Tiêu thụ điện bình quân của người dân TPHCM trong 15 ngày đầu tháng 3 cao hơn sản lượng bình quân năm ngoái. Sắp tới thời tiết sẽ tiếp tục oi bức, làm sao để sử dụng nguồn điện năng mà tránh được hoá đơn tiền điện tăng cao?
Đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM cho rằng, 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”, hãy “Tắt khi không sử dụng” là những nguyên tắc cơ bản nếu muốn tiết kiệm điện.
Chẳng hạn, khi dùng máy điều hòa, nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 50C) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà. Nên duy trì nhiệt độ từ 24-270C.
|
Hình thành những thói quen nhỏ trong sử dụng điện cũng có thể giúp các gia đình tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng điện hàng tháng - Ảnh minh họa |
Có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát nhanh không khí trong phòng. Nên vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng.
Nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng, không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điểm (9g30-11g30; 17g-20g), tăng sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng. Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao. Có thể lắp đặt pin năng lượng mặt trời để sử dụng cho gia đình mình và bán lại cho lưới điện quốc gia.
PGS.TS Phạm Xuân Mai - ĐH Bách Khoa TPHCM cho biết, nên thay thế các thiết bị cũ bằng các model mới hơn, có gắn nhãn Energy Star (tiết kiệm năng lượng) để đảm bảo hiệu quả. Những sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến cũng giúp đỡ hao tốn năng lượng hơn. Ví dụ, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt thì nên chọn sử dụng công nghệ Inverter, công nghệ Plasmaster.
Nên bố trí các thiết bị trong nhà ở những vị trí phù hợp, chế độ hoạt động phù hợp. Ví dụ, đặt tủ lạnh tránh xa các nguồn nhiệt như bếp, lò sưởi, lò vi sóng, khoảng cách tường tối thiểu 10cm để đảm bảo không khí được lưu thông tự nhiên. Không nên bật lò vi sóng trong phòng đang chạy điều hoà. Nếu thời tiết không quá nóng, độ cẩm cao thì nên để điều hoà ở chế độ dry, trời nắng nóng, độ ẩm thấp thì chuyển sang chế độ cool cũng giúp tiết kiệm điện.
Tủ lạnh nên chọn dung tích phù hợp, đủ dùng, ví dụ 1 người thì dùng tủ lạnh 70-100 lít, nhà 4 người trở lên thì dùng tủ lạnh 250-350 lít. Nhiệt độ mát trong tủ lạnh nên để từ 3-60C, đông lạnh từ 15-180C; giảm nhiệt độ bình đun nước nóng từ 600C còn 45-500C. Khi nấu cơm, hâm cơm xong nên ăn liền vì để ở chế độ hâm nóng quá lâu cũng gây lãng phí điện.
Máy giặt thì nên chọn chế độ giặt tiết kiệm, không chọn chế độ giặt bằng nước nóng. Không nên ủi đồ vào giờ cao điểm, cài đặt nhiệt độ bàn ủi phù hợp cho từng loại vải, không dùng bàn ủi trong phòng có bật máy lạnh.
Chuyên gia điện, điện lạnh Hoàng Trần Trọng Huy - ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tư vấn thêm, một trong những cách tiết kiệm điện là nên thay đổi bóng đèn chiếu sáng trong nhà. Nhiều người cho rằng đèn chiếu sáng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số điện năng tiêu thụ, nhưng thực tế theo khảo sát của Tập đoàn điện lực Việt Nam, chiếu sáng tiêu tốn tới 17% tổng điện năng tiêu thụ.
Nên thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact huỳnh quang hoặc đèn Led. Vì ánh sáng sợi đốt dùng nhiệt, hiệu suất phát quang rất thấp, khoảng 95% điện năng chuyển hoá thành nhiệt năng (toả nhiệt), chỉ còn 5% điện năng được biến thành quang năng (chiếu sáng). Trong khi các đèn compact hoặc huỳnh quang đã được nghiên cứu là tiết kiệm điện năng hơn.
Nhiều nghiên cứu, tính toán và thí nghiệm, cùng với độ sáng như nhau, bóng đèn huỳnh quang T5-28W (ống tuýp “gầy”) có tuổi thọ trên 10.000 giờ, gấp 2 lần bóng huỳnh quang T10-40W (ống tuýp to). Bóng đèn huỳnh quang T5-28W tiết kiệm được 40% điện năng tiêu thụ so với bóng T10-40W. Tiền điện phải trả trong 10.000 giờ của bóng T5-28W khoảng 330.000 đồng, trong khi tổng số tiền phải trả khi dùng bóng T10-40W lên đến 548.000 đồng. Nhìn chung bóng đèn tuýp “gầy” giúp công suất giảm đi, độ rọi sáng tăng lên.
Theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam, nếu đồng loạt thay thế 1 triệu bộ đèn tuýp “gầy” sẽ giảm được công suất 10MW - tương đương công suất một nhà máy điện mặt trời. Bóng đèn tuýp “gầy” đã sử dụng khá lâu tại nhiều nước trên thế giới, hiện tại Việt Nam cũng đã có nhiều doanh nghiệp bắt đầu sản xuất loại đèn này.
Có một số thiết bị dù không sử dụng, đặt ở chế độ chờ sẵn, thậm chí đã tắt nhưng vẫn tiếp tục tiêu tốn năng lượng như bộ sạc điện thoại, bộ điều khiển truyền hình, dây sạc kết nối tivi và máy tính, bộ phát sóng wifi. Theo ước tính một chiếc tivi không hoạt động vẫn kết nối với nguồn điện tốn chi phí khoảng 25 USD/năm (khoảng 600.000 đồng), còn máy tính là 100 USD/năm (hơn 2,3 triệu đồng). Cách tốt nhất, thiết bị nào không sử dụng thì nên rút hết phích cắm.
Theo Phụ Nữ TP.HCM