã chuyển sang sử dụng", bà nói.
Thực tế hiện nay, không chỉ bà T mà rất nhiều chủ các quán ăn, bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh... cũng chuyển hướng thay thế thịt gà công nghiệp bằng thịt gà nhập khẩu.
Gà nhập khẩu giá rẻ
Theo số liệu của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong năm 2020, ước tính Việt Nam đã nhập khoảng 180.000 tấn thịt gà và hơn 3,4 triệu con gia cầm giống các loại. Số lượng nhập nhiều, giá gà nhập khẩu lại rẻ.
Theo khảo sát, hiện nay thịt gà nhập khẩu chủ yếu đến từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil... Trong đó phần lớn xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc với sản phẩm là cánh gà, đùi gà góc tư, đùi tỏi gà.
Tại các siêu thị, thịt gà nhập khẩu đông lạnh đang được bán với giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại ở trong nước khoảng 30-40%. Tại siêu thị Big C Lê Trọng Tấn (Hà Nội), thịt gà trong nước chiếm tỷ lệ lớn trên các kệ hàng nhưng giá cao gần gấp đôi gà nhập ngoại.
|
Tại các siêu thị, thịt gà nhập khẩu đang được bán với giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại ở trong nước khoảng 30-40%. Ảnh: Thanh Thương. |
Cụ thể, chân gà CP bán với giá 46.500 đồng/kg, gà thả vườn 154.900 đồng/kg, gà ta 105.900 đồng/kg (khuyến mãi còn 85.900 đồng/kg). Còn giá gà Mỹ nhập khẩu lại rẻ hơn hẳn. Cụ thể, đùi gà đông lạnh xuất xứ Mỹ có giá 39.900 đồng/kg, gà nguyên con (không đầu, không cánh, không chân) giá chỉ 57.900 đồng/kg.
Vừa chọn mua 3 đùi gà đông lạnh, chị Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận xét: "Thịt gà đông lạnh rẻ, ăn ngon không khác gì so với gà công nghiệp trong nước".
Trên các trang mạng xã hội, gà nhập khẩu được rao bán tràn lan với mức giá thậm chí còn rẻ hơn ở siêu thị. Đơn cử, gà nhập nguyên con (không đầu, cánh, chân) nặng 1,3-1,6 kg chỉ dao động khoảng 30.000-40.000 đồng/kg; đùi gà Mỹ 20.000-23.000 đồng/kg, má đùi 17.00 đồng/kg, cánh gà 48.000 đồng/kg, gà xay 28.000 đồng/kg... "Nếu lấy số lượng đầu tấn giá sẽ rẻ hơn nữa", một đầu mối chuyên nhập khẩu thịt gà đông lạnh thông tin.
Người nuôi gà lỗ nặng
Trong khi thịt gà nhập khẩu giá rẻ về ngày một nhiều, ngành chăn nuôi gà trong nước đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nuôi gà 2 năm nay, chưa bao giờ chị Thảo Nguyên ở Tây Ninh lại gặp tình cảnh bán cũng không được mà để nuôi cũng không xong. "Bán thì lỗ mà để nuôi thì tiền thức ăn đang tăng", chị nói.
Theo chị, giá gà thu mua già thịt đang xuống còn 35.000-45.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. "Thời điểm tháng 4-5 giá còn xuống thấp hơn nữa. Năm nay là năm lỗ nặng của người chăn nuôi gà như chúng tôi", chị than thở.
|
Đùi gà nhập khẩu đang được rao bán giá 20.000-25.000 đồng/kg tràn lan trên chợ mạng. Ảnh: Diễm Hương. |
Theo chị, giá gà xuống thấp do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, nhiều người dân ồ ạt chuyển sang nuôi gà khiến nguồn cung tăng mạnh. Trong khi đó, gà nhập khẩu về Việt Nam với giá rất rẻ, số lượng lớn lại càng khiến gà trong nước không thể cạnh tranh nổi. "Hy vọng đến dịp lễ, tết cuối năm, giá gà sẽ nhích lên khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh”, chị Nguyên chia sẻ.
Tương tự, mấy tháng nay, anh Long, một người chăn nuôi gà ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thấp thỏm lo âu vì sắp Tết giá gà vẫn đang ở mức thấp. "Mấy ngày nay giá gà có tăng nhẹ những vẫn ở mức rất thấp, bán ra chỉ lỗ hoặc hoà vốn", anh nói.
Theo Cục chăn nuôi, giá gà công nghiêp trắng có thời điểm trong tháng 3-4/2020 chỉ dao động từ 22.000-24.000 đồng/kg, đến khoảng tháng 6-7/2020 tăng lên mức 33.000-36.000 đồng/kg sau đó theo xu hướng giảm. Cuối năm 2020, giá bình quân cả nước đang dao động 25.000-31.000 đồng/kg; giá gà thịt lông màu cũng biến động theo thị trường, bình quân dao động trong khoảng 30.000-40.000 đồng/kg.
Theo một số người kinh doanh, gà thải loại nhập khẩu mang lại lợi nhuận gấp 3-4 lần nên được nhập về ồ ạt. Trong khi đó, người chăn nuôi trong nước đang ngày càng khó khăn vì thua lỗ, cạn vốn và chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước lẫn nước ngoài.
Thực hiện EVFTA, CPTPP: Sức ép lớn lên ngành chăn nuôi
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho biết chưa bao giờ ngành chăn nuôi gia cầm lại gặp khó khăn và nhiều biến động như hiện nay. "Năm 2020, ngành gia cầm tăng trưởng khá, ước tính 18-20% nhưng giá thịt gà và một số thịt gia cầm khác lại rất thấp", ông cho biết
Theo ông, năm 2020 giá thịt gà xuống thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp cũng chuyển sang chăn nuôi gà khiến các nguồn cung trong nước tăng nhanh.
Bên cạnh đó, số lượng thịt gà nhập khẩu về Việt Nam đang ở mức cao, giá nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với giá bán trong nước, khiến nguồn cung thịt gà vượt tổng cầu. "Điều đó dẫn đến giá sản phầm gia cầm trong năm 2020 luôn ở mức thấp, có thời điểm xuống dưới giá thành", ông đánh giá.
Hơn nữa, ông Sơn thông tin gà thải loại của Trung Quốc cũng ồ ạt tràn vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc theo đường tiểu ngạch cũng tác động tới thị trường trong nước.
|
Năm 2020 giá thịt gà và một số thịt gia cầm khác xuống mức rất thấp. Ảnh: T.T. |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, ngành chăn nuôi gia cầm được đánh giá là bị tác động lớn nhất. Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập 13 Hiệp định thương mại, trong đó có 2 Hiệp định ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi là Hiệp định EVFTA và CPTPP.
"Theo đó, lộ trình thuế nhập khẩu thịt ga cầm sẽ càng ngày càng giảm dần và xuống 0% sau 7-10 năm nữa vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ gia cầm trong nước. Ngành chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu giá rẻ nhiều nhất", ông đánh giá.
Trước tình hình đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Việt Nam phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm thịt trong nước mới có cơ hội cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường giết mổ, chế biến và chế biến sâu để có thể thay thế những sản phẩm nhập khẩu.
"Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có các hàng rào kỹ thuật để đưa ra các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi mà Việt Nam đã mở cánh cửa nhập khẩu, đồng nghĩa với không còn có hàng rào thuế quan thì việc tạo hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất gia cầm trong nước là điều rất cần thiết", ông nhấn mạnh.
Theo Zing