Thuê bao nộp ảnh chân dung: Làm sao bảo mật thông tin cá nhân?

Google News

Các nhà mạng đồng loạt triển khai nội dung Nghị định 49 của Chính phủ trong việc bổ sung ảnh chân dung, hoàn thiện thông tin cá nhân thuê bao.

Khách hàng sợ lộ thông tin cá nhân
Theo nghị định 49/2017/NĐ-CP thì từ ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.
Đây là quy định nhằm quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn tránh tình trạng sim rác, và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn. Hiện tại theo quy định của NĐ 49 sau ngày 24/04/2018 số thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin có khả năng sẽ bị khóa 1 chiều.
Theo khảo sát, các nhà mạng sẵn sàng chuẩn bị các phương án hỗ trợ kịp thời hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định. Lượng khách hàng đến bổ sung ảnh chân dung và thông tin thuê bao tại các cửa hàng tăng đột biến. Các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.
Tại các thời điểm khách hàng đến giao dịch đông, hoặc quá tải, các cửa hàng xử lý linh hoạt: Sử dụng ảnh màu từ Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước/Hộ chiếu làm ảnh chân dung của khách hàng, trực tiếp cập nhật thông tin khách hàng được thực hiện offline để giảm tải và giảm thiểu thời gian chờ đợi của khách hàng.
 Thuê bao cập nhật ảnh chân dung.
Ngoài ra, nhằm tiết kiệm thời gian cho khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, trên trang web chính thức của của nhà mạng đã có một số giao dịch điện tử, tại đó khách hàng có thể đăng ký bổ sung, thay đổi các thông tin cần thiết (thuê bao chuyển trả sau sang trả trước, thuê bao chuyển trả sau sang trả trước, thay đổi chứng minh nhân dân/thẻ căn cước, thay đổi chủ quyền…) để khách hàng có thể khai báo, thay đổi bổ sung các thông tin của mình trực tuyến.
Với những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị định 49 của Chính phủ, các nhà mạng sẽ thực hiện theo những quy định của pháp luật và chờ hướng dẫn từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Liên quan đến việc triển khai Nghị định 49 về việc rà soát, cập nhật lại thông tin thuê bao, theo báo cáo của Cục Viễn thông, tính đến 15-3, đã có gần 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định là có thông tin chưa đầy đủ, chính xác, đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao.
Nhà mạng cam kết bảo mật
Từ Nghị định này, không ít người bày tỏ lo lắng về việc chụp ảnh chân dung, cung cấp thông tin cho nhà mạng làm sao bảo đảm được bảo mật thông tin cho khách hàng. Hiện quy trình quản lý thông tin thuê bao đang được tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định bảo mật thông tin của Nhà nước.
Trước mối lo về an toàn thông tin cá nhân khi phải chụp ảnh chân dung và cung cấp thông tin cho nhà mạng, VinaPhone khẳng định VinaPhone sẽ đảm bảo bí mật an toàn thông tin cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
 Các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.
Tương tự, nhà mạng MobiFone và Viettel cho biết ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của nhà mạng, và chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. Các thông tin này đều sẽ được đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng luật Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành.
Nếu thông tin khách hàng bị lộ, được xác minh chính xác nguồn tin từ phía VinaPhone, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, việc bảo vệ thông tin cá nhân còn là trách nhiệm của cá nhân đó, vì vậy VinaPhone mong muốn khách hàng cẩn trọng hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân của mình.
Theo Duy Anh/VNN