Liên quan vụ việc Asanzo – doanh nghiệp điện tử thuộc top 3 Việt Nam dính nghi vấn dùng hàng Trung Quốc gắn mác Việt, ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xác minh thông tin mà báo chí phản ánh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
|
Ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo cho biết công ty đã ngừng sản xuất các mặt hàng điện gia dụng và chỉ còn lắp ráp các sản phẩm TV và điều hòa mang nhãn hiệu Asanzo. Ảnh: Đời sống Pháp lý. |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.
Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông có nhiều bài báo phản ánh Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.
Theo thông tin từ quá trình điều tra và đăng tải của một số cơ quan báo chí, nhà máy Asanzo chỉ lắp ráp tivi từ linh kiện nhập từ Trung Quốc. Còn đồ điện gia dụng thì nhập "nguyên con" từ Trung Quốc, chứ họ không sản xuất một mẩu linh kiện điện tử nào.
Theo tờ Tuổi trẻ, có đến 19 công ty nhập khẩu sản phẩm điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc. Ngoài ra, còn một số công ty chuyên nhập linh kiện nhãn hiệu Asanzo để lắp ráp tivi, máy lạnh, điện thoại... Thậm chí trong số đó, không ít “công ty “ma”. Đáng chú ý, có ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam cũng trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu này từ Trung Quốc.
Đặc biệt, báo chí cũng phanh phui việc Asanzo còn gỡ tem "made in China" rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" lên sản phẩm bán ra thị trường. Cụ thể, với tivi - chủ lực của Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam, linh kiện cũng được nhập từ Trung Quốc đưa về nhà máy Asanzo tại KCN Vĩnh Lộc (Quận Bình Tân, TP HCM lắp ráp chứ không có sản xuất. Quy trình lắp ráp vô cùng đơn giản với 6 bước để "sản xuất" một chiếc tivi.
Trong đó, một quy trình quan trọng không thể không làm là bóc tem mác “Made in China” trên panel LCD và dán chồng lên tem ASG và tem có mã vạch. Với cách “sản xuất” này, thời gian hoàn thành một chiếc tivi chỉ mất 30 phút và biến một chiếc tivi “made in China” thành hàng xuất xứ từ Việt Nam với nhãn hiệu Asanzo.
Trước nghi vấn “Asanzo là hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam”, CEO Tập đoàn Asanzo - ông Phạm Văn Tam khi trả lời trên báo chí, cho biết sản phẩm Asanzo không phải “Made in Việt Nam” mà xuất xứ tại Việt Nam.
Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.
CEO của Asanzo nói rằng, Asanzo đang nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng thương hiệu của mình. Do vậy, Asanzo không có khiếu nại trước việc những đơn vị này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại thị trường trong nước. Asanzo đã từng có công văn gửi sang phía công an khẳng định công ty không bảo hộ thương hiệu của mình.
Do vậy, trước vấn đề mà báo chí đặt ra liên quan đến nhãn mác thương hiệu, ông Tam cho rằng trong tập đoàn Asanzo có rất nhiều công ty con khác nhau, bộ phận nào làm sai thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm.
Mới đây, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với với các sản phẩm của Tập đoàn Asanzo, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Chiều 23/6, Tập đoàn Asanzo đã tổ chức họp báo để giải thích về nghi vấn các sản phẩm điện máy của Asanzo là hàng Trung Quốc.
Giải thích về việc báo Tuổi trẻ cho rằng Asanzo xoá bỏ dấu vết "made in China", đại diện Asanzo khẳng định Panel LCD chỉ là một linh kiện bên trong của tivi, các công nhân không gỡ bỏ tem sườn "made in China" mà chỉ dán thêm tem bảo hành cho linh kiện này.
Asanzo khẳng định sản phẩm mang thương hiệu Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật Bản là có căn cứ, phù hợp với thông lệ thị trường và không trái pháp luật Việt Nam. Vì ngoài sử dụng các linh kiện nước ngoài của Trung Quốc, Đài Loan, tập đoàn còn sử dụng một số linh kiện khác được sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, giá trị cốt lõi của sản phẩm là hệ điều hành tivi và mẫu mã sản phẩm được thiết kế bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Quy trình lắp ráp, kiểm soát chất lượng và bảo hành được tư vấn và chuyển giao công nghệ Nhật Bản.
Đại diện Asanzo cho biết rất lấy làm tiếc khi bị rút danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhưng tập đoàn chấp nhận và tôn trọng quyết định này, đồng thời sẽ không sử dụng danh hiệu trên trong các hoạt động truyền thông, quảng bá, tiếp thị.
Hải Ninh