Xã Hỏa Tiến TP Vị Thanh (Hậu Giang) từ lâu được mệnh danh là thủ phủ của khóm Cầu Đúc với chất lượng vượt trội so với các vùng khác ở miền Tây.
Ngoài ra, khóm Cầu Đúc được trồng nhiều ở một số xã của TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ (Hậu Giang), tạo nên những cánh đồng khóm rộng lớn nối tiếp nhau.
Theo Sở NN và PTNT Hậu Giang, diện tích khóm của tỉnh hiện nay đạt khoảng 3.000ha, tập trung nhiều tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ.
Riêng tại Vị Thanh, diện tích trồng khóm đã đạt 2.800ha, cao nhất trong toàn tỉnh. Thành phố này đã thành lập được 3 hợp tác xã trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm.
Giá khóm hiện nay đang giảm khá mạnh so với vài tháng trước. Tuy nhiên người dân Hậu Giang vẫn duy trì sản xuất, thu hoạch đều đặn để cung ứng loài trái cây này ra thị trường. Khóm loại 1 có giá khoảng 7.000 đồng/trái, sau khi trừ chi phí thì cứ 1ha sẽ thu lãi trên dưới 60 triệu đồng.
Nét riêng của khóm Cầu Đúc là cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hốc mắt hơi sâu, có mùi vị thơm ngọt đặc trưng. Trọng lượng trung bình từ 1,5 - 2kg/trái.
Khóm là một trong loại nông sản chủ lực trong chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, tỉnh nỗ lực đạt diện tích trồng 3.500ha, sản lượng 45.000 tấn/năm. Loại trái cây này giờ không chỉ để bán tươi mà còn là nguyên liệu chính để người dân địa phương sản xuất các loại bánh, mứt, kẹo… thơm ngon, được người dùng ưa thích.
Phút nghỉ ngơi của nông dân Hậu Giang trên cánh đồng khóm.
Khóm Cầu Đúc tại Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Tỉnh cũng đã đầu tư nguồn giống, hỗ trợ vốn để người dân xây dựng các mô hình trồng theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo Hoàng Giám - Lý Anh Lam/Vietnamnet