3 ngày sau lệnh tạm đóng cửa toàn bộ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ trên cả nước, chợ dân sinh và siêu thị trở thành “nguồn sống” quan trọng của người dân trong thời gian này. Thay vì ra hàng ăn uống như trước đây, hầu hết mọi người ưu tiên việc mua sắm các loại thực phẩm tươi sống về nhà tự chế biến.
Cùng với siêu thị, chợ dân sinh là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho người dân Thủ đô nên những ngày này sức mua ở đây tăng lên gấp đôi ngày thường.
Do hạn chế tập trung đông người nhất có thể nên ban quản lý một số chợ truyền thống yêu cầu cắt giảm các mặt hàng không quan trọng, chỉ giữ lại một số thực phẩm thiết yếu như: Thịt cá, rau xanh, hoa quả, đồ khô.
Theo đó, tiểu thương bán các loại thực phẩm giống nhau như cùng bán thịt lợn; cùng bán rau… có thể trao đổi cân nhắc thay phiên nhau về giờ bán. Người bán sáng; người bán trưa; người bán chiều tối… để hạn chế tối đa sự tập trung đông người không cần thiết.
Tại các chợ dân sinh, người dân thường tập trung đông để mua hàng vào 2 khung giờ: 6 – 8 giờ sáng và 17 – 19 giờ chiều tối.
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy – Hà Nội), trước đây chợ này có từ 8 – 10 hàng thịt lợn khác nhau, nhưng trong mùa cao điểm dịch Covid-19 chỉ còn 2 quán bán thịt lợn mỗi buổi.
Chợ thường họp vào 2 thời điểm chính trong ngày là sáng sớm và chiều tối. Do những ngày này sức mua tăng cao và ít người bán hơn trước nên phiên chợ thường kết thúc sớm.
Bảng “cấm họp chợ” sau giờ giới nghiêm, việc giới hạn khoảng thời gian họp chợ giúp hoạt động mua bán diễn ra nhanh chóng.
Giá các mặt hàng thực phẩm vẫn bình ổn, tăng không đáng kể so với ngày thường. Cụ thể: rau muống 7.000đ/mớ; thịt lợn dao động khoảng 180.000đ – 200.000đ/kg tùy loại; gạo tám Thái khoảng 250.000đ/yến…
Chị Phan Linh (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ: “Giá thực phẩm so với mọi ngày không thay đổi là bao. Để hạn chế ra đường, mỗi lần đi chợ tôi sẽ mua thực phẩm tươi cho đủ 2 ngày, hết sẽ lại đi mua tiếp chứ không tích trữ nhiều".
Người bán hàng đeo khẩu trang để tự bảo vệ bản thân trong mùa dịch
Trước đó, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết Sở đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% - 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.
Cụ thể, gạo 46.485 tấn; trứng gia cầm 62 triệu quả; bột canh 356 tấn; rau củ 51.650 tấn; thủy hải sản (tươi; đông lạnh) 2.582,5 tấn; thực phẩm chế biến 2582,5 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 464.85 triệu gói.
Người dân cần trang bị kiến thức mua hàng thông thái trong mùa dịch để tránh lãng phí và gây ra tình trạng hết hàng tạm thời tại các chợ và siêu thị.
Vì thế, người dân hiện đang sinh sống tại Hà Nội không nên hoang mang vì luôn có nguồn thực phẩm dồi dào đáp ứng liên tục. Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức mua hàng thông thái để hạn chế ra ngoài mùa dịch mà vẫn đủ thức ăn sử dụng, không dư thừa, lãng phí.
Theo Thanh Thúy/Dân Việt