Sống tại Lĩnh Nam, Hà Nội, vợ chồng anh Thành, chị An từ ngày cưới nhau đến giờ đều luôn giữ mức chi tiêu gia đình ở con số 3,8 triệu đến 4 triệu đồng.
Chỉ riêng tháng Tết Nguyên Đán thì chi tiêu gia đình mới dâng lên gấp đôi. Còn những tháng bình thường, dù là nhà có hiếu hỉ nhiều, anh chị cũng không bao giờ dám tiêu lạm vào số tiền tiết kiệm còn lại.
Gia đình nhà anh chị Thành – An hiện có 4 người. Đó là vợ chồng chị, con trai 3 tuổi và mẹ chồng 60 tuổi. Chị An là giáo viên hợp đồng dạy môn thể dục một trường tiểu học ở Lĩnh Nam. Lương giáo viên của chị chỉ 4,5 triệu đồng/tháng.
Còn chồng chị là công nhân một nhà máy nhựa, thu nhập được 5,5 triệu đồng. Tuy vậy mỗi tháng, anh chỉ đưa cho chị 3,8 triệu đồng. Số tiền ít ỏi còn lại anh giữ để chi tiêu cá nhân và xăng xe, điện thoại, tiền điện cho 2 vợ chồng.
Vậy là tổng thu nhập của gia đình chị là 10 triệu đồng. Trừ đi số tiền chồng giữ lại hàng tháng thì chị còn 8,3 triệu đồng/tháng để chi tiêu bao gồm cả tiền trả lãi ngân hàng 4,3 triệu đồng/tháng.
|
Căn nhà nhỏ nhà vợ chồng anh Thành - An. |
"Tổng cộng mỗi tháng mình có khoảng 8,3 triệu đồng để chi tiêu. Trong đó, mình phải để dành một khoản để trả nợ ngân hàng tiền thế chấp mua một mảnh đất thổ cư 2 năm nay với số tiền 4,3 triệu đồng/tháng. Do đó, cả gia đình 4 người nhà mình chỉ có 3,8 triệu để chi tiêu trong tháng", chị An chia sẻ.
Theo chị An chia sẻ, với số tiền 3,8 triệu đồng/tháng này, tháng nào chị cũng phải hết sức chắt bóp từng khoản chi tiêu sao hợp lý và chi đủ. Cụ thể, mỗi tháng lấy lương về chị An sẽ để riêng từng khoản tiền sau ra những phong bì khác nhau. Người vợ trẻ 30 tuổi này sẽ làm như sau:
Tiền thức ăn: 2.700.000 đồng/tháng
Vì nhà chị An gần chợ đầu mối nên mỗi tuần chị An sẽ đi chợ đầu mối mua thức ăn theo tuần. Mỗi tuần chị mang khoảng 650 ngàn đồng đi mua thức ăn.
"Mình sẽ mua vài loại rau củ theo mùa như rau rền, rau muống, rau mùng tơi, khoai tây, bí đỏ về để ăn cả tuần. Còn thịt thì sẽ mua thịt lợn, thịt gà, ngan, vịt, trứng, thịt bò. Mình cũng mua đan xen ít ngao, hến, tôm, cua, cá chép về để sơ chế sẵn sau ăn chỉ việc mang ra nấu canh, hấp hoặc rán", chị An chia sẻ.
|
Trứng là thực phẩm mà chị An luôn mua về. |
Để đa dạng món ăn gia đình, chị An cũng thường mua cà hoặc mua dưa về nhà tự muối ăn. Do đó, bữa ăn nào ở nhà chị An cũng có 3 món song giá tiền chỉ hết khoảng vài chục ngàn đồng/bữa.
"Tính ra một ngày 3 bữa mình chỉ tiêu khoảng 90 ngàn đồng/ngày. Bữa sáng thì mình tự nấu ở nhà như mì chũ, mì tôm, miến hoặc cơm rang. Bữa trưa vợ chồng mình ăn tại chỗ làm. Ở nhà chỉ có 2 bà cháu ăn cơm nên cũng ăn đơn giản. Bữa tối là bữa ăn chính ở nhà mình", chị An nhẩm tính.
|
Chị An đi chợ theo tuần, lại mua ở chợ đầu mối nên thực phẩm khá rẻ, mâm cơm cũng vì thế mà đa dạng. |
Tiền gas: 200.000 đồng/tháng
Thông thường 2 tháng, nhà chị An mới phải đổi một bình gas khoảng 400 ngàn đồng. Vì thế mỗi tháng tính ra tiền gas, chị An tốn khoảng 200 ngàn đồng.
Tiền dầu ăn, bột giặt, gia vị: 200.000 đồng/tháng
Không phải tháng nào dầu ăn, bột giặt, gia vị cũng tiêu hết chừng này nhưng chị An cũng áng chừng chi tiêu cho khoản lặt vặt đó hết khoảng 200 ngàn đồng.
|
Mâm cơm khéo co nhà chị An. |
Tiền hiếu hỉ: 700.000 đồng/tháng
Do họ hàng, người thân đều ở gần nhà nên hàng tháng vợ chồng chị An cũng tốn kha khá tiền cho khoản tiền hiếu hỉ, ma chay, sinh nhật.
Như vậy tổng chi phí mỗi tháng tính sơ sơ của nhà chị An cũng hết 3,8 triệu đồng. Số tiền này chưa tính tiền xăng xe, thẻ điện thoại, tiền điện. Bởi các khoản này chồng chị An sẽ đảm nhiệm lo chi trả. Thậm chí con muốn ăn quà vặt, chồng chị cũng phải cho tiền.
"Cũng may mắn là con mình hơn 2 tuổi nhưng ăn uống rất tốt. Vì thế con ăn cùng bố mẹ luôn. Con cũng không thích uống sữa, chỉ thích ăn hoa quả, bánh kẹo nên cũng đỡ được 1 khoản chi tiêu cho con. Có lẽ con cũng thương bố mẹ nghèo", chị An cười nói.
Theo kinh nghiệm của bà mẹ trẻ này, sau khi trích đủ các khoản tiền chi tiêu cứng hàng tháng, nếu có chi phí nào phát sinh trong tháng thì vợ chồng chị đành phải vay mượn thêm của đồng nghiệp hay chị em trong nhà. Tuyệt đối chị không bao giờ được tiêu lạm vào khoản tiền trả ngân hàng.
"Với mức chi tiêu này mình cũng đau đầu giật gấu vá vai kinh khủng. Song phải như vậy thì mới mong có miếng đất để dành sau này. Dù biết nhiều người không tin nhưng thực đó là chi tiêu của gia đình mình. Lương vợ chồng chỉ có vậy nên buộc phải tiết kiệm như vậy thôi, nếu không biết lấy gì để sống đây", chị An nói.
Theo Nhịp Sống Việt - Tổ quốc