“Nghỉ việc vì căn nhà” là một câu chuyện đầy… lắt léo của anh Hoài - giáo viên một trường trung học cơ sở tại TP.HCM.
Lá đơn xin thôi việc được anh Hoài gửi đi ngay sau cuộc làm việc giữa anh và hàng chục khách hàng mua dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân, TP.HCM) với chủ đầu tư của dự án này. “Tại cuộc làm việc, họ thuyết phục chúng tôi ráng đợi đến cuối năm 2019, tức gần 10 tháng sau mới giao nhà. Đó cũng là lần thứ tám họ dời tiến độ bàn giao” - anh Hoài nhớ lại.
Ngay sau cuộc làm việc, nhiều người “rủ” cùng đứng đơn khởi kiện nhà đầu tư cho những thiệt hại vật chất lẫn tinh thần mà họ phải hứng chịu. Anh Hoài không tham gia khởi kiện, nhưng khi quay về cuộc sống riêng, anh lại rệu rã vì hết niềm tin vào nhà đầu tư, vào tương lai có một căn nhà. Anh nói: “Tôi quyết định nghỉ việc do tự thấy mình không thể giữ tâm trí ổn định để giảng dạy”.
Anh là một trong những người may mắn được mua nhà ở xã hội. Ngay từ khi “khởi động”, dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm đã được hàng trăm giáo viên, công nhân viên chức tại TP.HCM xem là “hiện thực hóa giấc mơ”.
Nằm trong nhóm đối tượng có thu nhập thấp (chưa có nhà/đất tại thành phố và thu nhập không đóng thuế), anh Hoài mừng rỡ, lập tức hoàn thành các thủ tục đăng ký và được trao một suất mua nhà. Anh mượn người thân một khoản tiền đóng cọc, còn lại vay ngân hàng với chế độ ưu đãi lãi suất thấp.
An tâm ở trọ thêm hai năm, anh Hoài cũng như bao người khấp khởi chờ đến quý II/2017 dọn về căn hộ mới. Thế nhưng, dự án chậm tiến độ, sau tám lần dời ngày hoàn thành, mãi đến cuối năm 2019, các cư dân mới được bàn giao nhà. “Trong gần ba năm chờ đợi đó, tôi bị áp lực về tiền bạc.
Hằng tháng, đồng lương giáo viên không đủ vừa đóng ngân hàng vừa phải trả tiền thuê trọ” - anh Hoài chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, anh Khải “muốn phát điên” khi nhắc lại khoảng thời gian gần ba năm chờ đợi nói trên. Đều là giáo viên tại một trường tiểu học ở Q.6, khi được duyệt suất mua căn hộ, vợ chồng anh Khải cũng mượn người quen đóng cho nhà đầu tư 30% giá trị căn hộ, còn lại vay ngân hàng.
Thu nhập của hai vợ chồng xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, theo anh Khải, chịu khoản thuê trọ 3 triệu đồng/tháng đã phải “giật gấu vá vai”. Anh hy vọng khi có nhà, hằng tháng sẽ dùng số tiền thuê trọ, rồi tằn tiện thêm để trả ngân hàng. Nhưng ba năm chậm tiến độ của dự án, đã đẩy gia đình anh vào cảnh kiệt quệ tài chính.
Để xoay xở, vợ chồng anh nhận quần áo về cắt chỉ ban đêm. Anh cho hay: “Dự án thì chậm nhưng hằng tháng, ngân hàng báo đóng tiền mà đóng trễ một ngày là không yên ổn được”. Anh rớm nước mắt, nhớ lại cảnh ngộ của mình: “Nhưng tiền bạc bế tắc còn có thể đắp đổi, điều tôi buồn khổ nhất là thời gian đó, hai vợ chồng không dám gặp ai. Đến người thân cũng thiếu điều nghĩ chúng tôi lừa gạt”.
Trong thời gian dự án chậm tiến độ, mỗi lần nhà đầu tư khất hẹn giao nhà, vợ chồng anh Khải phải đối diện những thăm hỏi như: “Ủa, nhà đâu, hay mượn tiền ăn hết rồi?”. Cuộc sống tinh thần của vợ chồng anh rất nặng nề, gần như “lẩn trốn” khỏi người quen. Có lần bị đòi nợ giữa lúc con đang bệnh, anh Khải phải mang hai chiếc xe máy của vợ chồng đi cầm. Quá túng quẫn, anh nghĩ đến chuyện sang lại suất mua nhưng luật không cho phép, vợ chồng anh chỉ biết động viên nhau để tránh bị… phát điên.
Bây giờ, dù đã chạm được giấc mơ, nhưng anh Khải, anh Hoài hay hàng trăm cư dân của dự án 35 Hồ Học Lãm lại đối mặt với lo lắng mới: chất lượng của căn hộ. Vận hành chưa đầy một năm, nhưng những mảng tường cho thấy sự xuống cấp, nước thấm, đọng từng giọt và xuất hiện nhiều vết nứt trên tường nhà.
Ở dự án 35 Hồ Học Lãm hay một số dự án nhà ở xã hội khác tại TP.HCM, hơn 80% chủ sở hữu căn hộ là giáo viên, công nhân, viên chức. Thu nhập thấp và phần lớn đều là dân nhập cư, họ chưa từng dám nghĩ đến chuyện sở hữu một căn hộ (huống hồ một ngôi nhà) giữa thành phố đắt đỏ.
Do đó, một suất nhà ở xã hội trao cho họ cơ hội an cư như phép mầu. Đổi lại, họ chấp nhận đi làm xa hơn do các dự án chủ yếu “đóng đô” ở các quận, huyện xa trung tâm. Nhưng phần lớn, các dự án nhà ở xã hội đều ì ạch, đẩy họ vào tình cảnh khốn đốn một đoạn đời.
“Người giàu” cũng khóc
Theo thống kê, khoảng 50% cư dân TP.HCM thuộc đối tượng có thu nhập thấp (bao gồm một bộ phận cán bộ, công chức, công nhân và người lao động nhập cư). Dù trầy vi tróc vảy, người thu nhập thấp vẫn được xem là may mắn trước cơ hội được sở hữu căn hộ, nhờ thuộc “nhóm đối tượng”, nhờ chính sách hỗ trợ.
Đối với người thu nhập trung bình, chuyện có nhà tưởng dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng thực tế, họ ngày càng khó chạm tay vào giấc mơ an cư. Không thể mua được nhà ở xã hội, họ chỉ có thể mua theo giá thương mại, giao dịch theo thị trường.
Hai tháng nay, vợ chồng chị Nguyệt (Q.7) tìm khắp thành phố vẫn không có căn hộ nào phù hợp với túi tiền. Cùng làm việc cho một đại lý phân phối sữa tại Q.6, thu nhập của hai vợ chồng chị Nguyệt xấp xỉ 25 triệu đồng/tháng. Kết hôn 5 năm, tích cóp được khoảng 200 triệu đồng, vợ chồng chị Nguyệt muốn mua một căn hộ ở các quận cách nơi làm không quá 30 phút chạy xe.
“Định mức của chúng tôi là khoảng 1,2-1,3 tỷ/căn hộ. Ngoài tiền tích cóp đóng ban đầu, chúng tôi mượn bạn bè thêm rồi vay ngân hàng” - chị Nguyệt tiết lộ kế hoạch. Dù nghĩ đến khoản vay còn lại tầm 800 triệu đồng, thì mỗi tháng, tốn ít nhất 10 triệu đồng/tháng cho khoản trả ngân hàng đã thấy toát mồ hôi, nhưng chị Nguyệt quả quyết: “Nếu không liều từ bây giờ, thì biết bao giờ mới có nhà”.
Thế nhưng, sục sạo khắp các dự án nằm trong chuẩn “địa lý”, vợ chồng chị vẫn không sao tìm được một căn hộ có giá nói trên. Một căn hộ tại các quận có vị trí trung tâm, khoảng 54m2 đã có giá 1,6-1,7 tỷ đồng.
Nhìn lại giá cả tăng thần tốc của thị trường căn hộ, anh Như (Q.11) không khỏi tiếc nuối khi bỏ lỡ cơ hội cách đây chừng ba năm. Khi đó, vợ chồng anh dành dụm được 300 triệu đồng. Với dự tính mượn thêm người quen vài trăm triệu đồng, vay ngân hàng khoảng 700 triệu đồng, anh đã có thể sở hữu một căn hộ ở đường Lạc Long Quân, ngay trong chính chung cư anh thuê trọ nhiều năm, với giá 1,3 tỷ đồng.
Công tác tại một nhà xuất bản, thu nhập của anh Như khoảng 20 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm việc cho một công ty giải trí, lương mỗi tháng 12 triệu đồng. Theo anh Như, mỗi năm, vợ chồng anh dư xấp xỉ 100 triệu đồng.
Anh Như chia sẻ về lý do không dám liều mua nhà cách đây ba năm, là cũng như bao người, việc phải gánh một khoản vay quá lớn khiến anh ái ngại. Từ đó, anh suy nghĩ sẽ dành dụm thêm vài năm cho thong thả hẵng tính chuyện mua nhà.
Nhưng thong thả đâu không thấy, chỉ biết sau ba năm, khoản dư của vợ chồng anh tròm trèm 600 triệu đồng, nhưng giá căn hộ đã “phi mã” lên mức 1,9-2 tỷ đồng/căn. Vợ chồng anh lại chuẩn bị đón đứa con thứ hai chào đời, càng không dám nghĩ đến chuyện mua nhà.
Ở TP.HCM, nhu cầu nhà ở mỗi năm mỗi tăng, nhưng giá bán căn hộ luôn tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng dân số dẫn đến người lao động ngày càng khó có nhà. Đây chính là nỗi bí bách, bức xúc của người dân, nhưng cũng đồng thời là gánh nặng cho chính quyền trong quy hoạch và quản lý đô thị.
Giải quyết vấn đề này, đã có rất nhiều kế hoạch được chính quyền thành phố đưa ra, bao gồm hướng đến quy hoạch, phát triển vùng kinh tế lân cận, khu đô thị vệ tinh hoặc cho phép xây nhà chung cư có diện tích tối thiểu 25m2 nhằm phù hợp túi tiền của người dân…
Nhưng, bao nhiêu kế hoạch vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách giữa người dân và một mái ấm đích thực. Khi nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn là tên gọi của những dự án, thì ngay cả với những người có thu nhập không hề thấp - một căn nhà vẫn còn quá xa xỉ.