Chủ đầu tư kinh doanh sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (BĐS Phát Đạt) có doanh thu thuần đạt 162 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý I đạt 52,6 tỷ đồng, cao gấp 2,35 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp của BĐS Phát Đạt trong quý I chưa tới 1 tỷ đồng; các chi phí tài chính và chi phí bán hàng trong quý tiết giảm đáng kể, lần lượt giảm 32% và 14% so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân giúp lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng.
|
Quý 1/2024, lợi nhuận sau thuế của BĐS Phát Đạt ghi nhận tăng trưởng |
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của BĐS Phát Đạt đạt 21.428 tỷ đồng, giảm 1,7% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản, lên tới 57%, đạt 12.301 tỷ đồng.
Về nợ phải trả, đến cuối quý 1/2024, nợ phải trả công ty tăng nhẹ lên gần 11.800 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ vay khoảng 3.542 tỷ đồng. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn là 1.265 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 2.276 tỷ đồng.
Bên cạnh vay ngân hàng, BĐS Phát Đạt còn có các khoản vay mới tại CTCP Đầu tư Tài chính Việt Long là 60 tỷ đồng với lãi suất 11%/năm, tài sản bảo đảm là 6 triệu cổ phiếu PDR; khoản vay 353 tỷ đồng ở CTCP Đầu tư và Quản lý Khách sạn AKYN với lãi suất 12%/năm, tài sản bảo đảm là quyền sở hữu toàn bộ cổ phần tại CTCP Bất động sản Commonwealth Properties.
Cũng tại BCTC hợp nhất quý 1/2024, BĐS Phát Đạt đã hạch toán 77,1 tỷ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Dự án chậm triển khai
Đi vào hoạt động từ năm 1985, qua nhiều lần sửa chữa nhưng Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (tại số 8 Võ Văn Tần, Quận 3, TP. HCM) đã xuống cấp. Do đó năm 2008, UBND TP. HCM đã có chủ trương xây mới nhà thi đấu này, BĐS Phát Đạt được chỉ định là chủ đầu tư theo hình thức BT (chủ đầu tư dự án sẽ thực hiện dự án và Nhà nước sẽ thanh toán lại cho chủ đầu tư bằng đất có giá trị tương đương với chi phí thực hiện dự án).
|
Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nhìn từ trên cao |
Ban đầu, dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) có mức đầu tư là 988 tỷ đồng, với thiết kế 7 tầng nổi và 3 tầng hầm, xây dựng trên khu đất hơn 14.400 m2, trong đó diện tích xây dựng là hơn 7.100 m2. Theo hợp đồng, thành phố thanh toán khu đất khu đất 257 Trần Hưng Đạo ở trung tâm quận 1 cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên năm 2013, công trình đội giá lên hơn 1.352 tỷ đồng. UBND TP. HCM xin bổ sung thêm khu đất tại 3-3 bis Phan Văn Đạt ở quận 1 để thanh toán cho nhà đầu tư.
Đến năm 2016, vốn đầu tư khả thi của dự án lên tới hơn 1.953 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với ban đầu. Thành phố tiếp tục xin bổ sung thêm khu đất 3 ha ở khu trường đua Phú Thọ để thanh toán hợp đồng.
Năm 2017, dự án đã tiến hành thi công cọc thử và thử tĩnh cọc để có biện pháp thi công hiệu quả nhất. Tuy nhiên, dù có chủ trương từ năm 2008, nhưng hợp đồng chính thức vẫn chưa được ký kết, do đó phía BĐS Phát Đạt chưa triển khai dự án. Dự án "đứng hình" từ đó đến nay.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, cùng với việc dừng dự án theo phương thức BT, các sở ngành liên quan xem xét cơ sở pháp lý, rà soát công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định chi phí để đàm phán, xử lý dứt điểm theo nguyên tắc hợp lý, hài hòa.
Chủ trương đầu tư mới dự án theo phương thức đầu tư công, thành phố dự kiến sẽ trình HĐND TP. HCM vào kỳ họp tháng 7, nguồn vốn được bố trí trong giai đoạn 2021 -2025. Thành phố phấn đấu khởi công trước ngày 30/4/2025.
Minh Châu (t/h)