Theo quyết định phê duyệt, số lượng tàu bay của Vietravel Airlines khai thác năm đầu tiên là 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay. Chủng loại Airbus, Boeing hoặc tương đương. Tổng vốn đầu tư của dự án 700 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư.
Theo đăng ký, Vietravel Airlines định hướng là hãng hàng không bay thuê chuyến (charter) và thường lệ phục vụ một phần khách du lịch của Vietravel, còn lại phục vụ cộng đồng. Mô hình này cũng đang được khuyến khích, ủng hộ ở nhiều nước khác.
Dự kiến Vietravel Airlines sẽ đưa vào khai thác từ quý 2/2020, với nhóm khách mục tiêu 1 triệu lượt khách mà doanh nghiệp lữ hành này đang phục vụ hằng năm. Đây là nguồn khách lớn và ổn định, đảm bảo cho các chuyến bay của hãng.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Vietravel Airlines chọn sân bay căn cứ là sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế).
Ngoài ra, tại báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Vietravel Airlines của Bộ kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) gửi Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư dự án này trong 5 năm đầu khai thác góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỷ đồng, đóng góp vào thu nhập quốc dân hơn 3.185 tỷ đồng, trong đó thu nhập cho lao động khoảng 1.982 tỷ đồng và hơn 1.203 tỷ đồng cho thặng dư xã hội. Dự kiến khi đi vào hoạt động, hãng tạo việc làm cho gần 600 lao động, đóng góp gần 2.500 tỷ đồng thuế trong 5 năm đầu tiên.
Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng cảnh báo về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án này khi mới được tính toán sơ bộ, còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác.
"Đó là do mô hình khai thác của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch thường tập trung tại các trung tâm vận tải hàng không như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, trong khi sân bay căn cứ đặt ở Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có thị trường hành khách đi/đến không cao".
"Trong khi, các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm sẽ gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không", Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, bên cạnh Vietravel Airlines, hiện còn có 2 hãng hàng không đang "xếp hàng" xin giấy phép cất cánh gồm Công ty CP hàng không Thiên Minh (Kite Air) và Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (Vietstar Air).
Hiện Vietstar Air đang đề nghị Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air để sớm tham gia thị trường vận tải hàng không. Đơn vị này đã có đủ điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí, cũng như chỗ đậu đỗ máy bay khi giai đoạn đầu chỉ thực hiện 5 máy bay (thay vì 10 máy bay như trước đây).
Còn với Kite Air đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án hàng không Cánh Diều với tổng vốn 5.500 tỉ đồng. Số lượng máy bay khai thác năm đầu tiên là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm, đến năm thứ 6 sẽ có 25 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Airbus 320/321 hoặc tương đương...
Đối với hãng hàng không Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup, vào tháng 1/2020, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án Vinpearl Air, nhưng vẫn duy trì hoạt động của Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không.
Theo Đinh Tịnh / Vietnam Finance