Thị trường tiềm năng của ngành thực phẩm
Thịt chay (thịt thực vật) với các thành phần gồm nước, protein đậu, dầu canola ép, dầu dừa tinh chế, protein gạo và các hương liệu tự nhiên khác. Đặc biệt mùi vị và vẻ ngoài của chúng rất giống thịt động vật.
Mùi vị và vẻ ngoài của thịt thực vật rất giống thịt động vật
Trên thế giới thịt thực vật ngày càng được lựa chọn nhiều hơn bởi những người ăn chay trường, những người ăn vì bảo vệ môi trường, những người ăn vì sức khỏe. Bởi theo một nghiên cứu, một bánh kẹp thịt thực vật tạo ra lượng khí thải nhà kính ít hơn 90%, giảm 99% tác động tới việc khan hiếm nước và giảm 93% tác động xấu tới đất so với thịt bò thông thường.
Theo USA Today, cuộc cách mạng không thịt ngày càng lan rộng. Hai cái tên lớn đang chạy đua cung cấp loại thực phẩm này hiện phải kể đến là Beyond Meat và Impossible Foods.
Impossible Foods, do Pat Brown điều hành, là một trong những công ty đầu tiên tung ra thị trường sản phẩm thịt từ thực vật. Mục tiêu của Impossible Food là thay thế nhu cầu cho động vật trong chuỗi thức ăn và mang lại sự bền vững cho hệ thống thực phẩm toàn cầu. Công ty này cho biết, việc tạo ra các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật sẽ có ảnh hưởng ít hơn đối với môi trường.
Qua quá trình nghiên cứu, họ phát hiện ra một loại phân tử - được gọi là heme - có nhiều trong cả động vật lẫn thực vật. Phân tử này có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong cơ thể và có sắc tố đỏ. Bằng việc tăng cường phân tử heme trong thực vật, các nhà nghiên cứu đã tạo ra được một sản phẩm có vẻ ngoài và hương vị giống hệt như thịt.
Theo trang web của Impossible Foods, so với một miếng thịt bò thông thường, việc sản xuất một chiếc burger với nhân làm từ thực vật của công ty giúp tiết kiệm được gần 7m2 đất, một nửa bồn nước tắm và giảm được lượng khí thải tương đương 30km di chuyển của một chiếc ôtô.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có tiêu chuẩn công nghiệp thống nhất cho loại thịt thực vật này.
"Phải làm sao cho giá cả, chủng loại đa dạng hơn cũng như cách nấu sao cho thịt thực vật giống như thịt thật hơn", bà Gong Meng Han - nhà phân tích dữ liệu cao cấp, Công ty CBN Data, Trung Quốc nói.
Thịt thực vật ngày càng được lựa chọn bởi những người ăn chay trường
Giám đốc điều hành Impossible Food, Pat Brown nói: “Trong 1-2 năm tới, công ty sẽ nỗ lực nhiều hơn để mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là ở châu Á, nơi thịt heo là sản phẩm chiếm ưu thế”.
Ethan Brown, Giám đốc điều hành của Công ty Beyond Meat: “Giống như các công ty khác, chúng tôi tin rằng châu Á là một thị trường vô cùng hấp dẫn. Cơ hội sản xuất và kinh doanh bánh bao nhân thịt heo ở châu Á là rất đáng chú trọng, khiến chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội này”.
Người tiêu dùng có hào hứng?
Tại Mỹ, bánh burger kẹp thịt làm từ thực vật là món ăn mới đang được giới thiệu tại một cửa hàng TGI Fridays ở Moscow. Đây là sản phẩm hợp tác giữa chuỗi nhà hàng TGI Fridays và công ty chuyên cung cấp các giải pháp thay thế thịt Beyond Meat của Mỹ. Những miếng thịt bò chay được làm hoàn toàn từ protein đậu Hà Lan. Sau đó, chúng được chế biến và nướng trong nhà bếp tương tự như miếng thịt động vật. Loại thực phẩm này có giá đắt hơn một chiếc burger thông thường.
Bánh burger kẹp thịt làm từ thực vật hiện có giá đắt hơn một chiếc burger thông thường
Tương tự, tại Nga, mặc dù người Nga rất chuộng thịt, bằng chứng là họ tiêu thụ tới 11 triệu tấn thịt mỗi năm, nhưng những sản phẩm thịt từ thực vật đang dần được thực khách Nga yêu thích hơn với lý do không chỉ vì mùi vị hấp dẫn không kém gì thịt động vật. Công ty Beyond Meat cho biết, bằng cách chuyển từ thịt động vật sang thịt từ thực vật, chúng ta có thể cải thiện 4 yếu tố gồm: sức khỏe con người, biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ động vật.
Tại Trung Quốc, nhiều sản phẩm thịt thực vật giống có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị và quán ăn
Tại Trung Quốc, loại thịt này cũng ngày càng có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị và quán ăn.
Mới đây, nhà sản xuất Beyond Meat (Mỹ) vừa thâm nhập vào chuỗi siêu thị Trung Quốc với nhiều sản phẩm thịt thực vật giống như thịt heo, thịt bò. Các sản phẩm của công ty đã lên kệ các cửa hàng bán lẻ của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Tại Thái Lan, đầu bếp Songpol làm việc tại một khách sạn ở Bangkok khẳng định: dù là món ăn thuần chay, nó vẫn mang hương vị giống hệt món mặn.
"Nó có kết cấu, hương vị của thịt lợn. Bí quyết nằm ở kỹ thuật chế biến", anh nói trong căn bếp. Tuy nhiên, thay đổi khẩu vị và thói quen ẩm thực của người châu Á "vô cùng khó khăn", Yeung thừa nhận.
Đầu bếp Thái Lan nhận xét "dù là món ăn thuần chay, nó vẫn mang hương vị giống hệt món mặn"
Tại thị trường Việt Nam thì sao? Trao đổi với báo chí – ông Nguyễn Thanh, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm lớn tại miền Đông Nam Bộ cho biết, tại Việt Nam, xu hướng ăn thịt từ thực vật sẽ chưa phổ biến. Bởi nhiều lý do: Thứ nhất, tỉ lệ thấp còi tại Việt Nam còn lớn, tỉ lệ suy dinh dưỡng cao. Thứ hai, ngành công nghiệp chế biến “thịt chay” chưa phát triển nên giá thành thịt từ thực vật còn cao. Thứ ba, là về mặt tâm lý, phần lớn người Việt Nam e ngại với những sản phẩm được gắn thêm từ “nhân tạo”. Chính những yếu tố cơ bản trên kết hợp lại sẽ khiến thịt từ thực vật khó cạnh tranh với thịt động vật tại Việt Nam.
“Trừ khi biến đổi khí hậu và dịch bệnh làm cho chúng ta không đủ thịt động vật để ăn, còn nói chung người Việt Nam không quen với những gì trái tự nhiên. Hơn nữa, thưởng thức thịt quả thật là thú vui, không chỉ đơn thuần ăn để giảm đói và cung cấp dinh dưỡng”- ông Nguyễn Thanh nói.
Còn theo bà Trịnh Thị Hảo (Nguyễn Tuân, Hà Nội), cho biết: Người Việt Nam đa số có trọng lượng cơ thể bình thường, ít người bị thừa cân nên không cần kiêng khem. Hơn nữa, thịt thực vật dù có làm khéo đến đâu cũng không thể có hương vị thơm ngon tự nhiên như thịt động vật, nên chắc chắn nhiều người không thích vì không quen.
“Cá nhân tôi sẽ không ăn thịt từ thực vật, vì tôi nghĩ không thể thơm ngon quyến rũ như miếng thịt từ các động vật tự nhiên. Hơn nữa, để bảo vệ môi trường, ta có nhiều cách để làm chứ không nhất thiết phải nhịn thịt" – bà Hảo cho hay.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thiếu hụt nguồn cung thịt lợn như hiện nay trong khi dân số thế giới liên tục tăng, ước tính, con người sẽ cần thêm 50-70% thực phẩm vào năm 2050… thì thịt thực vật có thể là giải pháp “hữu ích” trong tương lai.
Có thể nói, song song với việc bảo vệ môi trường, xu hướng ăn chay và giảm tiêu thụ thịt động vật chính là một giải pháp hoàn hảo cho tất cả những vấn đề kể trên.
Theo Quỳnh Chi/Dân Việt