Là loại quả được thu hoạch vào mùa thu có ở khắp các vùng quê Việt Nam, người tiêu dùng thường quen thuộc với các loại như hồng giòn, hồng trứng, hồng ngâm có bán tràn ngập các chợ với giá chỉ từ 20-50 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Đà Lạt, quả hồng sau khi được gọt vỏ, treo trước gió và mát-xa hàng ngày sẽ cho ra thứ đặc sản trứ danh có giá từ 350-500 nghìn đồng/kg.
Quả hồng Đà Lạt trước đây từng bị người dân chặt bỏ vì giá quá rẻ, nay được chế biến thành hồng treo gió cho giá trị kinh tế cao.
Chị Bùi Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, hồng có mặt tại Đà Lạt từ những năm cuối thế kỷ XIX do người Pháp mang giống đến đây để trồng thử nghiệm.
Thấy vùng đất này phù hợp với cây hồng nên diện tích hồng ngày càng được mở rộng với hàng trăm hecta, mỗi năm cho thu hoạch hàng nghìn tấn quả.
Tuy nhiên, năm 2012, giá quả hồng liên tục xuống thấp, rẻ như cho, chỉ từ 2.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch, trừ công hái, người trồng hồng hầu như không thu lại được đồng nào, bà con bắt đầu chặt phá các vùng trồng hồng.
“Khi bà con chặt phá vùng nguyên liệu nhiều quá thì TP. Đà Lạt mới mời chuyên gia người Nhật Bản về chuyển giao công nghệ chế biến sâu từ quả hồng cho các hộ dân tại đây. Họ chia sẻ từ cách trồng, chăm sóc cây, thu hoạch quả.
Ngày đó, mỗi cân hồng tươi chỉ có giá 2 nghìn đồng nhưng vị chuyên gia người Nhật cho biết, 1 quả hồng treo gió thành phẩm được bán ra thị trường Nhật Bản với giá 45 nghìn đồng tiền Việt, tương đương với 20kg hồng tươi của Đà Lạt khi đó. Ai nghe cũng thấy sửng sốt”, chị Liên kể.
Được học cách chăm sóc cây hồng, cách thu hoạch quả và làm hồng treo gió theo phương pháp của chuyên gia người Nhật, các hộ dân trồng hồng tại Đà Lạt đã bắt đầu tiến hành sản xuất hồng treo gió để cung cấp ra thị trường.
Theo chị Liên, để làm hồng treo gió thì những quả hồng phải được chọn lựa rất kỹ lưỡng từ khi thu hái. Hồng không quá non cũng không được chín mà phải già tới độ đủ lượng đường bên trong sẽ được hái mang về rửa sạch, gọt vỏ và treo ở nơi thoáng gió.
Những quả hồng treo từ 7-10 ngày sẽ được “mát xa” mỗi ngày để chúng mềm đều, lớp vỏ bên ngoài bắt đầu se lại những lõi bên trong vẫn mềm và đượm mật.
Sau 20-25 ngày, quả hồng sẽ thoát hết nước, còn lại phần mật ngọt bên trong. Cắn một miếng, qua lớp vỏ dai dai, dẻo dẻo là lớp ruột thơm lừng, ngọt đậm tự nhiên vốn có.
Quả hồng sau khi được treo gió, xuất bán ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. Người này giới thiệu người kia tìm mua để ăn hoặc làm quà biếu đã nâng tầm quả hồng Đà Lạt lên thành đặc sản có giá đắt đỏ, từ 350-500 nghìn đồng/kg.
Mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất hồng treo gió của chị Liên cung cấp ra thị trường từ 8-10 tấn hồng treo gió và hồng sấy dẻo với giá từ 350-380 nghìn đồng/kg, tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện sản phẩm hồng nhập khẩu từ Trung Quốc gây khó khăn cho người tiêu dùng khi phân biệt hồng Đà Lạt với hồng nhập khẩu.
“Chính bạn bè tôi ở Đà Lạt mà còn được thương lái đi chào hàng hồng Trung Quốc với giá buôn là 90 nghìn đồng/kg. Giá rẻ, số lượng bao nhiêu cũng có mà hồng Trung Quốc họ bày ra rổ bán cả tháng ở bên ngoài cũng không hỏng khiến người làm hồng treo gió Đà Lạt gặp không ít khó khăn”, chị Liên nói.
Hồng treo gió Đà Lạt thành phẩm có quả nhỏ, không đều nhau.
Theo chị Liên, để làm được 1kg hồng treo gió Đà Lạt phải mất 10kg hồng tươi. Giá mua tại vườn đã 20 nghìn đồng/kg hồng tươi. Mang về rửa sạch, thuê người gọt vỏ với giá 3.500 đồng/kg rồi làm hồng, treo hồng, mát xa trái hồng với thu nhập từ 9-15 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể tiền đầu tư nhà xưởng, tiền điện, nước… Vì vậy, giá thành sản xuất ra 1kg hồng treo gió Đà Lạt lên tới 230-250 nghìn đồng/kg.
Để phân biệt hồng treo gió Đà Lạt và hồng Trung Quốc, chị Liên cho biết, hồng treo gió Đà Lạt quả nhỏ, không đều quả, vì không dùng chất bảo quản nên phải để trong tủ mát. Hồng Trung Quốc quả to, đều quả, chia thành 4 múi như quả khế, ở núm quả có lỗ, dưới núm quả vẫn còn một chút vỏ, giá rẻ chỉ bằng ½ hồng Đà Lạt.
Theo Hồng Cảnh/Người Đưa Tin