Tiến độ thanh tra Asanzo hiện nay thế nào?

Google News

Chiều 19/7, Tổng cục Hải quan cho biết họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành Hải quan, trong đó tiến độ quá trình kiểm tra, thanh tra với Asanzo rất được quan tâm.
 

Chưa có quy định rõ ràng về hàng "Made in Vietnam"
Chiều nay 19/7, tại Hà Nội, Tổng Cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành Hải quan. Trong đó, kết quả điều tra về việc đổi nhãn mác sản phẩm "Made in Vietnam" của Asanzo nhận được sự quan tâm lớn của báo chí.
Về việc xác định Asanzo có vi phạm hay không, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát Quản lý nhà nước về hải quan, Tổng Cục Hải quan cho biết: "Như phân tích ban đầu, việc ghi nhãn hàng hoá đã có quy định rất rõ tại Nghị định 43 của Chính phủ.
Nhãn hàng hoá gồm các thông tin bắt buộc, trong đó thông tin xuất xứ buộc phải có khi nhập khẩu và trước khi tiêu thụ ở trị trường trong nước. Khi ghi nội dung xuất xứ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hoá".
Tien do thanh tra Asanzo hien nay the nao?
Ông Âu Anh Tuấn cho biết, hiện chưa có tiêu chí cụ thể về đánh giá hàng nội địa. 
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đối chiếu với các quy định pháp luật xuất xứ hàng hoá trước kia là Nghị định 19, đến năm 2008 Nghị định 31 được thay thế thì chỉ quy định về tiêu chí xuất xứ để xác định hàng hoá xuất khẩu, không quy định tiêu chí đối với hàng hoá nội địa.
Bởi vậy, quy định để xác định đơn vị nhập khẩu nhập khẩu 1 số linh kiện sau đó lắp ráp có đáp ứng tiêu chí để ghi "Made in Vietnam" hay không hiện tại vẫn chưa có.
Vị này cũng cho biết, để giải quyết những khúc mắc còn tồn tại Tổng cục cũng đã có kiến nghị để cụ thể hoá các quy định.
Về tiến độ kiểm tra, thanh tra Asanzo, bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó Cục kiểm tra sau thông quan cho biết, Tổng cục đã kiểm tra 27 doanh nghiệp liên quan, trong đó 3 doanh nghiệp không còn hoạt động, 1 doanh nghiệp đã bị khởi tố. Hiện nay, Cục vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, đến thời điểm hiện tại chỉ một số công ty sơ bộ có kết quả nên chưa thể có thông tin chính xác đến báo chí.
Cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng thẳng thắn cho biết, những biện pháp xử lý với hành vi vi phạm về xuất xứ còn nhẹ, sức răn đe còn chưa đủ mạnh. Trong khi trong hoạt động lợi dụng gian lận thương mại diễn ra tại nhiều quốc gia, nhiều công đoạn, với nhiều thủ đoạn phức tạp…

Mời quý vị xem video: Asanzo là ai?

Tinh vi thủ đoạn gian lận về xuất xứ
Theo Tổng Cục Hải quan, qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, thanh tra hải quan đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn mác.
Cụ thể như hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc ghi trên sản phẩm và bao bì, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất nước ngoài hoặc không thể hiện xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam.
Các thủ đoạn sử dụng xuất xứ hàng hóa (C/O) giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan….
Trước thực tế này, Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Hải quan các nước trong việc trao đổi thông tin xác minh về việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Cụ thể từ năm 2016 đến tháng 6/2019, Hải quan các nước đã gửi 286 yêu cầu xác minh liên quan đến nguồn gốc xuất xứ đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam tập trung vào các mặt hàng nông sản như nấm, hành, măng. Hải quan Việt Nam gửi 13 yêu cầu xác minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến mặt hàng nhôm, nông sản…
Tuy nhiên, ông Âu Anh Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay các quy định về xử phạt các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác hiện nay còn nhẹ chưa tương xứng với hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến việc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.
"Tổng Cục Hải quan sẽ đẩy mạnh việc chỉ đạo các cục Hải quan tỉnh thành phố tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu vào thực hiện các hoạt động về gian lận giả mạo xuất xứ cũng như trung chuyển, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát các khu vực cửa khẩu, nắm thông tin doanh nghiệp để xác định được trường hợp tăng giảm bất thường về kim ngạch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa ra biện pháp phòng ngừa", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Đặng Thuỷ - Trọng Tùng/Người đưa tin