Thị trường việc làm bình thường như trước dịch Covid-19
Báo cáo về tình hình lao động quý I/2024, Tổng Cục Thống kê cho hay, lực lượng lao động, số người có việc làm quý này giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Quý I, cả nước có 52,4 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên, giảm 137.400 người so với quý trước nhưng tăng 175.800 người so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, giảm 127.000 người so với quý trước, song lại tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng, giảm lao động có việc làm (Đồ họa: Tổng Cục Thống kê).
Theo Tổng Cục Thống kê, số lao động có việc làm đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kì trước dịch Covid-19. Thông thường, số lao động có việc làm trong quý này có xu hướng giảm nhẹ so với quý IV năm trước nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm này chỉ ghi nhận do yếu tố thời vụ và văn hóa lễ hội sau dịp Tết Nguyên đán. Đến giai đoạn năm 2022-2023 là giai đoạn phục hồi, số lao động tăng ở tất cả các quý do hiện tượng "tăng bù" sau đại dịch Covid-19. Đến quý I năm 2024, số lao động giảm nhẹ so với quý IV năm 2023 và quay lại xu hướng như năm 2019.
Ngoài ra, tỷ lệ thiếu việc làm cũng tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị này lý giải, tháng Giêng và tháng 2 hàng năm là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Từ đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước dịp Tết.
Tuy nhiên, sau khi kỳ nghỉ kết thúc, số giờ làm và số lao động thường giảm đi. Kết quả là tình hình thiếu việc làm quý này thường cao hơn so với quý trước.
Thu nhập của lao động tăng
Thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 301.000 đồng so với quý trước.
Báo cáo cho thấy, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,33 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ. So sánh về khu vực, thu nhập bình quân tháng của lao động ở thành thị là 9,3 triệu đồng, cao gấp 1,42 lần khu vực nông thôn.
Tổng Cục Thống kê cho biết, quý I, thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện. Theo đó, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước; trong đó, tăng mạnh nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ tăng 6,1%, cụ thể 6,9 triệu đồng/tháng.
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập của người lao động tại một số tỉnh trong vùng này ghi nhận tốc độ tăng cao như: Đồng Tháp là 8,2 triệu đồng, tăng 28,5% (tương ứng tăng 1,8 triệu đồng); Bạc Liêu là 6,9 triệu đồng, tăng 22,8%; Tiền Giang...
Thu nhập bình quân của người lao động theo vùng kinh tế - xã hội (Đồ họa: Tổng Cục Thống kê).
Về ngành kinh tế, một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 12,1 triệu đồng, tăng 15,3%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước có thu nhập tăng 12,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập trung bình là 13,1 triệu đồng, tăng tương ứng tăng 1,5 triệu đồng...
Quý I năm nay, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7%.
Theo Hoa Lê/Dân Trí