Không còn nắn nót chăm tỉa những lẵng hoa, chị Hương Thảo, một chủ shop bán hoa đang tất bật gói đồ rau củ quả để kịp chuyển cho khách. Chị cho hay, từ khi TP.HCM và Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, hoa là mặt hàng không thiết yếu nên không được phép kinh doanh. Chị lập tức nghĩ ra mô hình kinh doanh rau củ quả.
Với mối quen từ Đà Lạt và một số địa phương khác, chị nhanh chóng liên hệ tìm nguồn hàng. Nhờ vậy, rau củ quả của chị nhập về với mức giá rẻ. Chị Thảo ưu tiên lựa chọn các loại rau củ để được lâu như bắp cải, cải thảo, cà rốt, khoai tây,... Bên cạnh đó, chị tìm thêm nguồn trái cây, thậm chí là cả thịt lợn, để bán. Tất cả các sản phẩm của chị đều có giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn thực phẩm.
|
Chuyển sang bán đồ thiết yếu trong mùa dịch |
Sau khi nguồn thực phẩm nhập về cửa hàng, chị cùng đội ngũ nhân viên làm các combo bán theo gói. Mỗi gói bao gồm rau củ quả có mức thấp nhất từ 100.000 đồng, gói cao cấp lên tới 500.000 đồng. Chị Thảo cho hay, sau khi quảng cáo trên trang web và mạng xã hội, nhiều người đã đặt mua, trong đó không ít là khách quen từng mua hoa của chị. Với những đơn hàng như vậy, chị tặng thêm hoa và một lời chúc cho khách hàng vượt qua đại dịch.
Chị Thảo chia sẻ: “Buôn bán hoa gặp khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên mở thêm bán thực phẩm sạch cũng là một cách mà cửa hàng có thêm thu nhập. Những khách mua hoa thường có thu nhập trung bình và cao, họ có xu hướng sử dụng đồ sạch nên mình thấy nhiều tiềm năng”.
Mỗi ngày chị nhận được khá nhiều đơn hàng. Dù mới bán, đơn không nhiều như hoa nhưng chị vẫn thấy phấn khởi vì nhân viên có thêm việc làm, thu nhập qua dịch bệnh. Nếu tình hình kinh doanh ổn định, chị sẽ tìm thêm nhiều mối rau củ để bán song song với hoa, đam mê chính.
Cũng như chị Thảo, chị Vũ Hà - chuyên bán hoa tươi lâu nay - giờ cũng chuyển sang bán thực phẩm. Ngoài mối quen rau củ quả từ Đà Lạt vẫn chuyển hàng ra Hà Nội, chị bán thêm các loại rau củ quả, rồi lợn Mán nuôi ở Hòa Bình, cá hồi Sa Pa, vịt thả đồng,... và chế biến cả gà nướng, chim quay, bánh khoai,... Trước, chị hay miễn phí vận chuyển hoặc chỉ lấy 10.000 đồng mỗi chuyến, nay do giãn cách khó đi lại, chị thu lên 20.000 tiền ship để trả thêm cho người giao hàng.
Hay anh Đinh Văn Lâm (chuyên sửa chữa điện thoại ở Linh Đàm, Hà Nội), khi Hà Nội triển khai giãn cách xã hội, cửa hàng phải đóng cửa, anh thức thời chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tận dụng mặt bằng, anh Lâm bàn với vợ nhập gạo và đồ khô về bán.
|
Ngoài quàn áo hàng gia dụng, Muji của Nhật còn bán cả rau củ (Ảnh: Bảo Anh) |
Theo anh, đây là hàng lương thực thiết yếu nên được phép kinh doanh. Gạo và đồ khô để được lâu, lại không mất công bảo quản.
Anh Lâm cho hay: “Bán gạo là giải pháp tình thế vì không biết bao giờ mới hết dịch, mà cả gia đình chỉ trông chờ vào cửa hàng. Nhân lúc này mình cũng đang phải nghĩ tìm hướng làm ăn mới”.
Hàng ngày, vợ chồng anh cân gạo và giao cho khách quanh khu vực Linh Đàm. Dù công việc mới vất vả hơn so với kinh doanh điện thoại, nhưng anh Lâm thấy vui vì có thêm nguồn thu nhập. Sắp tới, vợ anh nhập thêm hải sản ở Quảng Ninh lên bán.
Chuyển đổi nhanh sang kinh doanh hàng thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ các hộ kinh doanh nhỏ như anh Lâm hay chị Thảo, mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng dần phải thích nghi. Đơn cử như ứng dụng đặt phòng khách sạn và vui chơi giải trí Klook đã ra mắt gói sản phẩm đặc sản vùng miền.
Một số đặc sản Tây bắc như cá hồi Sapa, thịt bê và lợn bản Mộc Châu giao hàng miễn phí Hà Nội có giá từ 168.000 đồng. Hay TokyoLife cũng bán thêm một số đồ ăn trên ứng dụng của mình với giá từ 15.000 đồng. Tương tự, Muji, thương hiệu chuyên bán thời trang, hàng gia dụng của Nhật Bản cũng có thêm quầy rau, thực phẩm, đồ ăn.
Có thể nói, thích ứng nhanh và chuyển đổi bắt kịp với tình hình thực tế dịch bệnh để vượt qua khó khăn là điều mà các đơn vị kinh doanh cần phải quan tâm thời điểm này.
Theo Bảo Anh / Vietnamnet