Dự kiến nhà mới khoảng cuối tháng chạp, bà Đinh Thị Nhung (70 tuổi, Hà Nội) tất bật tìm cửa hàng đóng bàn thờ, làm mới đồ gỗ trong nhà để đón cái Tết cho tươm tất. Vốn kỹ tính, bà muốn tự tay làm mọi thứ, đến tận xưởng đốc thúc thợ để có đồ mới đúng hẹn.
|
Cuối năm, người dân hối hả tân trang đồ gỗ trong nhà để đón năm mới cho tươm tất, trọn vẹn. Ảnh: Thu Hà |
Cũng giống như thế, anh Đặng Văn Thành, ngụ tại chung cư Mỹ Đình, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã cất công đến tận làng gỗ Thạch Thất để tìm địa chỉ làm mới bộ nội thất gỗ trong nhà.
“Tết đến xuân về, gia đình nào cũng muốn làm mới đồ nội thất để căn nhà được sáng sủa, mang lại một năm mới may mắn. Nhưng cuối năm, ai cũng bận tối mắt tối mũi với công việc, không có thời gian dọn dẹp nên phải chọn được thợ ưng ý. Bởi chỉ sơ sểnh một chút là trầy xước, hỏng cả bộ đồ gỗ xịn trong nhà”, anh Thành lý giải.
|
Thợ làm mới đồ gỗ những ngày này quay cuồng trong các đơn hàng. Ảnh: Thu Hà |
Đáp ứng nhu cầu đó, thời điểm cận Tết Nguyên đán, làm mới nội thất trở thành một dịch vụ vô cùng đắt hàng. Giá cả tân trang đồ gỗ từ vài trăm ngàn, nhưng cũng có thể lên tới vài triệu đồng mỗi bộ.
Anh Nguyên, chủ một cơ sở chuyên tân trang đồ gỗ cho hay, giáp Tết luôn là thời điểm làm việc “căng” nhất trong năm.
Khách sửa chữa, thay thế, tân trang tủ bếp, bàn ghế, khuôn cửa, giường tủ, cửa ra vào, cửa sổ. Thậm chí, khách sẵn sàng bỏ tiền để xử lý một vết mối mọt, sàn gỗ phồng rộp…
Để đảm bảo nhịp sinh hoạt của khách không bị xáo trộn vì sửa chữa đồ đạc, anh Nguyên nhận vận chuyển, tháo lắp đồ đạc một cách nhanh gọn, đảm bảo không làm trầy xước.
Càng kỳ công, đồ gỗ càng có “áo” đẹp
“Số lượng khách lớn, tuy mất công, vất vả một chút nhưng phải cố gắng hết sức vì ai cũng cần. Phải hẹn khách vài ngày, thậm chí một tuần mới xong”, anh Nguyên cho hay.
Theo anh Nguyên, với những vết bẩn nhỏ, đơn giản bám trên bề mặt đồ gỗ, khách hoàn toàn có thể tự làm sạch tại nhà với giấy nhám, vải khô sạch, nước sạch, sơn dầu véc ni, chổi quét sơn.
Tuy nhiên, phần vệ sinh những đồ đạc lớn như tủ thờ, phản gỗ, cả bộ bàn ghế gỗ với những vết bẩn cáu lại lâu ngày, nấm mốc nhiều thì mất rất nhiều thời gian và lại cần sự tỉ mỉ, có tay nghề mới có thể “lột xác” cho đồ gỗ.
“Nhiệt độ không nên thấp quá cũng không nên cao quá. Nếu nhiệt độ thấp, vecni sẽ lâu khô hơn, dễ bị bám bụi. Nếu nhiệt độ cao quá sẽ làm vecni khô nhanh hơn, dễ làm bong các lớp vecni. Chưa kể khâu làm sạch bề mặt trước đó cũng phải rất tỉ mỉ”, anh Nguyên nói.
Bác Đinh, người có thâm niên trong nghề "phấn son" gỗ đúc kết: "Làm cái nghề này công phu lắm, phải khéo léo và có lòng kiên trì mới thành công được. Khi món hàng bị sứt mẻ đâu đó thì phải chọn đúng chủng loại gỗ, đúng sắc, đúng vân để chỉnh sửa lại theo nguyên tác.
Với đồ xưa, sử dụng vecni là cồn ngâm cánh kiến, mài đi mài lại nhiều khi vài ngày chưa xong cái tủ, nhất là tủ khảm trai lại càng phải cẩn thận. Càng kỳ công thì đồ càng đẹp càng có giá trị".
Theo Thu Hà/Em Đẹp