Bên cạnh những giống bơ hiện có của địa phương, thì những giống bơ ngoại với những ưu điểm vượt trội đang được nông dân huyện Đức Trọng quan tâm. Và, nông dân Nguyễn Hải, xã Tân Thành đã mạnh dạn trồng xen các loại bơ này trong vườn cà phê, cho năng suất, thu nhập cao.
|
Ông Nguyễn Hải bên vườn bơ ghép của gia đình. Ảnh: Nhật Minh |
Cũng giống như nhiều hộ nông dân khác, ông Nguyễn Hải chọn cây cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi mua hơn 1 ha đất đã trồng sẵn cà phê xen 300 cây bơ tại thôn Tân Bình, vợ chồng ông tiến hành ghép cải tạo cây cà phê nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng từ hai loại cây trồng này.
Tuy nhiên, ông Hải lại trăn trở, với số tiền ấy, để trang trải toàn bộ chi phí cho gia đình thì rất khó có thể vươn lên làm giàu. Với suy nghĩ đó, ông đã mày mò tìm hiểu trên sách, báo, internet và biết đến những giống bơ ngoại cho giá trị kinh tế cao, như bơ Booth, bơ Hass và bơ Pinkerton.
Năm 2013, ông tìm đến một trang trại ở huyện Di Linh mua chồi giống bơ Booth về ghép trên 100 gốc bơ của vườn nhà. Sau thời gian ghép 2 năm thì chồi ghép phát triển tốt và cho trái bói. Ông Hải cho biết, đây là giống bơ dễ chăm sóc, cơm vàng, vị béo ngậy và nhất là cho thu hoạch trái vụ nên ông bán được với giá khá cao. Không dừng lại ở đó, ông lại tiếp tục chặt 200 gốc bơ còn lại để ghép giống bơ Hass và bơ Pinkerton, đây cũng là 2 giống bơ ngoại, có ưu điểm vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt.
Nhìn bên ngoài, vỏ của quả bơ ghép xù xì, nhưng chất lượng lại rất ngon, giàu chất dinh dưỡng, thời gian bảo quản được lâu nên không sợ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển đi xa như các giống bơ khác, vì thế rất được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, mùa thu hoạch của bơ thường vào thời điểm trước, trong và sau Tết nên giá thành luôn ở mức trên 80 ngàn đồng/kg. Theo ông Hải, chỉ có người thực sự chăm chỉ, có tâm huyết thì mới có thể thành công từ giống bơ này, nhất là giống bơ Pinkerton khá khó chăm sóc, vì thế phải chăm chỉ và hết lòng với nó thì cây mới phát triển tốt, cho sai quả.
Với bản tính cần cù, vợ chồng ông Nguyễn Hải thường xuyên tỉa cành, tạo tán để tạo độ thông thoáng cho cây bơ phát triển mà vẫn có bóng mát che cho cà phê. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, ông Hải nhận thấy, bơ trồng xen cà phê rất phù hợp. Cây bơ tiếp nhận ánh sáng ở tầng cao, khai thác dinh dưỡng ở tầng sâu, lại che bóng, chắn gió, giảm nước tưới và sâu bệnh hại cà phê. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ đậu trái của các giống bơ này cao nhưng không tốn nhiều diện tích vườn, tán cây phát triển chỉ trên dưới 2 - 3 m là đã cho thu hoạch. Nhờ vậy, ông vẫn thu được lợi nhuận từ cả 2 loại cây là cà phê và bơ mà không bị ảnh hưởng đến năng suất của cây.
Đó cũng là lý do để ông Nguyễn Hải mạnh dạn cưa nhiều gốc bơ dù đã 8 năm tuổi, mỗi năm cho 5 tạ quả để ghép sang các giống bơ này: “Chỉ hơn 2 năm là cây cho thu bói, với tán không quá rộng cây không làm tốn diện tích vườn của gia đình nên tôi rất thích”- ông Hải nói.
Đặc biệt, ông Nguyễn Hải luôn chú trọng tới nguồn dinh dưỡng cho cây trồng. Ngoài mua phân chuồng của các hộ dân, ông còn nuôi thêm gần 10 con bò để lấy phân cung cấp cho cây. Nhờ vậy, chỉ sau hơn 2 năm chăm sóc, vườn bơ ghép của ông đã lần lượt cho thu bói. Ông cho biết, sản lượng trung bình của một cây bơ sẽ đạt từ 2 - 3 tạ/vụ, theo tính toán, đây sẽ là loại cây trồng mang lại nguồn thu rất cao và ổn định cho gia đình ông.
Mô hình thành công, gia đình ông luôn tận tình hướng dẫn bà con nông dân tại địa phương, ươm bán bơ giống và chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây bơ. Đánh giá về mô hình trồng xen của ông Hải, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Thành có khá nhiều mô hình bơ xen cà phê, tuy nhiên với dòng bơ ngoại thì đây là mô hình đầu tiên và cho hiệu quả cao. Thời gian tới, hội tiếp tục tổ chức tham quan, phổ biến cho bà con học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế”.
Theo Nhật Minh /Báo Lâm Đồng