Đó là những lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Sáng (Đà Lạt) khi nói về cây hoa lavender hay còn gọi là hoa oải hương trong nông trại của mình. Anh cho biết loại hoa này rất đắt khách, dù là hoa tươi – khô đến các sản phẩm làm từ lavender luôn được lòng khách hàng.
Cách đây gần chục năm, anh chỉ là một người bán cây cảnh. Anh được một người bạn đi nước ngoài về tặng cho cây lavender để đem về trồng chơi. Càng trồng, anh lại càng thấy “yêu” hoa này hơn. “Mùi hương và vẻ đẹp của nó khiến mình muốn trồng thật nhiều để tận hưởng cuộc sống”, anh cho hay.
Sau đó, anh quyết định nhập cây lavender của nước ngoài về trồng. Nhưng thời điểm đó, giá cây này quá cao nên anh chỉ mua 3 cây với giá hơn chục triệu đồng. “Cây lại khó sống mà bản thân lại chưa có kinh nghiệm nên sau thời gian ngắn, lavender chết hết. Tôi tiếc lắm, không biết làm thế nào”, anh nói.
Sau nhiều lần trồng thất bại, anh vẫn quyết tâm đầu tư trồng lavender.
Nhưng tình yêu với cây quá lớn, anh lại tiếp tục tìm hiểu và mua hạt giống lavender của các trại giống trong nước về trồng. Ban đầu, anh trồng chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân. Sau đó, các công ty dược, mỹ phẩm… liên hệ đến anh và muốn đầu tư, hợp tác làm các sản phẩm từ loại hoa này. Anh bắt đầu mở rộng và đến giờ nông trại của anh trồng hơn 5 ha cây lavender.
“Cây hoa oải hương đến với mình như một cái duyên vậy. Đến giờ, tôi càng đầu tư cho nó nhiều hơn và phát triển các dòng sản phẩm khác từ loại hoa này: trà hoa oải hương, tinh dầu, hoa tươi, hoa khô, túi thơm…”, anh chia sẻ.
Theo anh, cây lavender trồng rất khó, mới tập trồng sẽ dễ bị chết. Anh cho biết một cây phải thuần hóa mất khoảng 2-3 năm để chúng phù hợp với khí hậu nước ta và ra hoa. Còn chưa thuần hóa được, loại cây này sẽ không cho ra hoa. Đặc biệt, lavender lại có nhiều giống khác nhau nên mỗi loại sẽ có khó khăn riêng.
Sau khi thuần hóa, các cây này giúp anh có thu nhập đều tay, cứ 2-3 tháng cây lại ra hoa bất kể trời nắng hay mưa. Vì thế, anh có nguồn hoa lavender dồi dào để cung cấp cho thị trường.
Anh nói tiếp: “Mục đích của tôi là lấy hoa nên cứ cắt suốt mà càng cắt cây lại ra càng nhiều hoa. Số lượng hoa thu hoạch được ngày một nhiều lên, tôi phải thuê 6 người để chăm sóc và cắt hoa đem bán”.
Mỗi ngày, anh Sáng bán được hàng trăm bó hoa lavender tươi - khô cho khách hàng.
Sau khi cắt xong, anh về chia ra để bán thành nhiều loại khác nhau. Loại hoa tươi anh sẽ bán sỉ hoặc lẻ cho khách đến mua với giá 180 – 250 nghìn đồng/bó 100 cành. Một phần anh để làm hoa khô và các sản phẩm khác từ hoa. Phần lớn anh sẽ để nấu tinh dầu lavender.
Anh cho biết mỗi ngày anh bán hàng trăm bó hoa oải hương tươi – khô. Tính ra, mỗi ngày anh thu về vài triệu đồng.
Theo anh, tất cả bộ phận của cây lavender đều bán được. Lá của cây có thể nấu lên để làm các sản phẩm chăm sóc da, làm mặt nạ; rễ mùi thơm dễ chịu có thể phơi khô để bán cho mọi người về gối đầu. Tuy nhiên, anh không bán rễ, khách hàng có đặt mua giá cao anh cũng không bán. Vì khi lấy rễ, cây có thể chết, ảnh hưởng tới số lượng hoa.
Khi nhắc về thu nhập, anh nói: “Số tiền thu về không thể đếm được vì số lượng nhiều và bán nhiều sản phẩm khác nhau. Tôi cũng không tính toán kỹ lưỡng nên không thể biết con số chính xác là bao nhiêu”.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng hoa oải hương, anh Sáng cho biết điều quan trọng nhất khi trồng cây này là phải “hiểu” được nó. Tức là, người trồng phải biết loại cây này không ưa nhiều nước nên phải ươm giống vào mùa khô. Khâu tưới nước và bón phân, cắt tỉa phải biết cách sao cho phù hợp. Đặc biệt, hoa lavender cần phải chú ý thường xuyên để thu hoạch đúng thời điểm để đạt chất lượng cao nhất.
Theo Anh Thư/ Danviet