Tiền có thể mua được hạnh phúc?

Google News

"Tiền hoàn toàn có thể mua được hạnh phúc, chỉ là người ta hay nghĩ sai về việc đó mà thôi...", triệu phú Mr. 1500 cho biết.

Triệu phú Mỹ: Tiền bạc mua được hạnh phúc
Báo VnExpress dẫn nguồn tin trên Investment Zen, Mr. 1500 - chủ website 1.500days.com về quá trình đạt mục tiêu 1 triệu USD trong vòng 1.500 ngày đã chia sẻ quan điểm của mình về sự giàu có.
Vài tuần trước, tôi đã chứng kiến một chuyện bực mình ở cơ quan. Một đồng nghiệp của tôi - Jon phải làm việc với cấp trên cùng công ty. Mà người này nổi tiếng khó tính và lập dị. Y như rằng, khi Jon gọi cho ông ta để hỏi, anh ấy bị cúp máy ngay lập tức. Khi nghe chuyện này, suy nghĩ đầu tiên của tôi là: "Cái công việc chết tiệt, tôi muốn bỏ".
Tôi không muốn làm việc với những người như ông cấp trên kia. Jon rất thông minh, chăm chỉ và tinh ý. Chẳng ai đáng bị đối xử thiếu tôn trọng như thế cả.
Sau đó, tôi cũng không nghỉ việc. Nhưng điều tuyệt vời nhất là, dù có nghỉ, tôi cũng không sao hết. Vì tôi đã có 1 triệu USD tiền tiết kiệm. Và vì cả gia đình chỉ tiêu 40.000 USD mỗi năm. Tôi cảm thấy thế là quá đủ.
Hiện tại, tôi làm việc vì muốn, chứ không phải vì bắt buộc. Và điều này thật tuyệt.
Tôi đã thành triệu phú từ cuối năm 2014, một ngày trước sinh nhật lần thứ 41. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đó.
Hôm ấy, tôi đang trên đường đến Chicago, và đọc thấy tin tức thị trường hôm nay tăng điểm. Thế là khi xuống tàu, tôi kiểm tra ngay tài khoản và phát hiện mình đã gia nhập câu lạc bộ triệu USD.
Mr. 1500 chơi đùa với con gái. Ảnh: Rockstar Finance 
Tiền bạc giúp bạn có cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn
Vài người cho rằng tiền bạc không giải quyết được vấn đề và chẳng thế khiến bạn hạnh phúc. Quan điểm của tôi thì ngược lại: sự giàu có là điều tuyệt vời, và nó sẽ giúp bạn tự do.
Gần nhà tôi có một cặp vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Lý do hầu hết là về chi tiêu hàng ngày. Ông chồng làm kinh doanh nhỏ và có thu nhập khá ổn, nhưng tiền của họ chảy ra nhanh hơn chảy vào, nên rốt cục cuộc sống vẫn chỉ dừng lại ở mức trung bình. Hai người họ cãi nhau về tiền bạc nhiều hơn bất cứ chủ đề nào khác.
Vợ chồng tôi may mắn không phải lo nghĩ về việc tiền đi đâu về đâu và làm thế nào để chi trả cho các loại hóa đơn hàng tháng. Chúng tôi rất cởi mở và thẳng thắn về vấn đề tài chính. Như mọi cặp đôi khác, chúng tôi cũng có những lúc bất đồng quan điểm, nhưng tuyệt đối không phải là vì tiền.
Tiền bạc sẽ khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn
Bạn biết đấy, ai cũng khao khát những gì mình không thể có. Trên TV đầy rẫy quảng cáo về những món đồ hào nhoáng, khiến ta cứ muốn mua bằng được. Bạn sẽ thấy đau lòng khi không có đủ tiền để sắm chúng, và tôi cũng vậy.
Ngày trước, tôi muốn cả đống thứ, đặc biệt là một chiếc xe thể thao màu đỏ. Thế nhưng thật buồn cười là khi đã có đủ khả năng mua bất cứ chiếc xe nào, ham muốn của tôi dành cho chúng lại biến đâu mất. Tôi hạnh phúc hơn và biết tự điều chỉnh bản thân hơn. Sự bình an mà tiền bạc mang lại thật kỳ diệu, nó khiến tôi tập trung vào những thứ thực sự quan trọng, như các mối quan hệ, giáo dục con cái, đọc sách, du lịch và tập thể dục. Siêu xe giờ không còn quá nhiều ý nghĩa nữa.
Tiền bạc cho bạn tự do
Hầu hết chúng ta dành ít nhất 40 tiếng mỗi tuần để làm việc. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn đang được làm công việc mình yêu thích. Nhưng dù vậy, nếu đột nhiên có 10 triệu USD trong tay, liệu bạn có tiếp tục làm công việc đó nữa không, hay sẽ dừng lại để theo đuổi đam mê của mình?
Tôi đã lên kế hoạch về một ngày không còn phải làm việc cho người khác và hoàn toàn được sống theo cách mình chọn. Vợ chồng tôi sẽ đi du lịch, kinh doanh nhỏ và rèn luyện sức khỏe. Tương lai giống như một cuốn sách mở và cuộc sống như vậy chính là những gì tôi mong muốn.
Hầu hết người ta nghĩ sai về triệu phú. Không phải ai cũng có cuộc sống xa hoa đâu.
Tôi mua một ngôi nhà chỉ 175.000 USD và lái chiếc xe đã 13 năm tuổi. Tôi tự cắt cỏ và đổ xăng. Tôi không phải là bác sĩ hay luật sư với mức lương cao ngất ngưởng, chỉ là một lập trình viên tốt nghiệp từ một trường đại học bình thường. Tất cả những gì tôi có chỉ là do tôi biết tiết kiệm và đầu tư thay vì vung tiền mua sắm.
Với những người nói "Tiền không mua được hạnh phúc", thực ra ý họ là: Siêu xe hay hàng hiệu thì đều hấp dẫn cả. Nhưng niềm hứng thú ấy sẽ nhanh chóng qua đi và bạn sẽ lại phải chi tiền để mua niềm vui mới. Cái vòng xoáy ấy cứ lặp đi lặp lại.
Đó rõ ràng không phải công thức cho một cuộc sống hạnh phúc. Hãy dùng tiền như một công cụ để theo đuổi đam mê. Bạn có thể tập trung tạo dựng ước mơ mà không phải lo lắng hay vướng bận gì. Tiền cho bạn sự tự do, và đó là điều vô giá.
Người đạt giải Nobel kinh tế 2015: Có thể mua được hạnh phúc bằng... tiền
Giáo sư Angus Deaton, người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2015, cũng công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng người ta sẽ hạnh phúc hơn khi thu nhập tăng và mức thu nhập lý tưởng là 75.000 USD/năm.
Trước khi đưa ra kết luận hạnh phúc sẽ tự động tìm đến khi thu nhập của con người đạt mức 75.000 USD/năm, nghiên cứu trên chỉ ra rằng, thực chất con người chỉ có 2 xu hướng cảm xúc phổ biến.
Một là tâm trạng thay đổi theo ngày: hôm nay vui vẻ, mai buồn bực hay ngày kia thư thái. Sự thất thường này được dự đoán là do tác động của khả năng tài chính không ổn định. Hai là khi ngày nào trong túi cũng "rủng rỉnh", đồng nghĩa với tâm lý ổn định hơn trước. Lúc này, bạn sẽ thực sự cảm nhận được cuộc sống đang diễn ra.
Dù giáo sư Deaton không được nhiều người biết tới, nhưng ít nhất một trong những nghiên cứu của ông cũng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Nghiên cứu này tập trung vào mối tương quan giữa thu nhập và hạnh phúc, là thành quả sau nhiều năm hợp tác của 2 đồng tác giả Angus Deaton và chuyên gia tâm lý Daniel Kahneman cũng từng đoạt giải Nobel Kinh tế. Cả 2 đều đang đảm nhận chức vụ Giáo sư tại Đại học Princeton.
Nghiên cứu này phân tích phản ứng của 450.000 người Mỹ trong năm 2008 và 2009. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về mức thu nhập hàng năm, những người tham gia được hỏi họ cảm thấy như thế nào về ngày hôm qua, và liệu họ đang có một cuộc sống tốt nhất có thể không?
Khảo sát yêu cầu những người tham gia đặt mình vào một nấc thang thỏa mãn cuộc sống, với nấc thứ nhất chỉ cuộc sống diễn ra không suôn sẻ và nấc thứ 10 chỉ cuộc sống không thể tuyệt vời hơn.
Trong nghiên cứu công bố năm 2010, Deaton và Kahneman cho biết: “Câu hỏi liệu tiền có mua được hạnh phúc thường xuyên xuất hiện tại các cuộc thảo luận giữa các học giả và công chúng về sự giàu có. Qua kết quả có được từ nghiên cứu này, chúng tôi không kết luận nhiều tiền sẽ giúp con người hạnh phúc hơn. Nhưng chắc chắn ít tiền sẽ đồng nghĩa với đau khổ".
Cụ thể, công trình nghiên cứu này chỉ ra rằng: Người ta sẽ hạnh phúc hơn khi thu nhập tăng, và mức thu nhập lý tưởng hàng năm là 75.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng, tương đương 141 triệu đồng mỗi tháng). Deaton và Kahneman cũng phát hiện ra rằng, người giàu hơn thường nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, đó không phải là điều khiến Ủy ban Giải Nobel quyết định vinh danh ông.
Thay vào đó, họ đánh giá cao nghiên cứu này về giá trị trong định nghĩa thói quen tiêu dùng của con người, cụ thể là về cách chúng ta sử dụng hàng hóa và dịch vụ. Chính vì thế, trường hợp của Deaton vô cùng đặc biệt và chẳng hề giống bất kỳ một người được trao giải Nobel nào trước đó.
Các tác giả phát hiện ra rằng, 85% người Mỹ cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày mà không màng đến thu nhập hàng năm của mình. Khoảng 40% người trả lời nói họ cảm thấy căng thẳng và 24% bày tỏ sự buồn bã. Nhưng hầu hết mọi người thỏa mãn với cuộc sống của mình.
Vậy khoản thu nhập 75.000 USD đóng vai trò như thế nào? Các nhà nghiên cứu phát hiện, bản thân mức thu nhập thấp không phải tác nhân gây buồn chán mà chỉ khiến người ta cảm thấy dễ nhụt chí khi phải đối mặt với nhiều vấn đề khúc mắc trong cuộc sống.
Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy, trong số những người bị hen suyễn, 41% số người có thu nhập thấp cho biết họ không thấy vui, trong khi con số này ở nhóm thu nhập khá hơn chỉ là 22%.
Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, tiền sẽ đưa bạn thoát khỏi nghịch cảnh. Và ở mức thu nhập 75.000 USD, tình thế lúc này sẽ đảo chiều. Đối với những người kiếm được bằng từng đó hoặc hơn, tính khí và hoàn cảnh sống sẽ dần có xu hướng nghiêng sang cảm xúc hơn là những vấn đề "cơm áo gạo tiền".
Ở phép thử thứ 2 của cuộc khảo sát, những người có thu nhập cao thường có xu hướng chọn nấc thang thỏa mãn với cuộc sống cao hơn. Từ đây, 2 tác giả cho rằng: Số phần trăm thỏa mãn tăng theo thu nhập sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách đánh giá cuộc sống của mọi người, bất kể giàu nghèo. Theo đó, cứ tăng 10% thu nhập hàng năm, người ta lại leo thêm cùng số nấc thang thỏa mãn, bất kể họ kiếm được 20.000 USD hay 100.000 USD.
Nghiên cứu không chỉ rõ tại sao 75.000 USD lại là điểm chuẩn, nhưng theo 2 nhà nghiên cứu, dường như đó là một con số hợp lý khi những người đạt được sẽ không còn coi tiền là một vấn đề nữa.
Ở mức thu nhập này, người ta có thể thoải mái chi tiêu để mua những thứ họ cần, làm những việc họ thích mà không phải suy nghĩ quá nhiều về khả năng tài chính. Cuộc sống nhờ vậy cũng trở nên đơn giản hơn nhiều. Bộ đôi giáo sư cũng kết luận, thu nhập cao không đơn thuần mang lại hạnh phúc, nhưng nó mang lại cho bạn một cuộc sống mà bạn nghĩ là tốt hơn.
Mời quý độc giả xem video:
Theo ĐSPL